Từ đầu năm nay, do khó khăn về thị trường và thiếu cá nguyên liệu chế biến, nhiều nhà máy thủy sản ở An Giang, Cần Thơ hoạt động cầm chừng khiến công nhân không đủ sống, phải qua nhà máy khác làm thuê.
Một buổi tối cuối tháng 3, nhiều công nhân của Công ty TNHH Thuận An (thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, An Giang) tụm năm tụm bảy ngồi thở dài. Gần đây, nhà máy tạm ngưng hoạt động nên họ phải nghỉ việc liên tục. Đang trò chuyện cùng chúng tôi, điện thoại của Thanh chợt đổ chuông. Nghe cuộc gọi, gương mặt khắc khổ chợt sáng lên: “Cái gì? Có việc làm hả? Cần bao nhiêu người? Ừ... được”. Thanh tắt máy, nói như reo: “Công ty Việt Ngư kêu đi làm công nhật tụi bây ơi, làm gần suốt tuần lận!”. Cả nhóm công nhân nhao nhao, ồ lên mừng rỡ...
|
Anh Phan Thanh Giàu (bìa phải) cùng nhóm công nhân chuyên “chạy sô” hiện làm công nhật tại Công ty Việt An, TP Long Xuyên (An Giang) |
Ba giờ sáng, cả nhóm xách túi đựng đồ nghề, đèo nhau xuống tận TP Long Xuyên. Sau khi dừng xe bên đường mua gói xôi ăn vội, họ bước vô cổng Công ty Việt Ngư nhận cái thẻ từ anh bảo vệ. Nhiều tốp công nhân khác cũng lục tục ùa đến. Mọi người đi thay trang phục, mang ủng, đeo bao tay, sau đó cầm dao bước vào phân xưởng phi lê. Chỉ vào số đông công nhân mang đồ bảo hộ lao động đủ màu sắc với phù hiệu của nhiều doanh nghiệp khác nhau, Thanh nói: “Hầu hết đều từ mấy nhà máy khác chạy sô qua làm thuê như tụi tui”.
Thanh kể doanh nghiệp trả tiền theo lượng sản phẩm nên ai nấy đều cố gắng làm cho thật nhiều. Hôm đó trung bình mỗi người làm được 600kg cá, công ty trả công 120.000 đồng.
Tại các doanh nghiệp khác chúng tôi gặp khá nhiều nhóm công nhân chuyên chạy sô tương tự. Chiều tan ca họ vào các quán cơm bụi ăn qua quýt rồi trở về nhà trọ (thường năm người ở chung một phòng để tiết giảm tiền thuê).
Trong căn phòng trọ lụp xụp bên con rạch Gòi Lớn (TP Long Xuyên), mấy công nhân nằm dài trên nền gạch dưới mái tôn nóng hầm hập. Anh Phan Thanh Giàu cho biết nhóm của mình từ Khu công nghiệp Bình Long, huyện Châu Phú xuống làm công nhật ở các doanh nghiệp như GMC, Minh Huy, Việt Ngư... Vừa qua, mấy nhà máy này lại tạm nghỉ nên anh em phải qua làm bên Công ty Việt An. “Doanh nghiệp cần lao động công nhật thường dán thông báo trước cổng, hoặc cử người theo dõi xem nhà máy nào nghỉ vào những ngày nào để xếp lịch, gọi công nhân đi làm thuê cho mình” - Giàu giải thích.
Theo một số doanh nghiệp, lương công nhân thủy sản được tính theo khối lượng sản phẩm, trong khi từ cuối năm 2011 nhiều nhà máy chỉ “chạy” cầm chừng khiến hàng loạt công nhân bỏ việc vì thu nhập thấp. Do nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng nên nhiều doanh nghiệp quay qua thuê công nhân làm công nhật theo kiểu làm ngày nào trả tiền ngày ấy. Về phía công nhân vì lương không đủ sống nên anh em phải đi làm thuê ở nhà máy khác để đắp đổi. Từ đó, hình thành những nhóm công nhân chuyên chạy sô. Theo nhiều công nhân, nếu chịu khó chạy sô thì mỗi tháng cũng kiếm chừng 2,5 triệu đồng/người. Hiện nay, ngày càng có nhiều công nhân tự nguyện chuyển qua làm công nhật để chạy sô.
Ông Đặng Huy Châu, trưởng Phòng lao động tiền lương Sở LĐ-TB&XH An Giang, xác nhận hiện nay nhiều doanh nghiệp chỉ giữ lại dàn cán bộ khung, còn lại sử dụng đội ngũ “lính đánh thuê” này.
Tại Cụm công nghiệp Thốt Nốt (Cần Thơ), nhiều công nhân vốn ở các doanh nghiệp như: Thiên Mã, An Khang, Bình An (TP Cần Thơ)... đến xin việc. Chị Nguyễn Thị Hà cho biết khi Công ty An Khang vỡ nợ, vợ chồng chị đi làm công nhật ở mấy đơn vị khác nhưng thu nhập vẫn bấp bênh. Khi đến Cụm công nghiệp Thốt Nốt, biết Công ty CP Basa hiện chỉ gia công mỗi ngày vài tấn cá rô phi, chị Hà phải xin phụ bán ở quán cơm bình dân, còn chồng vào làm ở kho lúa.
Anh Trần Hữu Phước, vốn là công nhân Công ty Bình An, cho biết tháng trước lên TP.HCM làm trong nhóm chuyên tháo dỡ nhà. Mới đây, vợ chồng anh trở về thuê phòng trọ ở TP Long Xuyên đi làm công nhật cho một nhà máy nhưng vừa qua nhà máy này lại ngưng hoạt động nên họ đang thất nghiệp. Theo anh Phước, ở khu nhà anh trọ có nhiều nữ công nhân phải đi bán vé số, bán hàng rong, tiếp thị... để sống qua ngày.
. Theo Báo Tuổi Trẻ |