|
Tổ chức lực lượng bảo vệ tại các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức chính trị nằm trong hệ thống tổ chức của các cơ quan, doanh nghiệp. |
Nhân viên bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp phải là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên; có trình độ học vấn tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên (đối với miền núi, biên giới, hải đảo, có trình độ học vấn tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên); được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ bảo vệ do Công an cấp tỉnh trở lên tổ chức và cấp giấy chứng nhận.
Đó là thông tin được nêu trong dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp vừa được Bộ Công an công bố lấy ý kiến nhân dân.
Theo dự thảo, mọi cơ quan, doanh nghiệp đều phải tổ chức công tác bảo vệ.
Lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp do người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp quyết định thành lập; chịu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp và hướng dẫn, kiểm tra về nghiệp vụ bảo vệ của cơ quan Công an.
Không hợp đồng thuê dịch vụ bảo vệ thường xuyên, lâu dài
Người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức chính trị căn cứ yêu cầu, tính chất, quy mô của cơ quan, doanh nghiệp để quyết định hình thức tổ chức lực lượng bảo vệ của cơ quan, doanh nghiệp mình cho phù hợp.
Tổ chức lực lượng bảo vệ tại các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức chính trị nằm trong hệ thống tổ chức của các cơ quan, doanh nghiệp. Tùy theo yêu cầu, quy mô, tính chất của cơ quan, doanh nghiệp mà thành lập phòng, ban, đội, tổ bảo vệ.
Theo dự thảo, người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp nhà nước không được hợp đồng thuê dịch vụ bảo vệ thường xuyên, lâu dài (trừ một số lĩnh vực theo quy định của Bộ Công an). Trong trường hợp cần huy động lực lượng, phương tiện bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn hội nghị, hội thảo hoặc trường hợp cần thiết khác, được hợp đồng thuê dịch vụ bảo vệ của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ theo công việc hoặc thời vụ.
Lý giải vấn đề này, Bộ Công an cho rằng, các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước là những địa bàn trọng yếu trong việc bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở. Vì vậy, phải có lực lượng bảo vệ chuyên trách để bảo đảm triển khai đồng bộ, ổn định các biện pháp nghiệp vụ bảo vệ. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp nhà nước có thể chỉ đạo, điều hành hoạt động của lực lượng bảo vệ một cách tập trung, thống nhất.
Về chế độ, chính sách đối với nhân viên bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức chính trị, dự thảo nêu rõ, trong khi thi hành nhiệm vụ, nếu bị thương, bị hy sinh thì được xem xét và có thể được công nhận hưởng chế độ như thương binh, liệt sĩ theo quy định của pháp luật và các hình thức khen thưởng khác.
. Theo Chinh phu.vn |