Tăng giá điện dễ gây sốc
8:46', 15/3/ 2012 (GMT+7)

Theo chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Minh Phong, cơ chế quản lý giá điện có quá nhiều sơ hở, chưa cạnh tranh thực sự đã vội theo cơ chế giá thị trường

Chủ tọa hội thảo khoa học về quản lý, điều hành giá điện theo cơ chế thị trường ngày 14-3, Phó Viện trưởng Học viện Tài chính Hoàng Trần Hậu thốt lên: “Sự im lặng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các cơ quan quản lý trong hội thảo này cho thấy nội dung được bàn đến mang tính nhạy cảm”.

 

Tăng giá điện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Trong ảnh: Kiểm tra thông số tải điện qua đường dây 500 KV trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

 

Ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống

Hội thảo nóng ngay với thông tin EVN đang tính tăng giá điện. Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về khả năng tăng giá điện trong thời gian tới, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (ĐTĐL - Bộ Công Thương) Đặng Huy Cường khẳng định hiện cơ quan quản lý chưa nhận được đề xuất chính thức tăng giá của EVN, chỉ biết thông tin EVN muốn tăng giá điện trên báo chí. Về nguyên tắc, đến năm 2013, giá điện sẽ tiệm cận giá thị trường. Mỗi năm, giá điện được tăng tối đa 4 lần (theo Quyết định 24/2011 của Thủ tướng Chính phủ) nhưng cũng phải tính đến mức chịu đựng của nền kinh tế. Các khoản lỗ của EVN năm 2010 gồm 15.000 tỉ đồng do biến động tỉ giá, 8.000 tỉ đồng lỗ kinh doanh điện sẽ được hạch toán dần vào giá điện. Riêng các khoản lỗ do đầu tư ngoài ngành sẽ không được đưa vào giá điện.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cùng nhận định trong ngành điện, độc quyền nhà nước đã được biến thành độc quyền doanh nghiệp và hiện nay có thể gọi EVN là “Tập đoàn độc quyền điện lực”. TS Nguyễn Minh Phong cho rằng chỉ cần thay cán bộ là có thể điều chỉnh được cơ chế giá điện và chỉ cách này mới chấm dứt được tình trạng dọa tăng giá.

Đem đến hội thảo đơn khiếu nại của một người tiêu dùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Vương Ngọc Tuấn đã trích dẫn lại những nội dung chính để những người tham dự cảm nhận được gánh nặng tăng giá điện đối với cuộc sống của người dân. “Từ đơn khiếu nại này, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng đã tính toán lại và thấy đúng là mức tăng giá điện đối với các hộ gia đình rất lớn chứ không phải chỉ tăng 5%-16% như Bộ Công Thương tính toán” - ông Tuấn nói. Theo ông Tuấn, tăng giá điện là ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của nhân dân, nhất là trong hoàn cảnh chưa thực hiện công khai, minh bạch giá thành sản xuất điện như hiện nay. 

Sơ hở trong quản lý, điều hành

Mặc dù trong thực tế, điều hành của các cơ quan quản lý đã thống nhất quan điểm tăng giá để giải quyết các nút thắt đang tồn tại trong ngành điện nhưng thông điệp đưa ra tại hội thảo này lại cho thấy tăng giá không phải là giải pháp duy nhất cho bài toán điện ở Việt Nam.

Ông Vũ Xuân Thuyên, chuyên gia kinh tế cao cấp bộ Kế hoạch  - Đầu tư, cho rằng Quyết định 24 của Chính phủ là tín hiệu mở cửa thị trường bằng cách đưa ra nguyên tắc, thời gian điều chỉnh giá điện và bắt buộc thực hiện công khai, minh bạch. Tuy nhiên, quyết định này chỉ mang lại lợi ích cho EVN vì tập đoàn chỉ mua điện với giá 2,5 - 4,95 cent/kWh với những quy định rất ngặt nghèo, không quy định giá tăng thì bên bán điện được hưởng bao nhiêu.

So với tốc độ tăng giá tiêu dùng, giá điện bình quân đã tăng nhanh hơn. Năm 2008, chỉ số giá tăng 22,97%, trong khi giá điện chỉ điều chỉnh tăng khoảng 1,3%. Năm 2011, chỉ số giá tăng 18,22% nhưng giá điện tăng hơn 21%. (Nguồn: Tổng cục Thống kê và tính toán của Viện Kinh tế - Tài chính).

Chỉ một lần tăng giá điện năm 2006 đã đem lại cho EVN thêm 18.000 tỉ đồng nhưng tập đoàn này lại “ném tiền” này vào chứng khoán, ngân hàng chứ không đầu tư về điện. Thế nhưng khi thiếu vốn đầu tư, EVN lại viện cớ lỗ để đòi tăng giá. Thậm chí, Bộ Công Thương còn “bật đèn xanh” cho EVN được thất thoát điện năng đến 11% trong khi Thủ tướng chỉ cho phép thất thoát 10%.

Trước những vấn đề ông Vũ Xuân Thuyên nêu, Cục trưởng Đặng Huy Cường cho rằng tỉ lệ thất thoát của Bộ Công thương phê duyệt cho EVN năm cao nhất cũng chỉ trên 9%. Còn việc EVN “ép” giá mua điện thì cũng nên “hiểu cho họ” vì đầu ra của EVN rất khó khăn. Lập tức, ông Vũ Xuân Thuyên đọc ngay kết quả kiểm toán năm 2007 của Kiểm toán Nhà nước cho thấy tổn thất điện của EVN năm 2007 là 10,56% trong khi quyết định của Thủ tướng Chính phủ chỉ cho phép thất thoát điện trong thời kỳ này là 8%...

TS Nguyễn Minh Phong cho rằng cơ chế quản lý giá điện có nhiều sơ hở và chỉ ra 7 nghịch lý của giá điện. Trong đó, nổi bật là giá điện tăng mãi chưa bao giờ giảm, chưa có cạnh tranh thực sự đã vội theo cơ chế giá thị trường…

. Theo Báo Người Lao Động

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - Còn nhiều thách thức   (15/03/2012)
Bế mạc Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI  (14/03/2012)
Đắk Nông: Chìm xuồng trên sông, 6 người tử nạn  (14/03/2012)
Miễn thi tốt nghiệp THPT cho HS khiếm thị  (14/03/2012)
Việt Nam và Philippines đẩy mạnh hợp tác hải quân  (14/03/2012)
Công nhân 'khát' đời sống tinh thần  (14/03/2012)
Hội nghị về an ninh lương thực và giảm đói nghèo ở nông thôn  (13/03/2012)
Bệnh nhân tay chân miệng tăng đột biến   (13/03/2012)
Phụ nữ Việt Nam “Đoàn kết, sáng tạo, hội nhập, phát triển”  (12/03/2012)
Từ 13.3, trần lãi suất huy động về 13%/năm  (12/03/2012)
Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH-CĐ từ 15.3  (12/03/2012)
Khai mạc Đại hội đại biểu phụ nữ Việt Nam toàn quốc lần thứ XI  (12/03/2012)
Sửa chế độ tiền lương CBCCVC, lực lượng vũ trang  (12/03/2012)
Mãi lạc hậu?  (11/03/2012)
Thịt heo bị đầu độc  (11/03/2012)