|
Tổng Bí thư Lê Duẩn (1907 - 1986) |
Tổng Bí thư Lê Duẩn là nhà chính trị sâu sắc, nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc, có uy tín lớn ở Việt Nam và trên thế giới. Nhà thơ Tố Hữu gọi đó là “Cánh đại bàng Việt Nam”. Trọn đời làm cách mạng, trọn đời làm công tác Đảng, đồng chí có vai trò ở những bước ngoặt lịch sử và thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Đồng chí Lê Duẩn (1907-1986), tên thường gọi trìu mến và kính trọng là Anh Ba, là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở tuổi 30, đồng chí đã trở thành một nhà tổ chức mưu lược và khôn khéo. Từ 1936 đến 1939 là Bí thư Xứ ủy Trung kỳ, đồng chí luôn đi sát phong trào thời kỳ Mặt trận Dân chủ để có những hình thức duy trì, xây dựng cơ sở Đảng phù hợp. Cuối năm 1939, là ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí đã cùng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chuẩn bị tổ chức Hội nghị lần thứ 6 của Trung ương, đánh dấu bước chuyển hướng sự chỉ đạo chiến lược sáng suốt và kịp thời của Đảng ta trước Cách mạng Tháng Tám.
Trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí đã cùng các đồng chí Phạm Hùng, Lê Đức Thọ và Xứ ủy Nam Bộ, sau đó là Trung ương Cục Miền Nam giải quyết một loạt vấn đề cơ bản và cấp bách trong hoàn cảnh lúc đó. Các đồng chí Nam Bộ gọi “Anh Ba” là ngọn đèn “Hai trăm nến” để tôn vinh trí tuệ sáng suốt và sự chỉ đạo sâu sắc, mưu lược kỳ diệu của đồng chí Lê Duẩn.
Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, đất nước ta tạm chia làm hai miền với ranh giới là vĩ tuyến 17. Đồng chí Lê Duẩn được Bác Hồ và Bộ Chính trị phân công ở lại miền Nam, bí mật hoạt động, gây dựng phong trào, chuẩn bị lực lượng cho cuộc chiến đấu lâu dài giữa nhân dân ta với các lực lượng chống lại cách mạng Việt Nam, đứng đầu và trực tiếp là đế quốc Mỹ. Nhờ sâu sát thực tế và óc nhạy cảm, hiểu sâu sắc tình hình, đồng chí đã đánh giá đúng tình thế và xu hướng vận động của tình hình bằng bản “Đề cương cách mạng miền Nam”, góp phần quan trọng hình thành Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng (Khóa II) khai thông dòng thác cách mạng miền Nam.
|
Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn với các dũng sĩ miền Nam năm 1972. Ảnh tư liệu
|
Năm 1957, theo lệnh của Bác Hồ, đồng chí ra Hà Nội, nhận trọng trách Quyền Tổng Bí thư và chuẩn bị Đại hội III của Đảng. Đại hội đã bầu đồng chí là Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Sau khi Bác Hồ qua đời, đồng chí là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang ở giai đoạn rất quyết liệt. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã đi đến thắng lợi hoàn toàn với đại thắng mùa xuân 1975.
Di sản của đồng chí Lê Duẩn về cách mạng XHCN ở Việt Nam cũng đồ sộ và đầy ấn tượng. Đó là những tư duy lý luận như một hệ thống lôgíc về các vấn đề có tính quy luật của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới. Dấu ấn sâu sắc của đồng chí Lê Duẩn ở giai đoạn này trước hết là dấu ấn của một nhà lý luận uyên thâm, tư duy biện chứng với phương pháp toàn diện, cụ thể của chủ nghĩa Mác - Lênin và CNXH khoa học. Đó còn là dấu ấn của một ước mong cháy bỏng, mong đất nước cường thịnh, nhân dân mau chóng được hưởng hạnh phúc trong đời sống vật chất dồi dào, thể hiện qua tư duy làm ăn lớn, sản xuất lớn, hiện đại, với công nghiệp phát triển mạnh làm nền tảng.
Nhớ về Tổng Bí thư Lê Duẩn, không chỉ là nhớ về một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và cách mạng, mà còn là nhớ về một tình cảm lớn hòa quyện cùng trí tuệ sáng suốt, đưa tới những thắng lợi vinh quang!
|