Thịt heo bị đầu độc
15:49', 11/3/ 2012 (GMT+7)

Ăn phải thịt heo có chất cấm sẽ bị ảnh hưởng đến hệ thần kinh, hệ cơ và có thể bị ung thư.

Cục Chăn nuôi (Bộ NN - PTNT) vừa công bố kết quả phân tích mẫu kiểm tra tại các lò mổ trên địa bàn TPHCM cho thấy có tới 43% mẫu nước tiểu và 24% mẫu thịt heo nhiễm chất cấm thuộc nhóm Beta Agonists. Trước tình trạng đáng báo động này, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Cao Đức Phát nhìn nhận việc ngăn chặn chất cấm gây hại trong chăn nuôi phải được xem như đấu tranh với nạn ma túy.

Bất chấp vì lợi nhuận

Theo giới kinh doanh thịt gia súc, gia cầm, những chất cấm này được người chăn nuôi ở Đồng Nai sử dụng nhiều nhất, chiếm đến 50% số hộ chăn nuôi. Kế đến là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, số hộ sử dụng từ 20%-25%, Bình Dương khoảng 10% và Tây Ninh khoảng 5%. Những chất cấm này nhiều năm gần đây còn xuất hiện tràn lan ở các địa phương khác mà trước đây chưa từng sử dụng như: Bến Tre (khoảng 20% số hộ chăn nuôi sử dụng), Bình Phước, Bình Thuận...

Một thương lái heo lâu năm tại Đồng Nai cho biết những chất cấm này có nguồn gốc nhập lậu từ Trung Quốc, được đóng gói từ 20 đến 50 kg, không nhãn hiệu, vận chuyển sang Việt Nam lẫn lộn cùng các loại bột nông sản, thực phẩm… nên dễ dàng qua mặt các cơ quan chức năng.

Ông Nguyễn Xuân Dương,  Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết ăn thịt heo có chất Beta Agonists rất có hại cho sức khỏe. Nhiều tài liệu khẳng định nó ảnh hưởng đến hệ thần kinh, các cơ và đặc biệt nếu sử dụng trong thời gian dài có thể dẫn đến ung thư.

Chất Beta Agonists khi được chế biến làm thức ăn cho heo thì có tác dụng rõ rệt làm tăng trọng nhanh do tích nước, tỉ lệ nạc cao, tạo nạc giả tạo và màu sắc của thịt đẹp hơn. Đáng ngại hơn, theo Cục Chăn nuôi, ngoài chất Beta Agonists, các chất cấm khác như Sabutamol và Clenbutanol cũng được người chăn nuôi sử dụng cho heo ăn.

Xử lý thiếu kiên quyết

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết hiệp hội cùng ngành nông nghiệp, thú y địa phương đã tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng nuôi heo bằng chất cấm trên địa bàn và nhận không ít lời đe dọa từ giới lái heo. “Họ còn cảnh cáo chúng tôi nên làm vừa vừa thôi, nếu không coi chừng tính mạng” - ông Công lo ngại. 

Theo ông Nguyễn Phước Trung, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT TPHCM, xử lý các lô heo nhiễm các chất trên hiện nay vẫn căn cứ vào Thông tư 54 của Bộ NN - PTNT. Phương pháp kiểm tra nhanh chỉ mang tính chất định tính, sau đó phải lấy mẫu kiểm tra lại để định lượng nên mất nhiều thời gian, gây khó khăn cho quá trình xử lý. Sở cũng đang kiến nghị Bộ NN - PTNT chỉnh sửa lại Thông tư 54 để tạo điều kiện xử lý nhanh hơn các trường hợp vi phạm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Dương khẳng định hành vi buôn bán và sử dụng chất thuộc nhóm Beta Agonists đều vi phạm pháp luật. Theo Bộ Luật Hình sự, hành vi này sẽ bị phạt tù từ 3 đến 5 năm. Ngoài ra, người sử dụng chất cấm này có thể bị phạt tiền từ 10 đến 40 triệu đồng. Đối với đàn heo đã phát hiện có chất cấm Beta Agonists, cần tiêu hủy 100%. “Quy định pháp luật xử lý hành vi này đã có đủ, vấn đề là lực lượng chức năng và chính quyền địa phương có kiên quyết vào cuộc và xử nghiêm hay không” - ông Dương nói.

Tới đây, Bộ NN - PTNT cùng Bộ Công an, Bộ Y tế, quản lý thị trường, hải quan sẽ tăng cường các đoàn kiểm tra về địa phương để ngăn chặn hành vi buôn bán, nhập lậu và sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi quyết liệt hơn.

Không thể bưng bít cho hành vi sai trái này mà phải công khai để người dân không ăn phải thịt có chứa chất cấm. Đây là tội ác chứ không chỉ đơn thuần là hành vi vi phạm pháp luật.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát

Phát hiện lượng lớn chất kích thích tăng trọng lợn

Ngày 10.3 Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai đã kiểm tra và phát hiện tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn dịch vụ nông nghiệp Thiên Hương Phát (đóng tại ấp Tân Thành, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) hơn 220kg chất kích thích tạo nạc cho lợn.

Khi lực lượng chức năng ập vào kiểm tra đã phát hiện 108kg chất tạo nạc trong chăn nuôi lợn đã được đóng thành gói loại có trọng lượng 1 kg và 5kg. Số chất cấm trên được ghi nhãn mác là “Super Weight 02 và Bcomplex - C." Ngoài ra lực lượng chức năng còn phát hiện hơn 120kg nguyên liệu dùng làm chất tạo nạc trong nuôi lợn.

Số nguyên liệu này không có nhãn mác. Chi cục Quản lý thị trường cho biết, những chất cấm trên sử dụng nhằm mục đích tăng trọng nhanh, nở mông vai, kích thích cho lợn ăn ngon miệng, hồng da, tăng sự hấp thu dưỡng chất, kích thích thèm ăn và tăng khả năng sinh đẻ cho lợn. Những loại chất này nếu ăn vào sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

Toàn bộ số hàng trên được Quản lý thị trường Đồng Nai niêm phong, tạm giữ để điều tra làm rõ. Trước đó, Công an thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) cũng đã kiểm tra cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi tại khu phố 6, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa, do ông Phạm Văn Phương (sinh năm 1968) làm chủ, đã phát hiện cơ sở này chứa khoảng 5 tấn thức ăn chăn nuôi với nhiều nhãn hiệu khác nhau được đựng trong các bao bì và thùng nhựa để chuẩn bị đưa đi tiêu thụ.

Đây là những sản phẩm tăng trọng cho gia súc, chủ yếu là lợn, có nhãn hiệu sản phẩm của nước ngoài sản xuất. Công an Biên Hòa đã tịch thu các dụng cụ sản xuất thức ăn cùng toàn bộ số sản phẩm, và lấy mẫu đưa đi giám định để điều tra làm rõ.

. Theo TTXVN

. Theo Báo Người Lao Động

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chuẩn bị bán 49% cổ phần nhà máy lọc dầu Dung Quất  (11/03/2012)
Bà Rịa - Vũng Tàu hết chỗ chôn rác thải  (10/03/2012)
Miền Trung: Dầu tăng giá, ngư dân lao đao   (10/03/2012)
Sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân phù hợp thực tế hơn  (09/03/2012)
Sức ép lạm phát 1 con số  (09/03/2012)
Tham vọng của một người con xứ Nghệ  (09/03/2012)
Giá điện mua từ Trung Quốc tăng 0,28 cent/kWh  (09/03/2012)
Năm 2030: Việt Nam có đường cao tốc Bắc - Nam  (08/03/2012)
Việt Nam thuộc nhóm bình đẳng giới tốt nhất Đông Nam Á  (08/03/2012)
Bỏ chấm chéo ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012  (08/03/2012)
Thời hạn sử dụng đất kéo dài đến năm 2033   (08/03/2012)
Giá xăng tăng 2.100 đồng/lít  (07/03/2012)
Thủ tướng yêu cầu phòng chống cháy rừng, bảo vệ tài nguyên rừng  (07/03/2012)
8 đối tượng được tuyển thẳng vào ĐH, CĐ năm 2012  (07/03/2012)
Thủ tướng chỉ đạo giảm lãi suất ngân hàng  (07/03/2012)