Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) độc chiếm vùng nguyên liệu cà phê:
Nông dân điêu đứng, nhà nước thất thu
9:45', 27/3/ 2012 (GMT+7)

Nguy cơ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) độc chiếm vùng nguyên liệu cà phê xuất khẩu của Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian trong bối cảnh các doanh nghiệp cà phê trong nước yếu về tài chính và quản trị

Là một trong những cường quốc về sản xuất cà phê nhưng ngành cà phê Việt Nam đang tồn tại nhiều nghịch lý, đối diện với hàng loạt thách thức từ khâu trồng, chăm sóc, chế biến đến xuất khẩu.

 

Thiếu sự chia sẻ lợi ích từ doanh nghiệp, nông dân luôn khó khăn trên rẫy cà phê của mình.

Nông dân vẫn tự “bơi”

Hiện nay, mối liên hệ giữa doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu với nông dân hết sức lỏng lẻo, thiếu sự chia sẻ lợi ích, trong khi hơn 80% diện tích cà phê nằm trong tay người dân. Nông dân “mù” thông tin, thường xuyên bị ép giá, nhận rủi ro về mình.

Trong chuỗi phân phối lợi nhuận, người trồng cà phê chỉ được hưởng tỉ lệ quá nhỏ nhoi so với các doanh nghiệp chế biến, tinh chế cà phê xuất khẩu. Đây là yếu tố cơ bản khiến nông dân không an tâm đầu tư sản xuất. Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN - PTNT), cho biết: Chia sẻ lợi ích hợp lý trong chuỗi sản xuất sản phẩm từ người trồng - người sơ chế - môi giới - chế biến công nghiệp đang là đòi hỏi bức thiết nhất hiện nay. Đây là yếu tố quyết định nếu muốn duy trì và nâng tầm sản phẩm cà phê.

Người trồng cà phê vẫn phải “giật gấu vá vai” mới sống nổi với cây cà phê trong khi họ thường xuyên đối diện hàng loạt thách thức: dịch bệnh, trộm cắp, thiếu vốn đầu tư… Ông Nguyễn Văn Sỹ, một nông dân trồng cà phê ở Đắk Lắk, cho biết: Gia đình ông có 2 ha cà phê kinh doanh, mỗi năm, chi phí chăm sóc mất 60 triệu - 80 triệu đồng. Do không có vốn để đầu tư nên ông phải tạm ứng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu của các cửa hàng trong vùng. Việc trả nợ thường quy đổi ra cà phê với giá tại thời điểm tạm ứng, thường là đầu vụ nên giá cà phê rất thấp. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận cả năm không còn được bao nhiêu.

Doanh nghiệp nội ngắc ngoải

NHÀ NƯỚC THẤT THU

Để có vùng chuyên canh cà phê hơn nửa triệu hecta như hiện nay, Nhà nước và các doanh nghiệp Việt Nam đã phải đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, nghiên cứu khoa học... Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI không phải hoàn vốn hoặc tái đầu tư vùng nguyên liệu. Các doanh nghiệp FDI cũng chỉ xuất khẩu cà phê nhân nhưng hiện nay cà phê nhân là mặt hàng được hoàn thuế GTGT, còn đối với thuế thu nhập doanh nghiệp thì không ít công ty chuyển giá, báo lỗ nên rốt cục Nhà nước cũng không thu được gì. Rốt lại là ta đầu tư trồng cây để doanh nghiệp nước ngoài hái quả!

Hiện mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu trên 1,2 triệu tấn cà phê nhưng các loại cà phê chế biến sâu như cà phê bột, cà phê hòa tan chỉ chiếm chưa tới 10% tổng sản lượng. Nhằm tăng giá trị cà phê Việt Nam, Nghị định 23/2007NĐ-CP của Chính phủ đã khuyến khích các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đầu tư chế biến sâu. Thực hiện nghị định này, UBND các tỉnh Tây Nguyên đã có chủ trương thu hút đầu tư FDI với nhiều ưu đãi. Theo thống kê của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), hiện các doanh nghiệp FDI đã chiếm 50% tổng sản lượng cà phê của Việt Nam, tương đương 600.000 tấn mỗi năm. Với những lợi thế hiện có, nguy cơ họ độc chiếm vùng nguyên liệu cà phê xuất khẩu của Việt Nam chỉ là chuyện sớm muộn mà thôi.

Việt Nam có hơn 150 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, phần lớn các doanh nghiệp đều không đủ nguồn lực tài chính để thu mua tạm trữ cà phê chờ thời điểm có lợi mới bán ra. Đầu vụ, do thiếu vốn, các doanh nghiệp ồ ạt bán cà phê, có tháng bán ra hơn 200.000 tấn cà phê Robusta, trong khi đó, nhu cầu của thị trường đối với loại cà phê này chỉ khoảng 80.000 - 100.000 tấn/tháng nên giá cà phê rất thấp. Khi giá cà phê lên đến đỉnh thì các doanh nghiệp không còn cà phê để bán.

Theo ông Lê Đức Thống, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu cà phê 2-9 Đắk Lắk, nguyên nhân cơ bản đẩy doanh nghiệp cà phê bên bờ phá sản là sự yếu kém về tài chính của các doanh nghiệp trong nước. Từ đầu năm là phải mua cà phê, muốn tạm trữ để tránh ép giá ít nhất cũng phải chờ đến tháng 7 mới bán. Tuy nhiên, ngân hàng chỉ cho vay trong thời gian 1-3 tháng nên doanh nghiệp không xoay xở kịp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nước ngoài vay ngoại tệ với lãi suất thấp, còn doanh nghiệp trong nước vay tiền VNĐ với lãi cao gấp nhiều lần. Điều này đã làm cho các doanh nghiệp trong nước yếu thế, nhường lại thị trường thu mua cà phê cho doanh nghiệp FDI.

. Theo Báo Người Lao Động

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Yêu cầu Trung Quốc thả ngư dân, bồi thường thiệt hại  (27/03/2012)
Dự kiến tăng 26,5% lương hưu và trợ cấp đối với cán bộ xã đã nghỉ việc  (26/03/2012)
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất  (26/03/2012)
Cần đấu giá quỹ đất bên đường mới xây dựng  (26/03/2012)
Đề nghị tăng gấp đôi mức bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự  (26/03/2012)
Hàng loạt mặt hàng sẽ được giảm thuế nhập khẩu  (26/03/2012)
Xuất khẩu quý 1/2012 tăng trưởng hơn 23%  (26/03/2012)
Năm du lịch quốc gia 2012 - Phát triển du lịch văn hóa  (26/03/2012)
Cháy cao ốc 34 tầng ở Hà Nội  (25/03/2012)
Siết chặt quản lý tiến độ, chất lượng công trình giao thông  (25/03/2012)
Tín hiệu khả quan rõ nét từ CPI tháng 3  (25/03/2012)
Phó Chủ tịch nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng  (25/03/2012)
Thương lái Trung Quốc gom hàng thủy sản  (24/03/2012)
Sẽ bỏ phiếu tín nhiệm Chủ tịch nước, Thủ tướng  (24/03/2012)
Công bố môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2012  (23/03/2012)