Quá nhiều sân bay!
9:54', 15/2/ 2012 (GMT+7)

Sân bay Đồng Hới lèo tèo khách, mỗi năm lỗ 55 – 60 tỉ đồng.

14 tỉnh, thành miền Trung, từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, có đến 9 sân bay. Nhiều địa phương khác cũng đang xin làm sân bay. Mật độ sân bay quá dày đặc nhưng hiệu quả khai thác rất thấp.

Riêng khu vực Bắc Trung Bộ (gồm 6 tỉnh) có các sân bay đang hoạt động là Vinh (Nghệ An), Đồng Hới (Quảng Bình) và Phú Bài (Thừa Thiên - Huế). Ngoài ra, sân bay Thanh Hóa sắp được khởi công và tỉnh Quảng Trị cũng đã có quyết định xây sân bay. Vậy là ở khu vực này chỉ còn tỉnh Hà Tĩnh chưa có sân bay.

Lỗ rất nặng

Nằm giữa, cách 2 sân bay Vinh và Phú Bài chưa tới 200 km, sân bay Đồng Hới được đưa vào khai thác vào năm 2008, do Tổng Công ty Cảng hàng không miền Bắc đầu tư với số vốn 212 tỉ đồng. Sân bay này có một đường băng dài 2,4 km, rộng 45 m; đường lăn E1 dài 144,6 m, đường lăn E2 dài 144,5 m, rộng 18 m. Sân đậu máy bay hàng không dân dụng rộng 14.986m2 với 2 vị trí đậu cho máy bay A320, A321 và tương đương. Ngoài ra còn có chỗ đậu cho máy bay quân sự rộng gần 8.000 m2.

Với địa danh nổi tiếng Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng,  Quảng Bình xác định sân bay Đồng Hới sẽ giúp tỉnh nhà tham gia khai thác hiệu quả chương trình du lịch Con đường Di sản miền Trung. Vì vậy, sân bay Đồng Hới được xây dựng với khả năng phục vụ 300 hành khách/giờ cao điểm và 500.000 lượt khách/năm. Tuy nhiên, hiện sân bay này mỗi tuần chỉ mới khai thác 5 chuyến bay tuyến Đồng Hới - TPHCM và 4 chuyến tuyến Đồng Hới - Hà Nội. Qua gần 4 năm, sân bay Đồng Hới phục vụ được tổng cộng 142.000 khách lượt đi và đến, ít hơn rất nhiều so với công năng.

Ông Trịnh Hải Đức, Phó Giám đốc Cảng Hàng không Đồng Hới, cho biết cứ mỗi chuyến bay cất cánh, Vietnam Airlines chi trả cho sân bay 3,8 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí lương cho 45 nhân viên nhà ga và khấu hao máy móc, điện, nước rất lớn. “Tiền điện phải trả cho 1 giờ phục vụ máy bay là 1,5 triệu đồng. Vì vậy, mỗi năm chúng tôi lỗ khoảng từ 55-60 tỉ đồng” - ông Đức ngao ngán.

Trong thời chiến, sân bay Chu Lai (Quảng Nam) là căn cứ không quân của quân đội chế độ cũ và Mỹ. Sau gần 30 năm bỏ phế, năm 2004, Cục Hàng không Việt Nam khởi công xây dựng nhà ga hành khách sân bay Chu Lai với tổng vốn đầu tư trên 80 tỉ đồng. Ngày 22-3-2005, sân bay này chính thức đi vào hoạt động và đưa vào khai thác đường bay Chu Lai - TPHCM, mỗi tuần 2 chuyến, được kỳ vọng là động lực cho sự phát triển kinh tế của 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Sân bay Chu Lai có diện tích gần 3.000 ha, đường băng dài 3.050 m.

Năm 2008, Cảng Hàng không Chu Lai được phê duyệt quy hoạch phát triển thành Cảng Hàng không quốc tế Chu Lai. Năm 2010, lãnh đạo Cảng Hàng không quốc tế Chu Lai mở thêm đường bay Chu Lai - Hà Nội và ngược lại, tần suất 4 chuyến/tuần, đồng thời tăng chuyến bay Chu Lai - TPHCM và ngược lại lên 10 chuyến/tuần. Nhờ đó, lượng khách đến sân bay Chu Lai đạt gần 60.000 người/năm.

Lượng khách có nhích lên từng năm nhưng cảng hàng không này vẫn phải chịu thua lỗ. Ông Đinh Tấn Phước, Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Chu Lai, cho biết: “Những năm đầu chịu lỗ trên 9 tỉ đồng, đến năm 2010 lỗ 6,9 tỉ đồng và đến năm 2011 lỗ 5,7 tỉ đồng. Tôi rất lo vì mức lỗ quá lớn” - ông Phước trăn trở.

Một trong những nguyên nhân khiến sân bay Chu Lai thua lỗ là vì ít khách nên thu không đủ bù chi. Do chưa được trang bị công cụ dẫn đường trong thời tiết xấu, đài dẫn đường, hệ thống đèn đêm và trang thiết bị phục vụ mặt đất nên nhiều chuyến bay đến không thể hạ cánh xuống đây, đành bay tiếp ra Đà Nẵng để đáp. Chỉ có những máy bay nhỏ như ATR 72 mới hạ cánh được ở sân bay này, còn Boeing hay Airbus thì chịu. Mà ATR 72 thì khách không thích đi!

Vỏ quốc tế, ruột nội địa

Trong 4 sân bay mang mác “cảng hàng không quốc tế” tại miền Trung, chỉ có sân bay Đà Nẵng và Cam Ranh (Khánh Hòa) khai thác được các chuyến bay đến và đi quốc tế. Các sân bay còn lại, dù đã được nâng hạng “quốc tế” từ lâu nhưng đến nay chưa đón hay tổ chức được chuyến bay thương mại quốc tế nào.

Điển hình là sân bay Phú Bài, được phê duyệt nâng hạng cảng hàng không quốc tế từ năm 2009. Đây là cơ hội cho tỉnh Thừa Thiên - Huế mở các chuyến bay quốc tế để thu hút du khách nước ngoài nhưng 3 năm qua, sân bay này chưa có một chuyến bay thương mại quốc tế nào đến và đi dù đã được trang bị hệ thống sân đậu cho 6 chiếc máy bay cùng lúc; đường băng vừa mới nâng cấp vào năm 2011 có thể tiếp nhận hạ cánh được các loại máy bay cỡ lớn và hiện đại nhất thế giới; các hệ thống mặt đất, xe cứu hỏa, cứu thương đều đạt chuẩn.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài, trong 1 triệu lượt khách đi và đến thông qua sân bay Phú Bài mỗi năm, có đến 50%-60% là khách quốc tế. Trước đó, khách đã quá cảnh ở các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất hoặc Nội Bài... Ông Minh cho biết từ khi công bố quyết định trở thành sân bay quốc tế, nhiều hãng hàng không từ Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc… đã sang khảo sát sân bay Phú Bài nhằm mở đường bay đến Huế nhưng đến nay chẳng có hãng nào quay lại.

Sân bay Chu Lai cũng chẳng hơn gì sân bay Phú Bài. Sau 4 năm trở thành cảng hàng không quốc tế, sân bay này nay vẫn chỉ lưa thưa những chuyến bay nội địa!

Tìm đâu ra khách!

Sân bay Tuy Hòa (Phú Yên) cũng khó tránh được cảnh thua lỗ như sân bay Đồng Hới và Chu Lai dù mới đây (hôm 11-2), Tổng Công ty Cảng Hàng không miền Nam đã khởi công mở rộng khu hàng không dân dụng của Cảng Hàng không Tuy Hòa. Dự án có tổng mức đầu tư 290 tỉ đồng, nằm ở phía Đông sân bay hiện tại.

Năm 1998, chỉ sau 1 năm Cảng Hàng không Tuy Hòa được đưa vào hoạt động với 2 chuyến/tuần (tuyến Tuy Hòa - TPHCM) bằng máy bay ATR 72, sân bay này đã phải đóng cửa vì không có khách.

Đến năm 2003, sân bay Tuy Hòa mới được mở cửa trở lại và đến nay chỉ mới khai thác được các đường bay Hà Nội và TPHCM với tần suất 10 chuyến Tuy Hòa - TPHCM - Tuy Hòa và 7 chuyến Tuy Hòa - Hà Nội - Tuy Hòa, chuyên chở gần 50.000 lượt khách/năm.

Tuy vậy, các chuyến bay vẫn không được ổn định. Theo ông Phạm Đình Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, việc mở rộng Cảng Hàng không Tuy Hòa góp phần tạo tiền đề để phát triển kinh tế cho tỉnh nhà nhưng tìm đâu ra đủ khách để hoạt động ổn định là câu hỏi chưa có lời đáp.

. Theo Báo Người Lao Động

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ngân hàng Nhà nước: Sẽ phân nhóm tổ chức tín dụng  (15/02/2012)
Cúm gia cầm xuất hiện tại 9 tỉnh, thành  (14/02/2012)
Bầu Đức xây sân bay 40 triệu USD tại Lào  (14/02/2012)
Tăng giá hơn 400 dịch vụ y tế  (14/02/2012)
Xây xong hơn 2.000 km đường tuần tra biên giới  (14/02/2012)
Lùi thời gian thi đại học, cao đẳng 2012  (14/02/2012)
Chưa đủ cơ sở để đổi đường bay Hà Nội –TPHCM  (14/02/2012)
Tuyển sinh ĐH-CĐ 2012: Sẽ có nhiều thay đổi   (14/02/2012)
Thành lập 7 đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm gia cầm  (13/02/2012)
Thu hút đầu tư nước ngoài: Trọng chất hơn lượng  (13/02/2012)
Quảng Ngãi: Chợ tạm sẽ được xây trong vòng 45 ngày  (12/02/2012)
Tổ chức công đầu tiên của Việt Nam được vinh danh tiêu biểu ASEAN  (12/02/2012)
Khởi công Khu Hàng không dân dụng – Cảng Hàng không Tuy Hòa   (11/02/2012)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng kết luận về vụ việc cưỡng chế thu hồi đất tại Tiên Lãng  (10/02/2012)
Cải cách tiền lương: phải huy động từ nhiều nguồn  (10/02/2012)