|
Bà Lê Thị Nga: "Không nên bỏ phiếu tín nhiệm ngay năm đầu tiên của nhiệm kỳ". |
Tán thành việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh từ bộ trưởng trở lên, nhưng theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga, trong năm đầu của nhiệm kỳ chưa nên tiến hành.
Sáng 27.4, Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị trực tuyến thảo luận việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Theo đó, trong công tác giám sát, hàng năm sẽ bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả bỏ phiếu được công khai; người không đủ số phiếu tín nhiệm quá bán so với tổng số đại biểu Quốc hội 2 lần liên tiếp sẽ được xem xét, trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc từ chức.
Thường vụ Quốc hội được giao xây dựng Quy chế quy định cụ thể đối tượng, quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ tư, tổ chức vào cuối năm 2012.
Tán thành việc bỏ phiếu tín nhiệm, song Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, đây không phải là hoạt động đổi mới mà là thực hiện quy định có trong luật từ lâu. Phạm vi cũng cần làm rõ vì những chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn rất rộng, vì thế bà đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm từ chức danh tương đương bộ trưởng trở lên, quy trình phải khả thi cho việc thực hiện.
Cũng theo vị Phó chủ nhiệm này, thời gian bỏ phiếu tín nhiệm không nên tiến hành ngay từ năm đầu tiên của nhiệm kỳ vì đây là thời gian bộ trưởng mới tiếp nhận nhiệm vụ rất khó để đánh giá, trong khi hoạt động quản lý kinh tế, xã hội của mỗi bộ rất rộng. “Theo tôi nên bắt đầu bỏ phiếu tín nhiệm từ năm thứ hai của nhiệm kỳ”, bà Nga nêu quan điểm.
Đối với hoạt động tiếp xúc cử tri, các đại biểu thống nhất sẽ tổ chức với nhiều hình thức, đảm bảo để đại biểu tiếp xúc với cử tri ở đơn vị bầu cử, nơi ứng cử, nơi cư trú, công tác. Việc này phải được thông báo rộng rãi và tạo điều kiện để cử tri có thể tham dự, bảo đảm để đại biểu Quốc hội có điều kiện trực tiếp gặp gỡ với cử tri, hạn chế thủ tục hành chính, tiếp xúc “đại cử tri”.
Cũng tại hội nghị, đại biểu ở các tỉnh thành đã thảo luận về nhiều vấn đề của đề án đổi mới. Với hoạt động chất vấn, Quốc hội sẽ dành toàn bộ thời gian chất vấn tại hội trường cho việc trả lời câu hỏi trực tiếp; bố trí phiên chất vấn vào cuối kỳ họp để đại biểu có thời gian chuẩn bị câu hỏi. Hoạt động này cũng sẽ được tiến hành theo từng nhóm vấn đề và đối thoại, tranh luận đến cùng. Câu hỏi chất vấn phải ngắn gọn, rõ ý, thời gian hỏi tối đa 2 phút mỗi lần.
Căn cứ vào kết quả chất vấn và trả lời chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết và trách nhiệm của người trả lời chất vấn trong trường hợp cần thiết. Nghị quyết này nêu rõ nội dung tán thành, không tán thành với ý kiến của người trả lời chất vấn; xác định trách nhiệm trong việc thực hiện lời hứa trước Quốc hội và thời hạn thực hiện. Hàng năm, sẽ có ít nhất 2 lần chất vấn tại phiên họp Thường vụ Quốc hội; ít nhất 2 lần báo cáo giải trình tại Hội đồng dân tộc, từng ủy ban của Quốc hội.
. Theo VnE |