|
Rạch Bà Chèo bị ô nhiễm rất nặng do Sonadezi Long Thành xả thải. |
Trong khi tình trạng chuyển giá ở các doanh nghiệp FDI đang là vấn đề thời sự “gây sốt” thời điểm này, vẫn chưa có tín hiệu nào tích cực từ các cơ quan chức năng nhằm cải thiện tình hình. Đó chỉ là một trong nhiều vấn đề nổi cộm được thảo luận tại hội thảo “Giải pháp thúc đẩy và nâng cao chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam” do cục Đầu tư nước ngoài (bộ Kế hoạch và đầu tư) tổ chức sáng ngày 15.3 tại Hà Nội .
Chất lượng FDI “trôi dài”
Ông Nguyễn Mại, chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đi thẳng vào vấn đề, vì sao tình trạng chuyển giá trong các doanh nghiệp FDI được phát hiện đã gần hai năm nay mà vẫn chưa đi đến thống nhất giải pháp khắc phục?
Ngoài ra, đến nay Việt Nam vẫn chưa thể đưa ra được đánh giá khách quan về thực trạng công nghệ của doanh nghiệp FDI? Trong khi đây được xem là một trong những hạn chế lớn nhất sau một thời gian thu hút dòng vốn này. Vì sao tình trạng ô nhiễm môi trường được báo động liên tục? Vì sao một số nhà đầu tư “rởm” vẫn được cấp phép dự án có quy mô hàng tỉ USD, không ít doanh nghiệp FDI đóng cửa từ lâu mà vẫn chưa được xử lý?
Ông Mại nói “hàng tá các vấn đề liên quan đến FDI cứ trôi dài theo năm tháng mà không đưa ra được giải pháp hữu hiệu do năng lực phản ứng chính sách kém”.
Trước đó, trong một số cuộc họp báo, khi được hỏi về tiến độ xử lý các doanh nghiệp FDI có dấu hiệu chuyển giá, cục trưởng cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng khẳng định, việc xác định chính xác doanh nghiệp nào chuyển giá là việc hết sức khó khăn. Bởi Việt Nam chưa có bộ cơ sở dữ liệu đầy đủ, mà doanh nghiệp chuyển giá thì hết sức tinh vi. Ông Hoàng cũng không phủ nhận việc năng lực hạn chế của các cán bộ, kể cả cơ quan thuế, kiểm toán… để có thể đưa ra kết luận chính xác. Điều đáng nói là, ông Hoàng lo ngại rằng, việc xác định doanh nghiệp cụ thể có hành vi chuyển giá là điều “rất tế nhị”, không cẩn thận sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường thu hút FDI của Việt Nam.
“Chống chuyển giá phải được coi là một trong những hoạt động trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng dòng vốn FDI” – ông Vũ Đình Ánh, chuyên gia viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, bộ Tài chính nhấn mạnh. Theo ông Ánh, biện pháp quan trọng nhất để chống chuyển giá không phải là chỉ trông chờ vào sự kiểm soát giá nhập khẩu của cơ quan hải quan, mà phải là kết hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng trong việc quản lý kiểm soát giá máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu ngay từ khâu kêu gọi đầu tư, xét duyệt thẩm định dự án, kiểm toán, thu thuế thực hiện dự án.
Nhìn tổng quan, ông Mại khẳng định, cơ chế đề ra giải pháp khắc phục vấn đề đã phát hiện quá phức tạp, không có cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ xử lý từng tình huống, không quy được trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan Nhà nước trước mỗi vấn đề nảy sinh.
“Cái giá” vào Việt Nam
Câu chuyện “đã đến lúc ngừng thu hút FDI bằng mọi giá” đã được nhiều đại biểu mổ xẻ trong phiên thảo luận.
Thứ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường Bùi Cách Tuyến khẳng định, một trong những yếu tố khiến Việt Nam trở thành một trong những điểm đầu tư hấp dẫn chính là các tiêu chuẩn quá thấp về môi trường, chi phí cho xử lý chất thải thấp hơn, yêu cầu về chất thải được giảm đi rất nhiều so với các nước khác. Do đó, trước xu hướng xuất khẩu ô nhiễm từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển thông qua FDI ngày càng gia tăng, thì Việt Nam có nguy cơ trở thành một trong những nước có mức nhập khẩu ô nhiễm cao. Bên cạnh việc nhập khẩu máy móc lạc hậu vào Việt Nam, thời gian qua, hàng loạt doanh nghiệp FDI đã gây ô nhiễm môi trường tự nhiên. Vedan được coi là một ví dụ điển hình, rồi công ty Tung Kuang xả thải, công ty Pangrim Neotex (Phú Thọ), Chinfon (Hải Phòng)….
Cảnh báo về xu hướng FDI sắp tới, ông Nguyễn Trần Bạt, chủ tịch Investconsult Group cho rằng, Việt Nam có nguy cơ trở thành “bãi thải” tất yếu của các vấn đề về môi trường, công nghệ, lao động. Sẽ có những dòng di chuyển lao động từ chính các quốc gia bỏ vốn đầu tư vào Việt Nam thông qua các dự án khai thác tài nguyên trên quy mô lớn. Đó là một trong những sự dịch chuyển của bốn dòng chảy tiêu cực từ những nền kinh tế phát triển. Dòng chảy thứ nhất là dòng chảy ô nhiễm môi trường, thứ hai là công nghệ lỗi thời, thứ ba là lao động và cuối cùng, nghiêm trọng hơn cả là dòng chảy của những kinh nghiệm điều hành đã bị thải loại nhằm để ba dòng chảy trên có thể đến được Việt Nam.
Từ đó, ông Bạt khẳng định, việc thẩm định là công việc “rất lạnh lùng”. Bộ Kế hoạch và đầu tư cần phải thành lập những trung tâm thẩm định, mỗi miền đất nước có thể có một trung tâm. Quá trình thẩm định những dự án đầu tư cỡ tỉ USD thì dứt khoát cần tính đến hậu quả kinh tế – xã hội.
Từ ý kiến trên, ông Nguyễn Mại đánh giá, có một “từ khoá” rất quan trọng mà Việt Nam không tận dụng. Đó là quyền lựa chọn.
Trong khi các nhà đầu tư có quyền lựa chọn quốc gia, địa phương thực hiện dự án FDI, kể cả quyền chuyển nhà máy, trụ sở doanh nghiệp từ nước này sang nước khác, thì nước nhận đầu tư – như Việt Nam – có quyền lựa chọn dự án, nhà đầu tư, quyền khuyến khích hoặc hạn chế FDI.
“Thực tế đáng buồn là, nhiều địa phương, ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế chưa thực hiện đầy đủ quyền lựa chọn của mình. Bị động với ý đồ của nhà đầu tư, do vậy, phá vỡ quy hoạch ngành, vùng lãnh thổ, không đảm bảo lợi ích tổng thể trong thu hút FDI”, ông Mại nói. Hơn thế nữa, chính sách ưu đãi ở không ít tỉnh, thành phố cũng bị “lạm dụng”, miễn là thu hút được FDI mà không tính đến hiệu quả kinh tế – xã hội của địa phương. Thậm chí miễn giảm tiền thuê đất đến mức UBND tỉnh phải vay tiền nhà đầu tư để trả chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng mà không biết liệu khi dự án đi vào hoạt động thì thu ngân sách địa phương có đảm bảo hoàn lại hay không.
.Theo Báo Sài Gòn tiếp thị |