Xăng dầu bất ngờ tăng giá, các mặt hàng thực phẩm, hàng thiết yếu… cũng té nước theo mưa khiến chi phí cho chuyến biển của ngư dân đội lên cao. Đời sống ngư dân miền Trung vốn đã khó nay càng khó…
Tính đường... bỏ biển
Hay tin xăng dầu tăng giá, ông Huỳnh Văn Hoàng (xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn, Bình Định), chủ tàu BĐ-96289TS, buồn rũ rượi. Cuối năm 2011, tàu của ông hành nghề câu mực liên tục thua lỗ, nợ xăng dầu, nợ đầu nậu chất chồng. Đầu năm 2012 đến nay, 3 chuyến đánh bắt đầu vụ kiếm được kha khá nhưng chưa đủ trả nợ thì xăng dầu lại tăng giá.
|
Chủ tàu QNg - 94787 Nguyễn Đình Bê lo lắng vì giá xăng dầu tăng làm chi phí đi biển tăng cao. |
Ngồi ngả lưng vào mạn thuyền, ông Hoàng thở dài lo lắng: “Tàu của tôi có công suất 110CV, mỗi chuyến đi biển dài 20 ngày, tốn khoảng 2.000 lít dầu, cộng với các loại phí tổn khác tốn gần 60 triệu đồng nhưng hải sản đánh bắt ngày càng ít, thu không đủ bù chi. Bây giờ xăng dầu tăng giá, tính sơ sơ cũng phải mất thêm 6 triệu đồng nữa cho mỗi chuyến ra khơi. Kiểu này chắc phải tính bán tàu kiếm nghề khác làm ăn.
Trong khi đó, trên sông Hàn, TP Đà Nẵng, hàng chục tàu thuyền của ngư dân Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng đã đến ngày ra khơi nhưng đành nán lại một vài ngày để sắp xếp chi phí và tìm bạn.
Đang chờ bơm dầu cho chuyến biển sắp tới, anh Nguyễn Đình Bê, chủ tàu QNg-94787 (trú Mỹ Á, Đức Phổ, Quảng Ngãi) ngao ngán: “Dầu tăng kéo theo bao nhiêu thứ tăng theo. Trước đây, tổn phí mỗi chuyến biển kéo dài 3 tuần hết khoảng 80 triệu đồng thì nay hơn 100 triệu đồng mới đủ. Trong khi đó, nghe xăng dầu tăng giá, bạn (ngư dân làm cùng trên tàu – PV) cũng đòi tăng mức ăn chia mới chịu đi”.
Cùng cảnh ngộ, hiện nay hàng ngàn tàu thuyền của miền Trung cũng đắn đo, suy tính trước khi đi đánh bắt trở lại. Trước mắt, để bám biển… chờ giá dầu giảm, các phương án “thắt lưng buộc bụng” như giảm chi phí lương thực, thực phẩm, nhân công, đánh bắt ngắn ngày… được chủ tàu bàn tính sát sao.
Ông Bùi Văn Thịnh (ở xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, Bình Định), chủ tàu BĐ-95459TS, tâm sự: “Anh em trên tàu chúng tôi bàn với nhau kỹ lắm rồi, phải ra khơi thôi nhưng sẽ cùng nhau tiết kiệm mọi chi phí. Tàu 330CV của chúng tôi mỗi chuyến đi biển tốn khoảng 80 triệu đồng, nay phải gánh thêm 10 triệu đồng tiền xăng nữa sẽ lỗ sặc gạch. Nhưng tính được chuyến này chứ chuyến sau thì khó, vì mọi thứ đều tăng theo giá xăng dầu. Nếu hải sản không tăng giá thì chắc chắn chủ tàu sẽ phá sản thôi!”.
Chờ hỗ trợ
Theo ông Văn Công Việt (ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, Bình Định), chủ tàu cá BĐ-91189 TS, giá xăng dầu lên vào giữa mùa đánh bắt cá ngừ đại dương sẽ ảnh hưởng rất lớn nguồn thu nhập của ngư dân. Nếu giá xăng dầu liên tục “nhảy múa” thì số tàu rao bán hoặc nằm bờ ngày càng nhiều hơn.
Đón nhận tin xăng dầu tăng giá, gia đình ông Nguyễn Văn Ái (ở xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) ai cũng lo lắng bởi ông có đội tàu 2 chiếc có công suất 270CV, một chiếc có công suất 450CV và chiếc tàu công suất 900CV đang đánh bắt cá ngừ đại dương tại vùng biển Trường Sa. “Đội tàu của tôi có khoảng 100 bạn, nay xăng dầu tăng giá, thu nhập từ mỗi chuyến biển xuống thấp sẽ có bao nhiêu gia đình bị ảnh hưởng? Nếu chuyến biển không thuận lợi không chỉ chủ tàu lỗ to mà còn ảnh hưởng đến cả trăm hộ gia đình. Vì vậy, tôi mong Nhà nước có phương án hỗ trợ xăng dầu cho ngư dân chúng tôi”.
Anh Nguyễn Văn An (Đức Phổ, Quảng Ngãi, chủ tàu QNg-98598) đang neo tàu trên sông Hàn (Đà Nẵng) chuẩn bị cho chuyến đi mới, than thở: “Đánh bắt xa bờ ngày càng khó, lượng cá ngày càng ít trong khi chi phí mỗi chuyến đi cao quá nên chúng tôi càng bám biển càng khó. Đó là chưa nói đến những rủi ro trên biển. Vì vậy, rất mong Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí để chúng tôi có điều kiện bám biển”.
Khai thác và chế biến hải sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của miền Trung. Nếu xăng dầu tăng giá, ngư dân làm ăn thua lỗ không thể tiếp tục bám biển thì những địa phương này sẽ gặp không ít khó khăn trong việc ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
. Theo Báo Sài Gòn giải phóng
|