Theo nội dung đề án “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch Quốc hội và các chức danh khác do Quốc hội bầu sẽ chịu sự đánh giá tín nhiệm hằng năm.
Hàng năm, Quốc hội sẽ bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, người không đủ số phiếu tín nhiệm quá bán hai lần liên tiếp sẽ được xem xét, trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc từ chức.
Ngày 23.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), đã xem xét cho ý kiến về nội dung đề án đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội (QH).
Chủ nhiệm Văn phòng QH, ông Nguyễn hạnh Phúc cho biết, QH sẽ thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Theo đó, việc bỏ phiếu tín nhiệm sẽ được tiến hành hằng năm đối với các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn như: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch QH, Phó Chủ tịch QH, Ủy viên UBTVQH, Thủ tướng Chính phủ... Đặc biệt, theo ông Phúc, kết quả bỏ phiếu sẽ được công khai, người không đủ số phiếu tín nhiệm quá bán so với tổng số đại biểu QH hai năm liên tiếp sẽ được xem xét, trình QH miễn nhiệm hoặc từ chức. UBTVQH sẽ xây dựng quy chế quy định cụ thể quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm để QH xem xét, ban hành tại Kỳ họp thứ tư, QH khóa XIII.
Một nội dung đáng chú ý khác cũng được đưa vào đề án, đó là sẽ tăng hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại phiên họp của UBTVQH và hoạt động giải trình của các Bộ trưởng, trưởng ngành tại phiên họp của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban (ít nhất mỗi năm hai lần). Hoạt động chất vấn tại kỳ họp sẽ đổi mới, chất vấn theo từng nhóm vấn đề, theo hướng “đối thoại, tranh luận đến cùng từng vấn đề”.
UBTVQH cũng dự kiến tổ chức kỳ họp QH theo hướng rút ngắn thời gian mỗi kỳ họp xuống còn 20-25 ngày, một năm 40- 50 ngày (hiện nay từ 60-70 ngày. Để làm việc này, cần chuyển một số công việc tại kỳ họp sang hoạt động thường xuyên giữa hai kỳ họp QH, thông qua các hội nghị trực tuyến với ĐBQH. Bên cạnh đó, UBTVQH cũng đề xuất tổ chức kỳ họp theo hướng hàng năm tổ chức 3 kỳ họp. Kỳ thứ nhất chủ yếu về công tác xây dựng luật pháp và một số vấn đề KT-XH cấp bách, được tổ chức trong cả tháng 3. Hai kỳ họp còn lại chủ yếu để thảo luận, quyết định các vấn đề KT-XH và một số nội dung khác tổ chức từ 1- 15.7 và 1-15.11 hàng năm. Việc tổ chức kỳ họp vào những thời điểm trên phù hợp với điều kiện thực tế là đa số ĐBQH kiêm nhiệm công tác ở địa phương, không có điều kiện tham gia đầy đủ các kỳ họp dài ngày như hiện nay.
Sáng cùng ngày, UBTVQH đã thông qua nghị quyết bổ sung 1.713 biên chế cho TAND các địa phương năm 2012 và năm 2013, trong đó có 710 thẩm phán. Trong số 710 thẩm phán có 658 thẩm phán sơ cấp làm việc tại tòa án huyện, quận, thị xã và thành phố thuộc tỉnh, 52 thẩm phán trung cấp làm việc tại tòa án tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
. Theo Báo Đất Việt |