Công nhân 'khát' đời sống tinh thần
9:15', 14/3/ 2012 (GMT+7)

Khi đời sống vật chất còn quá nhiều khó khăn, hoạt động sinh hoạt cộng đồng, giải trí… trở thành khái niệm xa lạ đối với tuyệt đại đa số công nhân.

Cuộc sống công nhân ở nhiều nơi chỉ gói gọn trong nhà xưởng và những khu trọ tách biệt với các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng.

TP.HCM hiện có 16 khu công nghiệp, khu chế xuất với khoảng 1.100 doanh nghiệp sử dụng trên 285.000 công nhân. Ngoài những khó khăn về vật chất, đời sống tinh thần của lực lượng lao động đông đảo này cũng thiếu thốn trăm bề. Những hoạt động sinh hoạt cộng đồng, giải trí… từ lâu là một khái niệm xa lạ đối với tuyệt đại đa số công nhân.

Tại Khu chế xuất (KCX) Linh Trung, giờ nghỉ trưa, hàng trăm công nhân (CN) tràn ra đường, người ngồi kẻ nằm trên các vệ cỏ ven đường chờ đến giờ vào ca chiều. Hầu hết CN đều mang vẻ mặt bơ phờ, mệt mỏi.

“Cày” xong về ngủ

“CN ở đây đều vậy cả. Nhà xưởng nóng nực lại không biết đi đâu, làm gì nên ra đây”, anh Nguyễn Văn Trung, CN Công ty Freetrend, nói. CN đều muốn có phương tiện giải trí, nghỉ ngơi một chút giữa hai ca làm việc mệt mỏi nhưng trong KCX chỉ toàn nhà máy. Công ty cũng có trang bị phòng đọc sách cho CN nhưng ít ai đến vì không có sức mà đọc. Điểm hẹn duy nhất của CN chính là khu chợ tự phát mọc lên trước KCX Linh Trung 1. Sau giờ tan tầm, hàng ngàn CN chen chúc len lỏi cố gắng mua được thức ăn rẻ cho buổi tối. “CN chúng tôi không khác gì cái máy, “cày” xong rồi về ngủ, rồi lại đi làm. Sống riết như thế cũng quen”, anh Trung chia sẻ. CN ít người dám nghĩ đến việc giải trí chứ chưa nói đến hưởng thụ. Những dịch vụ giải trí đều nằm ngoài mức thu nhập ít ỏi. Thậm chí không nhiều người biết được thông tin đời sống, xã hội xung quanh.

 

Anh Phạm Đăng Khoa, CN Công ty Theodor Alexander (KCX Linh Trung 1, Q.Thủ Đức), dẫn chúng tôi về khu trọ sau giờ tan tầm. Cả khu trọ mấy chục phòng vắng hoe, đóng cửa im ỉm. “Tăng ca hết rồi. Hết “cày” tăng ca lại về ngủ. Đi làm về là mệt điếng người nên có ti vi cũng chẳng mấy người xem”, anh Khoa tâm sự. Vợ anh cũng làm CN tại một doanh nghiệp may mặc. Hai người làm khác ca nên lâu lâu mới gặp mặt nhau, chẳng mấy lúc rảnh rỗi để đi chơi. Gần chục năm làm CN, công ty chưa một lần tổ chức cho CN đi tham quan ở đâu. “Bữa nào có đoàn ca nhạc hoặc hội chợ lô tô tổ chức ở các khu đất trống thì CN mới có cơ hội đi xem, đi chơi. Ngoài ra, chẳng còn biết làm gì để tạo niềm vui”, anh Khoa rầu rĩ.

Giải trí lệch lạc

Tại nhiều khu dân cư xung quanh một số KCX - KCN từ lâu hình thành một loạt các quán “cà phê phim” bình dân. Những quán cà phê tạm bợ được làm bằng cây lá, khách chủ yếu là CN. “CN thường gọi các quán này là “cà phê cấp ba” hoặc “cà phê chưởng” vì toàn chiếu phim cấp ba và phim chưởng”, Tiến, một CN người Quảng Bình, cho biết. CN nam ở trọ xung quanh khu vực nếu đi làm về sớm lại chúi đầu vào cà phê phim đến khi buồn ngủ mới về phòng.

Bà Nguyễn Thị Lan, chủ một khu nhà trọ tại P.Linh Xuân, Q.Thủ Đức kể, CN nam đi làm về hay tụ tập, nên khu trọ thường xuyên ồn ào. Những ngày chủ nhật, CN tập trung nhậu nhẹt, tình trạng gây gổ, đánh lộn tại các khu trọ xảy ra như cơm bữa. Mới đây xảy ra vụ CN nhậu rồi đánh lộn gây án mạng nên các chủ nhà trọ rất sợ. Nhiều chủ nhà trọ đã cấm tuyệt đối không cho CN nhậu nhẹt trong phòng. Thậm chí nhiều người còn không cho CN tiếp khách lạ. Riêng bà không cấm nhưng cũng quy định giờ “giới nghiêm” rất nghiêm ngặt.

Không chỉ có CN nam mà cuộc sống tinh thần của nữ CN cũng phát sinh nhiều vấn đề. Trong các cuộc tổng kết công tác chăm lo đời sống tinh thần cho CN hàng năm được tổ chức tại TP.HCM, vấn đề nổi cộm nhất vẫn là việc CN nữ bị trầm cảm do môi trường lao động nặng nhọc, nhiều sức ép trong khi lại có quá ít các hoạt động vui chơi giải trí. Đặc biệt, do có quá ít cơ hội tiếp xúc với các thông tin về sức khỏe sinh sản và gia đình, nên tình trạng nữ CN ở các KCN phá thai đang ngày càng nhức nhối. Chỉ riêng BV Q.7, nơi có KCX Tân Thuận, mỗi năm có khoảng 200 CN nữ nạo phá thai. Dĩ nhiên, con số này còn rất khiêm tốn so với thực tế.

 

“Khi xây dựng các KCN-KCX, người ta đã quên phải xây dựng những thiết chế, công trình văn hoá, thể thao, nên NLĐ rất thiệt thòi. Trong khi đó, chủ LĐ chỉ biết khai thác tối đa sức LĐ của những NLĐ”

Đỗ Kim Thịnh - Phó Cục trưởng Cục VHTT cơ sở.

 

. Theo DVO, LDO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hội nghị về an ninh lương thực và giảm đói nghèo ở nông thôn  (13/03/2012)
Bệnh nhân tay chân miệng tăng đột biến   (13/03/2012)
Phụ nữ Việt Nam “Đoàn kết, sáng tạo, hội nhập, phát triển”  (12/03/2012)
Từ 13.3, trần lãi suất huy động về 13%/năm  (12/03/2012)
Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH-CĐ từ 15.3  (12/03/2012)
Khai mạc Đại hội đại biểu phụ nữ Việt Nam toàn quốc lần thứ XI  (12/03/2012)
Sửa chế độ tiền lương CBCCVC, lực lượng vũ trang  (12/03/2012)
Mãi lạc hậu?  (11/03/2012)
Thịt heo bị đầu độc  (11/03/2012)
Chuẩn bị bán 49% cổ phần nhà máy lọc dầu Dung Quất  (11/03/2012)
Bà Rịa - Vũng Tàu hết chỗ chôn rác thải  (10/03/2012)
Miền Trung: Dầu tăng giá, ngư dân lao đao   (10/03/2012)
Sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân phù hợp thực tế hơn  (09/03/2012)
Sức ép lạm phát 1 con số  (09/03/2012)
Tham vọng của một người con xứ Nghệ  (09/03/2012)