Tuy ngân hàng rầm rộ tuyên bố hạ lãi suất cho vay song rất ít doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này.
Liên tiếp trong những ngày gần đây, một loạt các ngân hàng lớn như: VietinBank, VietcomBank AgriBank, và trước đó là BIDV đã chính thức thông báo giảm lãi suất cho vay với mức thấp nhất còn 14,5 - 15%/năm. Cùng với đó, một số ngân hàng cổ phần cũng đã vào cuộc để giảm lãi suất cho vay như Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng dự định triển khai chương trình cho vay ưu đãi xuất khẩu với lãi suất thấp hơn thông thường 0,5%/năm.
Ông Nguyễn Văn Thắng – Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam cho biết: “Cho vay sản xuất kinh doanh chúng tôi áp dụng mức lãi suất 16,5%, cho vay tiêu dùng khoảng 17% và đối với các doanh nghiệp hỗ trợ xuất khẩu chỉ khoảng 15,8%”.
Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, để vay được mức lãi suất thấp như ngân hàng công bố, thì các doanh nghiệp phải là những đối tượng nằm trong diện ưu tiên đặc biệt, phải đáp ứng các thủ tục chặt chẽ của một hợp đồng tín dụng.
Ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Vân Long cho biết: Mặc dù thuộc diện ưu tiên được vay vốn, và là khách hàng thân thiết với một số ngân hàng thương mại cổ phần nhưng khi đi vay cũng chỉ được mức lãi suất giảm nhẹ so với trước.
“Tuy lãi suất có giảm nhưng việc tiếp cận tương đối khó. Có thể hiện nay vốn của ngân hàng chưa dồi dào nên chưa tác động được nhiều đến lãi suất cho vay. Các ngân hàng không có nguồn vào thì đương nhiên việc cho vay ra của ngân hàng cũng không nhiều được” – ông Tuấn đưa ra ý kiến của mình.
Chia sẻ vấn đề này, các ngân hàng thừa nhận, thực tế hiện nay việc giảm lãi suất cho vay xuống 15-17% /năm chỉ có thể áp dụng cho vài trường hợp là khách hàng tốt và có mối quan hệ quen biết chứ chưa thể áp dụng đại trà. Vì các ngân hàng cần phải căn cứ vào cơ sở nguồn vốn nhiều hay ít, giá vốn đầu vào cao hay thấp, đối tượng khách hàng, lĩnh vực kinh doanh sản xuất rủi ro thấp hay cao…, ngân hàng sẽ đưa ra mức lãi suất cho vay khác nhau đối với các doanh nghiệp.
Bà Vũ Thị Hải Phượng – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội cho rằng: “Vì ngân hàng cũng là doanh nghiệp, việc quản trị nguồn vốn một cách hiệu quả và chọn khách hàng vay chúng tôi cũng phải lựa chọn. Nông nghiệp, nông thôn, nông dân hay sản xuất hàng xuất khẩu là những lĩnh vực được ưu tiên. Còn những lĩnh vực khác như tiêu dùng, bất động sản, thì sẽ phải được kiểm soát”.
Theo các chuyên gia kinh tế, để việc giảm lãi suất thực sự rõ nét trước hết Ngân hàng Nhà nước cần sớm giải quyết triệt để vấn đề thanh khoản của các ngân hàng. Còn hiện nay, tính thanh khoản của phần lớn các ngân hàng vẫn còn căng thẳng, vì vậy nếu giảm ngay lãi suất một cách đại trà thì doanh nghiệp sẽ được cứu nhưng ngân hàng cũng khó tồn tại.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu phân tích: “Với tính thanh khoản chưa được cải thiện một cách rõ ràng thì trong lúc này vấn đề hạ lãi suất xuống cần phải suy xét. Để giải quyết được vấn đề này, các cơ quan chức năng cần huy động được những phương tiện thanh toán không cần tiền mặt, bản thân các ngân hàng phải cải thiết một cách ráo riết từ quy trình chính sách tín dụng cho đến vấn đề thẩm định những tài sản thế chấp để tạo được chất lượng tín dụng tốt, tránh được nợ xấu”.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng: điều quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay là cần phải xử lý những vướng mắc về tài chính, mạnh dạn cắt bỏ các lĩnh vực kinh doanh thiếu hiệu quả, xác định lại nhu cầu vốn hợp lý trước khi tính chuyện vay vốn ngân hàng.
. Theo VOV |