Sự cố tại thủy điện Sông Tranh 2: Rất nguy hiểm
9:0', 12/4/ 2012 (GMT+7)

Trong khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang nỗ lực vận hành Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) hết công suất để hạ mực nước ở hồ chứa xuống gần mực nước chết thì thật bất ngờ chủ đầu tư công trình vừa đưa ra con số “giật mình”: Nước thẩm thấu qua đập thủy điện lên đến 75 lít/giây -  vượt gấp 5 lần mức cho phép.

Nghịch lý

Tại buổi làm việc với đoàn công tác Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam vào ngày 10-4, ông Trần Văn Hải, Trưởng Ban Quản lý dự án thủy điện 3, thừa nhận: “Lượng nước rò rỉ qua thân đập chính xác là 75 lít/giây chứ không phải 30 lít như công bố trước đây. Tuy nhiên, đập thủy điện vẫn bảo đảm an toàn, nước trong lòng hồ đang dao động ở cao trình 155 m, cao hơn mực nước chết 15 m”. Trong khi đó, tiến sĩ Bùi Trung Dung, Phó cục trưởng Cục Kiểm định Nhà nước về các công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), khuyến cáo đập đầm lăn như công trình thủy điện Sông Tranh 2 thì lượng nước thấm cho phép chỉ 15 lít/giây.

 

Rò rỉ nước tại đập thủy điện Sông Tranh 2 đang làm cho các cơ quan chức năng và người dân vùng hạ lưu lo lắng.

Trước thông tin này, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành đã tỏ ra lo ngại về độ an toàn của đập chính thủy điện Sông Tranh 2. GS-TSKH Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hiệp hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, lo ngại: “Rõ ràng chủ đầu tư công trình thủy điện Sông Tranh 2 đã thiếu minh bạch thông tin. Nghịch lý ở chỗ là lúc trước mực nước trong hồ chứa phía hạ lưu còn cao thì nước thấm qua đập lại thấp hơn hiện nay khi mực nước ở hồ hạ xuống gần mực nước chết”.

Dễ gây thảm họa

Theo GS-TSKH Phạm Hồng Giang, nếu áp dụng giải pháp dán lớp màng chống thấm vào mặt đập ở thượng lưu, EVN cần mời các chuyên gia giỏi đến từ nước ngoài, sẽ có chi phí rất đắt đỏ. Tuy nhiên, vì sự bền vững, an toàn lâu dài cho công trình đập, bảo đảm an toàn cho hàng vạn người dân vùng hạ lưu, EVN phải có trách nhiệm triển khai ngay việc này.

Nếu áp dụng phương pháp đục, thông nối ống tại các địa điểm rò rỉ đưa nước về phía hạ lưu thì mực nước thấm qua đập không những không giảm mà càng tăng lên, tổn hại đến tuổi thọ công trình đập, dễ gây thảm họa cho người dân.

Còn GS Cao Đình Triều, chuyên gia của Viện Vật lý địa cầu, thì cho rằng: “Mức thấm như trên rất nguy hiểm cho công trình. Về lâu dài, nước thấm lâu ngày dễ làm thủy hóa thân đập, gây nguy hiểm cho người dân vùng hạ lưu”. Theo GS Cao Đình Triều, lo ngại nhất là hiện nay tại khu vực công trình thủy điện Sông Tranh 2 vẫn còn xảy ra nhiều trận động đất kích thích.

Xử lý dứt điểm trong tháng 7

Theo cam kết của Ban Quản lý dự án thủy điện 3 với tỉnh Quảng Nam, từ ngày 15-4, chủ đầu tư bắt đầu xử lý sự cố rò rỉ, thấm ở đập thủy điện Sông Tranh 2. Theo lộ trình các phương án triển khai thì việc xử lý sự cố này sẽ hoàn tất trong tháng 7-2012, trước khi mùa mưa lũ đến.

Về vấn đề này, ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Việc để lại mực nước trong hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 với dung tích cao, thấp bao nhiêu là quyền của phía chủ đầu tư xử lý sự cố thấm ở đập theo phương án phù hợp. Tỉnh chỉ yêu cầu Ban Quản lý dự án thủy điện 3 làm thế nào phải xử lý thấm ở đập thủy điện dứt điểm trong tháng 7 tới, bảo đảm  an toàn tuyệt đối tính mạng và tài sản cho người dân vùng hạ lưu”. Theo ông Thu, tỉnh Quảng Nam cũng đã yêu cầu Ban Quản lý dự án thủy điện 3 báo cáo ngay cho EVN quan trắc hoặc thuê các đơn vị quan trắc động đất với công trình Sông Tranh 2.

Về giải pháp tối ưu để xử lý triệt để sự cố thấm ở đập thủy điện Sông Tranh 2,  GS-TSKH Phạm Hồng Giang quả quyết: “Giải pháp hiệu quả nhất để xử lý hiện tượng thấm nước ở đập thủy điện Sông Tranh 2 là áp dụng công nghệ mới: Dán lớp màng chống thấm (geomembrane) vào mặt thượng lưu và thi công trong nước. Giải pháp này không chờ giảm mức nước hồ, nhà máy thủy điện vẫn hoạt động bình thường”.

. Theo báo Người Lao Động

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kỷ niệm ngày sinh Cố chủ tịch HĐBT Phạm Hùng  (11/04/2012)
Thủ tướng yêu cầu không để sinh viên nào thôi học vì học phí  (11/04/2012)
ĐBSCL: Lúa IR50404 dội đồng  (11/04/2012)
Công bố Pháp lệnh Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật  (10/04/2012)
Nông dân sẽ không phải thế chấp sổ đỏ khi vay ngân hàng  (10/04/2012)
Trung Quốc phải chấm dứt hành động xâm phạm chủ quyền Hoàng Sa   (10/04/2012)
Xuất khẩu gạo - Lượng tăng, giá tăng   (10/04/2012)
Năm 2014 có cầu Sài Gòn 2  (10/04/2012)
Thủ tướng Chính phủ biểu dương 33 địa phương, phê bình 10 địa phương về trật tự an toàn giao thông  (09/04/2012)
Nhân viên bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp phải tốt nghiệp THPT trở lên  (09/04/2012)
Diễn đàn kinh tế mùa Xuân 2012  (09/04/2012)
Khoảng cách giữa vàng miếng SJC và các thương hiệu khác tiếp tục nới rộng  (09/04/2012)
Vùng kinh tế trọng điểm phải phát triển gấp 2, 3 lần mức bình quân  (08/04/2012)
Không phân biệt vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác  (08/04/2012)
Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn thứ hai ở ASEAN  (08/04/2012)