Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát trả lời trực tuyến
Tổn thất sau thu hoạch ở nước ta còn cao
15:6', 22/3/ 2012 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, đã cho biết tại buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa diễn ra sáng nay (22.3).

Trước thắc mắc của một độc giả ở tỉnh Đồng Tháp rằng, hiện nay, nông dân đồng bằng Sông Cửu Long đang bị thiệt hại sau thu hoạch lúa lên tới hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm mà nguyên nhân là do các địa phương còn rất thiếu máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất sau thu hoạch dù cho ngay từ năm 2004, Chính phủ đã có chủ trương hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy, thiết bị để phục vụ sản xuất nông nghiệp, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thừa nhận: Đúng là tổn thất sau thu hoạch của nông nghiệp nước ta, trong đó có lúa và rau màu, vẫn đang ở mức cao.

Bộ trưởng cung câp số liệu, theo nghiên cứu, 12% sản lượng lúa bị tổn thất qua nhiều khâu. Do đó, Chính phủ đã có chủ trương, chính sách dành riêng để hỗ trợ bà con giảm tốn thất sau thu hoạch.

Thực hiện chủ trương này của Chính phủ, từ 2004-2008, đã có hơn 30 tỉnh, thành hỗ trợ tín dụng cho bà con nông dân để mua máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp với mức hỗ trợ từ 70-80% giá trị máy, hỗ trợ lãi suất từ 50 đến 100%. Năm 2009-2010, trong gói kích cầu, Nhà nước cũng dành hơn 2.000 tỷ đồng hỗ trợ cho nông dân.

Từ năm 2010 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 63 về chính sách giảm tốn thất sau thu hoạch, hỗ trợ nông dân mua các máy móc, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kho tàng để tạm trữ lúa.

Liên quan đến việc Chính phủ đã có kế hoạch mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ đông xuân 2011-2012 ở ĐBSCL để giúp nông dân không bị rơi vào tình trạng được mùa, rớt giá như những năm trước đây, nhưng với cách tổ chức thu mua như hiện nay thì chỉ có doanh nghiệp là hưởng lợi vì vừa mua gạo với giá thấp vừa được hưởng lãi suất ưu đãi; còn đối với nông dân, tuy bán lúa lãi được 30% vẫn không đủ để cải thiện cuộc sống do diện tích nông hộ quá ít, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo nhằm giúp doanh nghiệp có điều kiện tăng mua và tạo ra nhu cầu trên thị trường, góp phần duy trì giá, thậm chí tăng giá thu mua lúa cho nông dân. “Thực tế, dù mới triển khai, nhưng giá lúa tại đồng bằng sông Cửu Long đã nhích lên” - Bộ trưởng nói.

 

Để giúp bà con nông dân tăng thu nhập, thu nhập ổn định, Chính phủ đang tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ khác. “Đối với những người trồng lúa, Chính phủ đang tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn thiện các công trình thủy lợi, đảm bảo sản xuất ổn định, tiếp tục đầu tư, nghiên cứu, chuyển giao cho nông dân những giống mới có năng suất, chất lượng cao hơn, có giá bán tốt hơn, đầu tư cho khâu sau thu hoạch như kho tàng và các máy móc, giúp cho bà con nông dân sản xuất hiệu quả hơn, giảm tổn thất sau thu hoạch” - Bộ trưởng nêu rõ.

Theo Bộ trưởng, chính sách thu mua lúa không hỗ trợ trực tiếp cho nông dân nhưng Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp hỗ trợ nông dân.

Trả lời một loạt thắc mắc về chính sách hỗ trợ nông dân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp như đường giao thông nội đồng, mương máng phục vụ tưới tiêu còn rất ít; chính sách hỗ trợ bao tiêu sản phẩm không ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường nên thu nhập của nông dân bấp bênh, thu nhập thấp; ngành nông nghiệp địa phương cung ứng giống cây trồng vật nuôi thường là qua những công ty nhỏ lẻ, khi về đến cơ sở có nhiều loại giống không đảm bảo, Bộ trưởng cho biết:

Việc đầu tư cơ sở hạ tầng ở nông thôn là vấn đề lớn, yêu cầu nhiều công sức cũng như vốn đầu tư. Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã huy động nhiều nguồn để hỗ trợ cho các vùng nông thôn, nhờ vậy bộ mặt nông thôn đã có những thay đổi, nhưng so với nhu cầu của sản xuất, của đời sống vẫn còn nhiều việc phải làm. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, đặc biệt là trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, Nhà nước đang tiếp tục huy động các nguồn để hỗ trợ trực tiếp cho các xã để tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng. “Đây là quá trình chúng ta muốn làm nhanh nhưng nguồn lực có hạn nên vẫn phải làm từng bước” - Bộ trưởng nói.

Về chính sách bao tiêu sản phẩm, theo cơ chế hiện nay, Nhà nước không trực tiếp bao tiêu các loại nông sản mà thực hiện theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, để hỗ trợ cho nông dân, Nhà nước thực hiện nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp ký hợp đồng với nông dân để bà con có đầu ra ổn định hơn. Gần đây nhất, Bộ đang phối hợp với các địa phương thực hiện chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn, cũng là một trong những cách tạo đầu ra ổn định cho nông dân.

Mặt khác, “chúng tôi đang tiếp tục triển khai việc tăng cường thông tin về thị trường để nông dân hiểu rõ hơn, từ đó sản xuất phù hợp hơn với nhu cầu thị trường, có thu nhập ổn định hơn” - Bộ trưởng nói thêm.

Về giống cây trồng vật nuôi, việc cung cấp giống được tiến hành theo cơ chế thị trường, Nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh giống. Vấn đề đặt ra là phải quản lý chặt chẽ, đảm bảo các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, cung ứng giống có chất lượng tốt.

Trước lo lắng của độc giả về việc khó thực hiện được các mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực và nâng cao đời sống nông dân khi mà hiện nay đất sản xuất của nông dân đang ngày càng bị thu hẹp để nhường chỗ cho các khu đô thị, khu công nghiệp, dự án, sân gôn, người đứng đầu Bộ NN&PTNT cho rằng, đây là vấn đề rất quan trọng, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ cũng nhận thấy vấn đề này và có những nghị quyết về kiểm soát chuyển đổi đất nông nghiệp sang các mục đích phi nông nghiệp.

Đặc biệt trong phiên họp Chính phủ vừa qua, Chính phủ đã thông qua một Nghị định về tăng cường quản lý đất lúa, nhằm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội là tới năm 2020, nước ta có tối thiểu 3,8 triệuha đất lúa.

Mặt khác, Nhà nước cũng có nhiều chính sách nhằm tăng cường phát triển sản xuất lương thực các loại.

 

. Theo HNM

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thiếu vốn để cấp bằng lái xe mẫu mới  (22/03/2012)
Dự kiến phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân cao nhất 50 triệu đồng/xe/năm  (22/03/2012)
UBTV Quốc hội thảo luận dự án Luật Phòng, chống rửa tiền  (22/03/2012)
Yêu cầu Trung Quốc thả ngay 21 ngư dân Việt Nam  (22/03/2012)
Kiến nghị tăng phí lưu hành xe cá nhân 5% mỗi năm  (21/03/2012)
“Hết thời hạn 2013, nông dân tiếp tục được giao đất”  (21/03/2012)
Phát triển sản phẩm nông nghiệp theo lợi thế từng địa phương  (21/03/2012)
Đẩy mạnh Chương trình xây dựng nông thôn mới  (21/03/2012)
Tiên Lãng có chủ tịch huyện mới  (21/03/2012)
15 bộ, cơ quan và 23 địa phương khẩn trương Quy hoạch phát triển nhân lực  (20/03/2012)
Long An là tỉnh đầu tiên giảm phát 1,7%  (20/03/2012)
Đà Nẵng: CSGT nhận chung chi là “về vườn”  (20/03/2012)
Vinaphone và MobiFone sáp nhập  (20/03/2012)
Hơn 40.000 dân ăn ngủ không yên  (20/03/2012)
Từ chối tất cả dự án FDI không hợp Việt Nam  (19/03/2012)