|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết chương trình kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khoá XIII khai mạc vào hạ tuần tháng 5 tới có thể phải “xem xét lại tư cách đại biểu Quốc hội”. |
Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai trình bày tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều 27-3.
Lao động nữ được nghỉ thai sản 6 tháng
Theo bà Trương Thị Mai, sau khi được chỉnh lý, dự thảo bộ luật gồm 237 điều, 17 chương. Nhiều vấn đề được ĐBQH quan tâm cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 đã được tiếp thu, thể hiện trong dự thảo bộ luật. Đơn cử, dự thảo đã bổ sung các nguyên tắc đối với tiền lương tối thiểu theo tháng, tuần, ngày, giờ, được xác lập theo vùng, theo ngành và giao cho Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với thị trường lao động, tình hình thực tiễn của từng ngành, nghề, loại công việc trong từng thời kỳ. Cơ quan thẩm tra đề xuất lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Trường hợp lao động nữ sau khi sinh con bị chết thì chồng được nghỉ để chăm sóc con đến khi con đủ 6 tháng tuổi…
Đối với việc nghỉ Tết Âm lịch, thời gian nghỉ được tăng thêm 1 ngày (từ 4 lên 5 ngày). Về giờ làm thêm, tiếp thu ý kiến ĐBQH, cơ quan thẩm tra đưa ra 2 phương án. Ở phương án 1, số giờ làm thêm tối đa không quá 200 giờ/năm. Phương án 2 đề nghị tối đa không quá 360 giờ/năm.
Tham dự phiên họp, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng tỏ ra chưa yên tâm với quy định thang lương, bảng lương của doanh nghiệp tới đây sẽ không được gửi tới cơ quan quản lý lao động. Về thời hạn của hợp đồng lao động, ông Tùng đề nghị không nên quy định hợp đồng lao động có thời hạn ký lần thứ 2 có thời hạn tối đa tới 72 tháng.
“Như vậy sẽ rất thiệt thòi cho người lao động (NLĐ) làm những công việc đơn giản và nặng nhọc trong các ngành da giày, dệt may, thủy sản… Chủ sử dụng có thể tận dụng sức lao động trong khoảng 6 năm trời và sau đó thải hồi, không bao giờ ký hợp đồng không thời hạn với người lao động”, ông Tùng phân tích.
Quy định riêng mức sàn lương cho công chức, viên chức?
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhận xét, dự thảo bộ luật vẫn còn quá nhiều quy phạm giao Chính phủ quy định. Ông Hiện cũng cho rằng, chỉ tòa án mới có quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu; không nên quy định cả thanh tra lao động cũng có quyền này…
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, về lâu dài, việc “cào bằng” tiền lương tối thiểu của mọi đối tượng NLĐ là không hợp lý. “Nên có quy định riêng về mức sàn lương cho công chức, viên chức vì định nghĩa về tiền lương tối thiểu không phù hợp để áp dụng cho những đối tượng này”. Chủ tịch Quốc hội đồng tình với việc trao quyền xây dựng thang lương, bảng lương cho doanh nghiệp nhưng yêu cầu Chính phủ ban hành các quy định hướng dẫn, đồng thời siết chặt công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện những trường hợp bất hợp lý, thiệt thòi cho NLĐ.
Giải trình thêm với UBTVQH, bà Trương Thị Mai cho biết, Bộ luật Lao động hiện hành có quy định việc doanh nghiệp phải gửi thang bảng lương cho cơ quan quản lý lao động để theo dõi, kiểm tra nhưng trên thực tế một bộ phận rất lớn doanh nghiệp không thực hiện việc này và cũng không thể xử lý được. Do đó, dự thảo bộ luật đã có quy định “hậu kiểm”. Về thời hạn của hợp đồng lao động có thời hạn ký lần thứ 2, bà Mai cho biết, thời hạn 72 tháng có thể khiến một bộ phận NLĐ trong những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày… bị thiệt vì không được ký hợp đồng lao động không thời hạn nhưng lại phù hợp với một số ngành đặc thù như công nhân xây dựng các công trình.
Tiếp thu ý kiến Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn và một số ý kiến khác, bà Mai cho biết sẽ bổ sung một số điều kiện về khung thời gian tối đa, về sức khỏe… cho những trường hợp đặc biệt được kéo dài tuổi nghỉ hưu. Về vô hiệu hóa hợp đồng lao động, người đứng đầu Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, về lâu dài chỉ giao cho tòa án thẩm quyền này là phù hợp nhưng hiện tại đường đến tòa án quá gian nan với người lao động nên tạm thời vẫn trao cho thanh tra lao động quyền này.
Nóng với vấn đề giao thông
Sáng 27-3, UBTVQH đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3 của Quốc hội. Tại kỳ họp này, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết; vẫn cho ý kiến về 7 dự án luật nhưng thay dự án Luật Đô thị bằng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế. Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đồng thời xem xét, quyết định các nội dung quan trọng khác về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, các báo cáo giám sát chuyên đề và các báo cáo khác.
Cơ bản tán thành dự kiến nội dung kỳ họp do Văn phòng Quốc hội đề xuất, song Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng, một số vấn đề trong lĩnh vực giao thông hiện đang rất “nóng”, được người dân cả nước quan tâm. “Đề nghị Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về an toàn giao thông; thu phí, lệ phí giao thông đường bộ và kết quả của việc điều chỉnh giờ học, giờ làm ở một số thành phố lớn”, ông Nguyễn Kim Khoa góp ý.
Xem xét lại tư cách đại biểu Quốc hội
Sáng 27-3, tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đã đề nghị: “Phải giải quyết cho rõ trường hợp đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến”.
Kết luận cuộc họp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng không nêu tên đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến (ĐB QH tỉnh Long An) nhưng cho biết chương trình kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khoá XIII khai mạc vào hạ tuần tháng 5 tới có thể phải “xem xét lại tư cách đại biểu Quốc hội”.
Được mời tham dự phiên họp, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho biết, dư luận rất quan tâm đến việc bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh được Quốc hội bầu và phê duyệt. “Nên rà soát, chuẩn bị kỹ cơ sở pháp lý cho việc này và tiến hành sớm để củng cố niềm tin của nhân dân”, ông nói.
. Theo SGGP, NLĐO, DVO |