Sáng nay, 12-4, trong khuôn khổ phiên họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi).
|
Thực tiễn hoạt động in rất phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực và trách nhiệm quản lý nhà nước của nhiều bộ, ngành khác nhau. |
Tại Tờ trình của Chính phủ về vấn đề này, dự thảo Luật được đề nghị đổi tên thành “Luật Xuất bản, in, phát hành” với hàm ý mở rộng phạm vi điều chỉnh. Tuy nhiên, theo Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng – cơ quan thẩm tra dự luật - luật này chỉ điều chỉnh những vấn đề liên quan đến hoạt động xuất bản (bao gồm cả việc quản lý cơ sở in để giám sát hoạt động in xuất bản phẩm cũng như phòng chống việc in xuất bản phẩm giả).
“Thực tiễn hoạt động in rất phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực và trách nhiệm quản lý nhà nước của nhiều bộ, ngành khác nhau. Thường trực Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng cho rằng, cần nghiên cứu xây dựng một luật riêng về in để điều chỉnh đầy đủ, toàn diện hoạt động này chứ không thể ghép vào Luật Xuất bản chỉ với một số điều quy định đơn giản như trong dự thảo luật”, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban nêu rõ quan điểm.
Một nội dung mới đáng lưu ý được cơ quan thẩm tra đề cập đến là vấn đề liên kết xuất bản. Nhằm mở rộng sự tham gia hoạt động xuất bản và tăng cường trách nhiệm, cũng như thể hiện sự công bằng trong ứng xử với các doanh nghiệp tư nhân liên kết trong xuất bản, Thường trực Ủy ban đề nghị, bên cạnh việc chấn chỉnh và tiếp tục phát triển hình thức liên kết xuất bản như hiện nay, cần công nhận và luật hóa một hình thức liên kết xuất bản mới (mà trên thực tế đã hình thành một cách tự phát).
Theo đó, đối tác liên kết được thực hiện toàn bộ các công đoạn xuất bản xuất bản phẩm và chịu trách nhiệm về nội dung cũng như chất lượng của xuất bản phẩm. Nhà xuất bản chịu trách nhiệm thẩm định nội dung tư tưởng của xuất bản phẩm và quyết định xuất bản (thực chất là đại diện nhà nước thực hiện trách nhiệm kiểm duyệt và cấp giấy phép xuất bản). Theo tinh thần đó, cơ sở liên kết xuất bản thực chất trở thành “nhà xuất bản”, chỉ trừ quyền quyết định xuất bản và chịu sự thẩm định về nội dung tư tưởng của nhà xuất bản liên kết.
Về quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất bản, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, cần cân nhắc kỹ lưỡng các quy định về giấy phép, thu phí, lệ phí để thực hiện trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các chủ thể hoạt động xuất bản; cơ quan quản lý nhà nước chuyển vai trò từ kiểm soát sang giám sát hoạt động của các nhà xuất bản, cơ sở in và phát hành… Đồng thời, nghiên cứu kỹ nội dung phân cấp quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản cho UBND cấp tỉnh, tránh nhầm lẫn giữa chức năng quản lý chuyên môn và quản lý hành chính. Tại các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM - là những nơi tập trung phần lớn các nhà xuất bản - yêu cầu quan trọng là bảo đảm việc phân cấp, phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương để địa phương nắm được đầy đủ thông tin liên quan đến hoạt động xuất bản trên địa bàn.
Luật Xuất bản hiện hành mới được sửa đổi, bổ sung năm 2008 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2009.
.Theo Báo Sài Gòn giải phóng
|