Tín hiệu khả quan rõ nét từ CPI tháng 3
16:23', 25/3/ 2012 (GMT+7)

Dù xét dưới góc độ nào, thì CPI tháng 3 và 3 tháng đầu năm cũng được coi là đã kiềm chế, tăng chậm lại.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 3 so với tháng 2 (còn gọi là tháng sau so với tháng trước) tăng 0,16%; so với cuối năm trước (sau 3 tháng) tăng 2,55%; so với cùng kỳ năm trước (theo thông lệ quốc tế) tăng 14,15%.

Có thể nhận diện tốc độ tăng CPI tháng 3 và 3 tháng đầu năm qua một số so sánh sau đây.

Một, tính theo tháng sau so với tháng trước, thì CPI tháng 3 năm nay tăng thấp nhất so với tốc độ tăng của 20 tháng qua, tính từ tháng 8/2010.

Hai, so với cuối năm trước, CPI sau 3 tháng của năm nay thấp thứ hai so với tốc độ tăng của cùng kỳ trong 9 năm qua, chỉ cao hơn của cùng kỳ năm 2009 - năm có tốc độ tăng cả năm thấp nhất trong 8 năm trước.

CPI SAU 3 THÁNG ĐẦU NĂM TRONG 9 NĂM QUA (%)

 

Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê.

 

CPI sau 3 tháng của năm nay thấp xa so với tốc độ tăng bình quân của 3 tháng cùng kỳ trong 8 năm trước (tăng 4,41%). Xin lưu ý thêm, tỷ lệ giữa tốc độ tăng bình quân sau 3 tháng so với tốc độ tăng bình quân cả năm trong 8 năm trước là 33,1%. Nếu đạt được “tiến độ” bình quân này của 8 năm trước, thì có khả năng cả năm sẽ đạt được mục tiêu của năm nay tăng dưới 10%.

Ba, tính theo năm, CPI của tháng 3 năm nay là tháng thứ 7 liên tiếp tăng chậm lại:

Tháng 8/2011 tăng 23,02%,

Tháng 9/2011 tăng 22,42%,

Tháng 10/2011 tăng 21,59%,

Tháng 11/2011 tăng 19,83%,

Tháng 12/2011 tăng 18,13%,

Tháng 1/2012 tăng 17,27%,

Tháng 2/2012 tăng 16,44%,

Tháng 3/2012 tăng 14,15%.

Theo đó, CPI của tháng 3/2012 đã giảm 8,87 điểm % so với của tháng 8/2011, hay giảm bình quân 1,27 điểm %/tháng. Người viết dự báo, đà giảm này sẽ còn tiếp tục trong mấy tháng tới, bởi CPI trong mấy tháng tới sẽ thấp hơn nhiều so với CPI của các tháng cùng kỳ năm trước (tháng 4 tăng 3,32%, tháng 5 năm 2,21%, tháng 6 tăng 1,09%, tháng 7 tăng 1,17%...).

Như vậy, dù xét dưới góc  độ nào, thì CPI tháng 3 và 3 tháng đầu năm cũng được coi là đã được kiềm chế tăng chậm lại. Lý giải kết quả này, các chuyên gia đã đưa ra nhiều nguyên nhân.

Có nguyên nhân do Chính phủ thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ và chính sách tài khoá thắt chặt. Về tiền tệ, tính đến 20/2, tín dụng đối với nền kinh tế ước giảm 0,53% so với tháng trước (trong đó VND giảm 0,371%, ngoại tệ giảm 1,11%); giảm 2,51% so với cuối năm 2011.

Về tài khoá, tính đến 15/2, tỷ lệ thực hiện so với dự toán cả năm của chi ngân sách đạt thấp hơn của thu ngân sách (11,1% so với 11,7%), có nghĩa là tỷ lệ bội chi ngân sách so với dự toán năm sau 2 tháng vẫn còn thấp (khoảng 8,4%).

Có nguyên nhân do đầu tư và tiêu dùng đã “co” lại. Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước (đầu tư công) sau 2 tháng mới đạt 11,5% kế hoạch năm, trong đó một số Bộ, ngành, địa phương còn đạt thấp hơn. So với cùng kỳ năm trước, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chỉ tăng 1,2%, trong đó một số Bộ, ngành, địa phương còn bị giảm; nếu loại trừ yếu tố tăng giá, thì thực tế còn giảm sâu  hơn. Các nguồn vốn khác hoặc tăng thấp, hoặc bị giảm so với cùng kỳ năm trước.

Tiêu dùng, mà biểu hiện chủ yếu là tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, nếu loại trừ yếu tố tăng giá chỉ tăng 4%, thấp chỉ bằng một nửa tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước.

Có nguyên nhân do giá lương thực và thực phẩm giảm. Giá lương thực tháng 3 là tháng thứ 3 giảm liên tiếp (tháng 1 giảm 0,14%, tháng 2 giảm 0,41%, tháng 3 giảm 1,21%, tính chung 3 tháng giảm 1,75%). Giá lương thực giảm do sản lượng năm 2011 đạt mức kỷ lục; lúa đông xuân ở đồng bằng sông Cửu Long đã vào vụ thu hoạch rộ, lượng gạo xuất khẩu mới bằng một nửa cùng kỳ năm trước, lượng lương thực trong dân còn lớn. Giá thực phẩm đạt cao vào dịp Tết Nguyên đán, nay do nhu cầu tiêu dùng giảm, nên giá giảm.

Có nguyên nhân do yếu tố tâm lý đã ổn định hơn, cùng với sự ổn định của giá vàng, của giá USD (sau 3 tháng giá vàng giảm 0,91%, giá USD giảm 0,99%) và lòng tin vào khả năng kiềm chế lạm phát theo mục tiêu của Chính phủ.

Tuy CPI tăng chậm lại, nhưng chưa thể  chủ quan và lơ là với việc kiềm chế  lạm phát, vẫn phải kiên trì và nhất quán với mục tiêu đã đề ra và cần phải có giải pháp xử lý đối với sức ép của một số yếu tố đối với lạm phát.

Giá lương thực sẽ không còn giảm nữa, thậm chí có thể còn tăng lên trước một số động thái, như việc mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo để hỗ trợ giá cho nông dân bước vào thu hoạch rộ lúa đông xuân; nhiều đối tác nước ngoài tăng lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam như Trung Quốc, Philippines, Indonesia,...

Diễn biến giá cả thế giới rất khó lường, nhất là giá xăng dầu, lương thực- thực phẩm... sẽ tác động đến Việt Nam tương đối nhanh và rộng, do độ mở của nền kinh tế thuộc loại rộng trên thế giới, nên cần quan tâm đến việc ổn định tỷ giá.

Một số hàng hoá, dịch vụ ở trong nước tất yếu phải thực hiện lộ trình giá thị trường, trong khi những hàng hoá, dịch vụ này không chỉ tác động trực tiếp mà còn tác động nhiều vòng đến giá cả của nhiều loại hàng hoá, dịch vụ khác, nên cần thực hiện công khai, minh bạch hoá chi phí của các đơn vị hoạt động trong những lĩnh vực này; cẩn trọng trong việc lựa chọn thời điểm, tốc độ điều chỉnh. Quan trọng hơn là tình trạng “té nước theo giá”, “tát nước theo lương” thường lặp đi lặp lại trong các lần điều chỉnh trước, nếu không có các giải pháp kiểm tra, thanh tra, xử lý sẽ lặp lại.

Việc hạ lãi suất cho vay là cấp thiết, nhưng cần hướng dòng vốn vào các lĩnh vực trực tiếp sản xuất để vừa “cứu” sản xuất kinh doanh, tăng cung hàng hoá, dịch vụ, vừa tránh hệ luỵ lạm phát...

. Theo Chinhphu.vn

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phó Chủ tịch nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng  (25/03/2012)
Thương lái Trung Quốc gom hàng thủy sản  (24/03/2012)
Sẽ bỏ phiếu tín nhiệm Chủ tịch nước, Thủ tướng  (24/03/2012)
Công bố môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2012  (23/03/2012)
Hoàng Sa - Trường Sa ngay bước chân mình  (23/03/2012)
Mô hình kinh tế Việt Nam rất không bền vững  (23/03/2012)
Sẽ chấm dứt bảo hiểm y tế tự nguyện sau 2 năm nữa  (23/03/2012)
Điều tra tổng thể tài nguyên than ở sông Hồng  (23/03/2012)
Các nhà sư ra Trường Sa là việc bình thường  (23/03/2012)
Yêu cầu 5 ngân hàng phải tiết giảm chi phí, hạ lãi suất cho vay  (23/03/2012)
Giá cả hàng hóa bắt đầu 'ăn theo' xăng  (22/03/2012)
Tổn thất sau thu hoạch ở nước ta còn cao  (22/03/2012)
Thiếu vốn để cấp bằng lái xe mẫu mới  (22/03/2012)
Dự kiến phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân cao nhất 50 triệu đồng/xe/năm  (22/03/2012)
UBTV Quốc hội thảo luận dự án Luật Phòng, chống rửa tiền  (22/03/2012)