* Cấp bách phòng chống bệnh tay chân miệng.
Trước tình hình dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây truyền và bùng phát dịch rất cao, chiều 20.2, Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số biện pháp kiên quyết ngăn chặn dịch bệnh lây lan, sớm dập tắt dịch.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương huy động các lực lượng chức năng của địa phương tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở giết mổ, chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm; tổ chức tốt việc giám sát, phát hiện kịp thời bệnh dịch trên gia cầm và xử lý triệt để.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống đại dịch cúm ở người chỉ đạo tăng cường giám sát phát hiện sớm những trường hợp nghi nhiễm cúm A (H5N1), kịp thời cấp cứu, tích cực điều trị, hạn chế thấp nhất tổn thất tính mạng và sức khỏe người dân; cách ly, khoanh vùng xử lý triệt để, không để dịch lây lan; kiểm tra rà soát, bảo đảm đủ cơ số trang bị y tế, thuốc và hóa chất thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch ở các tuyến.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm trên gia cầm chỉ đạo các địa phương tổ chức tốt việc tiêu độc, khử trùng các chuồng, trại chăn nuôi, phát hiện và xử lý sớm gia cầm ốm, chết, không để dịch lan rộng, kéo dài.
* Trước tình hình bệnh tay chân miệng có chiều hướng gia tăng ngay từ đầu năm, cũng trong chiều qua, Bộ Y tế chủ trì cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tay chân miệng để bàn các biện pháp khống chế, không để bệnh lây lan trên diện rộng.
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), tích lũy từ 6 tuần đầu năm 2012, cả nước đã ghi nhận hơn 6.300 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (TCM) tại 60 địa phương, trong đó có 9 trường hợp tử vong.
Đề cập đến tính cấp bách trong công tác phòng chống dịch trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur phối hợp với Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, thành phố hỗ trợ, tổ chức thực hiện việc giám sát, xử lý ổ dịch, không để dịch lan rộng kéo dài. Nắm chắc tình hình, diễn biến bệnh TCM tại các địa phương, đánh giá được xu hướng của bệnh và tập trung nguồn lực xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh. Tập trung vào công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân nhận thức rõ và có biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Chủ động, sẵn sàng vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng chống dịch. Xây dựng kế hoạch phân tuyến điều trị phù hợp với thực tế tại địa phương, thiết lập đơn vị hồi sức nhi khoa tại bệnh viện đa khoa hoặc chuyên khoa tuyến tỉnh có đủ trang thiết bị, nhân lực để điều trị bệnh nhân TCM nặng, hạ chế vận chuyển bệnh nhân; kịp thời rút kinh nghiệm trong điều trị để hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.
. Theo Cổng thông tin Chính phủ |