|
Nhiều chuyên gia khẳng định Việt Nam cần tăng cường đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ |
Đây là khẳng định của người đứng đầu Bộ Kế hoạch Đầu tư trước thực trạng lâu nay Việt Nam kêu gọi FDI trọng lượng hơn chất.
Dòng FDI còn “non” chất
Theo ông Nguyễn Trần Bạt, TGĐ Investconsult Group, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã có những đóng góp rất quan trọng đối với Việt Nam về cả phương diện kinh tế và xã hội. FDI không chỉ là yếu tố mang tiền vốn vào Việt Nam, là cầu nối giữa thị trường Việt Nam với thị trường nước ngoài, mà nó còn mang đến giá trị giáo dục, giá trị hướng dẫn và giá trị khích lệ đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cũng đánh giá: “Qui mô các khoản thu cho ngân sách Nhà nước từ các DN FDI không nhỏ khi nó chiếm tới khoảng 20% GDP, khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và chiếm trên 40% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu, gần 50% tổng kim ngạch nhập khẩu, chiếm khoảng 30% tổng thu NSNN (nếu loại trừ thu từ dầu thô thì tỷ lệ này chỉ còn gần 15% - tương đương 70% số nộp NSNN của khu vực DNNN)”.
Tuy nhiên, cả hai chuyên gia này đều cho biết, dòng vốn FDI vào Việt Nam đang sụt giảm đáng kể.
Theo thống kê của Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc (UNCTAD), lượng vốn FDI toàn cầu năm 2011 dù có sụt giảm so với trước nhưng vẫn đạt 1.510 tỷ USD. Tuy nhiên, vốn giải ngân từ các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong cùng năm, nếu trừ đi phần vốn trong nước, chỉ đạt khoảng 8-9 tỷ USD, không bằng phần lẻ của con số kể trên.
Khẳng định dòng vốn FDI vào Việt Nam đang ngày càng giảm, TS Nguyễn Thị Kim Anh (Đại học Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Dòng FDI vào Việt Nam thời gian qua mới chỉ đạt được về lượng mà chưa đáp ứng được về chất. Thực tế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của chúng ta ngay từ đầu không phải xem nhẹ vấn đề chất, song nhu cầu về vốn trong giai đoạn đầu đã dẫn tới kết quả đánh đổi một phần “chất” để đạt được về “lượng”.
TS Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: “Mặc dù đã đạt được những kết quả cơ bản, song việc thu hút, sử dụng và quản lý FDI thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Đó là khả năng hấp thụ nguồn vốn còn khiêm tốn, đồng nghĩa với việc chưa tận dụng một cách có hiệu quả nguồn vốn này trong khi Việt Nam đang có nhu cầu lớn về vốn; chất lượng của nguồn vốn chưa cao; Việc thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao còn hạn chế; chuyển giao công nghệ còn chậm; còn có doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; việc sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản chưa thực sự hiệu quả; mối liên kết ngang và dọc giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước chưa cao; tình trạng tranh chấp lao động và đình công còn diễn ra ở một số nơi, ảnh hưởng không tốt đến môi trường đầu tư”.
Phải tăng cường sàng lọc dự án
GS, TSKH Nguyễn Mại chỉ ra 6 vấn đề đã được phát hiện và đang được xử lý trong quản lý nguồn vốn FDI. Đó là: Công nghệ; Môi trường; Chuyển giá; Mâu thuẫn giữa chủ doanh nghiệp và người lao động; Bất cập trong phân cấp quản lý; Khu công nghiệp, khu kinh tế được xây dựng quá nhiều.
Ông Nguyễn Trần Bạt, TGĐ Investconsult Group, cũng thẳng thắn: “Dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam có thể có rất nhiều “cái bẫy” xuất liên quan đến ô nhiễm môi trường, công nghệ lỗi thời, lao động, và nghiêm trọng hơn cả là dòng chảy của những kinh nghiệm điều hành đã bị thải loại, nhằm kìm hãmViệt Nam phát triển”.
Nhiều chuyên gia còn cho rằng, bệnh thành tích thu hút FDI xuất hiện ở cả cấp trung ương và địa phương. Điều này thể hiện ở các báo cáo về FDI thường nêu chỉ tiêu số lượng như tổng vốn đăng ký, vốn thực hiện, và số dự án đăng ký mới... nhưng ít nhấn mạnh đến những chỉ tiêu chất lượng như năng suất, trình độ công nghệ, hay sự liên kết giữa khu vực FDI và các doanh nghiệp trong nước.
Theo TS Nguyễn Thị Kim Anh khuyến cáo: “Chiến lược thu hút FDI trong thời gian tới cần tập trung thu hút và lựa chọn dự án FDI có “chất lượng”, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, đi kèm đó là hàng loạt điều chỉnh về chỉnh sách phát triển kinh tế xã hội, điều chỉnh về luật pháp, trình độ quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô để tác động tới dòng FDI vào Việt Nam trong thời gian tới”.
TS Nguyễn Xuân Trung, Viện Khoa học - Xã hội Việt Nam, cũng đồng quan điểm này và đề nghị: Cơ cấu thu hút và sử dụng FDI phải xóa bỏ tư duy cứ nhiều là tốt. Đồng thời, phải sàng lọc dự án FDI, lựa chọn dự án có sự lan tỏa lớn, đảm bảo yếu tố môi trường, định hướng đầu tư vào những khu vực phù hợp.
Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh khẳng định: “Mọi thu hút đầu tư đều cần, vì thu hút đầu tư nước ngoài, tự thân nó tạo ra nhiều hiệu quả. Ví dụ như, tự thân nó tạo ra được nhiều việc làm. Nhưng chúng ta không thể tham vọng nó đạt được tất cả các mục tiêu cùng lúc. Tuy nhiên, thời gian tới sẽ sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư hướng vào những mục tiêu đã định, chứ không phải cào bằng với tất cả các doanh nghiệp, các vùng, lãnh thổ”.
Do đó, mấu chốt hiện nay, theo Bộ trưởng Vinh, là “phải nâng cao chất lượng đầu tư. Vấn đề chất lượng hiện nay có 2 yếu tố quan trọng. Một là công nghệ hiện đại sẽ tạo ra được sự tiêu thụ năng lượng ít, sản phẩm có sức cạnh tranh. Hai là, cần định hướng vào những ngành nghề chúng ta đang muốn thu hút vào, ví dụ như công nghiệp phụ trợ hay một số lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế khác, chứ không phải như thời gian qua nhà đầu tư muốn chọn lĩnh vực gì thì chọn, tức là nhà đầu tư chọn làm cái gì là do nhà đầu tư”.
Cho nên, “Việt Nam cần chủ động có quyền lựa chọn, có thể nếu lĩnh vực nhà đầu tư muốn làm, dù là công nghệ cao, nhưng tôi không muốn, không phù hợp, thì chọn cái khác. Chúng ta không khuyến khích doanh nghiệp FDI vào nhiều mà đất nước không thu được gì cả, ngay cả cơ cấu chuyển dịch cũng không theo hướng chất lượng cao”- Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.
. Theo VOV |