|
Ông Phan Trung Lý phát biểu tại Thường vụ Quốc hội. Ảnh: N.H. |
Dự luật đất đai sửa đổi thuộc chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư, tuy nhiên Chính phủ đề nghị chuyển sang kỳ họp thứ năm và thông qua tại kỳ họp thứ sáu (cuối 2013) để có thêm thời gian chuẩn bị trình Quốc hội cùng với việc thông qua Hiến pháp 1992 sửa đổi.
Trong phiên thảo luận chiều 19/4, Ủy ban Pháp luật cho rằng, đất đai là một trong những lĩnh vực có ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội đất nước. Việc sửa Luật Đất đai sẽ góp phần giải quyết một số vấn đề bức xúc liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Dự luật này rất quan trọng, đã có thời gian chuẩn bị tương đối dài, đang được người dân cả nước chờ đợi, quan tâm. Do vậy, cơ quan soạn thảo cần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án luật này. Trong trường hợp cần đảm bảo chất lượng và để có thểm thời gian thể hiện các phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp với Nghị quyết Trung ương 5 (tháng 5/2012), có thể lùi thời thời hạn.
Về dự án Luật Thủ đô, theo dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ cuối 2012. Song, theo Ủy ban Pháp luật, dự luật này đã một lần được trình tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa trước nhưng không được thông qua. Vì vậy, cần phải chuẩn bị, soạn thảo và trình lại dự luật này. Hơn nữa, trong nhiệm kỳ khóa 13, có 2/3 đại biểu mới được bầu, chưa có điều kiện tiếp cận dự luật này nên cần có sự chuẩn bị chu đáo, cung cấp đủ hồ sơ, tài liệu để đại biểu có đủ thời gian nghiên cứu. Ủy ban Pháp luật đề nghị xem xét, thông qua Luật Thủ đô theo quy trình tại 2 kỳ họp. Theo đó, luật này một lần nữa lùi lịch, cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư và thông qua tại kỳ họp thứ năm (tháng 5/2013).
Ngoài ra, Luật Đô thị cũng phải lùi lại so với chương trình dự kiến do dự luật này còn nhiều vấn đề cần phải được nghiên cứu, làm rõ như phạm vi điều chỉnh, các nội dung cơ bản. Để đảm bảo chất lượng dự án, Ủy ban Pháp luật tán thành với đề nghị của Chính phủ kéo dài thêm thời gian làm luật và sẽ thông qua tại kỳ họp thứ sáu (cuối năm 2013).
Theo dự kiến, trong năm 2013, sẽ có 37 dự luật, 3 dự án pháp lệnh được xem xét, thông qua, 27 dự án luật, 1 pháp lệnh trong chương trình chuẩn bị.
.Theo VNE |