Sáng nay, 4.5, phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc tại Hà Nội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc phiên họp.
Mở đầu phiên họp sáng nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã báo cáo với UBTVQH về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 473 ngày 27.3.2012 của UBTVQH về trái phiếu Chính phủ.
Theo đó, đề nghị bổ sung 5 dự án mới so với Nghị quyết đã nêu, gồm dự án cầu Năm Căn (tỉnh Cà Mau, thuộc dự án đường Hồ Chí Minh); dự án cầu Kim Xuyên (Tuyên Quang); dự án nhà ở sinh viên (của trường ĐH Trà Vinh), dự án bệnh viện ung thư (TP Đà Nẵng) và cuối cùng là 5 dự án thành phần thuộc dự án đường ven biển tỉnh Ninh Thuận. Đồng thời, điều chỉnh tăng quy mô 4 dự án do Bộ Giao thông Vận tải quản lý.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng đã báo cáo UBTVQH về phương án bổ sung 5.500 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ cho một số dự án thuộc lĩnh vực thủy lợi.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội về vấn đề này nêu rõ, việc bổ sung các dự án mới và cấp bổ sung vốn trái phiếu cần phải trình Quốc hội xem xét, quyết định. Đa số ý kiến trong Uỷ ban Tài chính – Ngân sách nhất trí việc bổ sung các dự án mới như trong Tờ trình của Chính phủ, song với các dự án điều chỉnh tăng quy mô do Bộ Giao thông Vận tải quản lý cần được rà soát, xem xét lại tính hợp lý.
“Hiện nhiều dự án điều chỉnh tăng quy mô quá lớn, một phần do khâu khảo sát thiết kế, lập dự toán chưa chính xác, một phần do việc mở rộng dự án đầu tư nhưng không tính tới khả năng đáp ứng của nguồn lực. Nếu tiếp tục cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư do tăng quy mô sẽ tạo ra việc chạy đua mở rộng quy mô của tất cả các dự án”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển giải thích.
Về thời gian thanh toán và giải ngân các khoản vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 – 2015, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị cho phép chuyển nguồn thực hiện vốn trái phiếu chính phủ năm 2012. Tuy nhiên, chấm dứt việc chuyển nguồn vốn trái phiếu chính phủ kể từ năm 2013 nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn này.
Liên quan đến phương án bổ sung 5.500 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ cho một số dự án thuộc lĩnh vực thủy lợi, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, về cơ bản phương án phân bổ của Chính phủ là hợp lý, phù hợp với Nghị quyết của UBTVQH. Tuy nhiên, khi xét từng dự án cụ thể, Ủy ban đề nghị tạm thời chưa bổ sung 1.122 tỷ đồng cho dự án Ngàn Trươi – Cẩm Trang (Hà Tĩnh); cân nhắc thêm việc phân bổ thêm 429 tỷ đồng cho dự án tiếp nước, cải tạo sông Tích (Hà Nội).
Thảo luận về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện không bằng lòng với việc “Nghị quyết 12/2011 của Quốc hội vừa thông qua mấy tháng, trong đó đã nêu rõ là “không bổ sung mới danh mục dự án, công trình sử dụng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2011 – 2015”; nay lại đề nghị sửa đổi, bổ sung. Chính phủ phải trả lời cho Quốc hội câu hỏi tại sao phải sửa đổi Nghị quyết của Quốc hội, chứ nói là “các công trình này rất cần thiết, quan trọng” thì chưa ổn. Cả nước có rất nhiều công trình quan trọng, cần thiết còn đang dang dở. Tại sao chọn 5 cái này mà không phải những cái khác? Bao nhiêu bộ ngành địa phương có nhu cầu, căn cứ vào tiêu chí nào để chọn”? Đây cũng là băn khoăn của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước. Ông nói: “19 công trình này – cả mới lẫn bổ sung - đúng là cần đầu tư rồi, nhưng không chỉ có những cái đó. Đi thực tế các địa phương có thể thấy rất nhiều công trình còn cần vốn cấp bách hơn. Như những công trình giao thông đang sạt lở nghiêm trọng, có nguy cơ mất luôn cả nền đường”...
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhận xét, qua đối chiếu với các tiêu chí thì một số công trình do Chính phủ đề nghị không đáp ứng được. Đơn cử, nhiều ký túc xá sinh viên đang xây dang dở, rất lãng phí; trong khi ở Trà Vinh xây mới lớn thế (quy mô 10.000 sinh viên) có phát huy hết tác dụng không? Cùng nỗi trăn trở về “hiệu quả sử dụng vốn quá kém”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu một lần nữa nêu lại yêu cầu phân bổ vốn “theo hàng dọc chứ theo hàng ngang”, ưu tiên cho những công trình cấp bách, làm xong sớm, đưa vào sử dụng ngay.
Còn Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu vấn đề: “Nhiều dự án trong số này đã khởi công trước khi có Nghị quyết 12 của Quốc hội như cầu Kim Xuyên, bệnh viện ung bướu Đà Nẵng, lúc đó không đưa vào, giờ lại xin bổ sung có hợp lý không”? Với đề nghị phân bổ 5.500 tỷ đồng cho thủy lợi, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho rằng phải rà soát những dự án đã xác định theo đúng tiêu chí, cụ thể như dự án sông Tích…
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, 4/5 dự án được đề nghị cấp bổ sung vốn trái phiếu chính phủ đều đã được Quốc hội quyết định chủ trương thực hiện dự án; chỉ có cụm 5 dự án thành phần thuộc dự án đường ven biển tỉnh Ninh Thuận là chưa. Tuy nhiên, đây là những dự án thực sự cần thiết trong việc triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân. “Giải trình rõ như thế mới có sức thuyết phục Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội phát biểu.
Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng ủng hộ việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện các dự án thủy lợi, nhưng nhấn mạnh: “Phải tập trung giải quyết công trình nào xong ngay công trình đó, chứ cứ “rắc” vốn ra nhiều nơi để rồi các công trình thiếu hạng mục không thể đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả”.
Gút lại nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Uỷ ban Tài chính – Ngân sách viết lại báo cáo cho đầy đủ và có sức thuyết phục. Bà Ngân ghi nhận những ý kiến đề nghị thực hiện đúng Nghị quyết, không chấp nhận việc bổ sung vốn, nhưng cho rằng: “Khóa lại như vậy cũng là cứng quá, không phù hợp với thực tế cuộc sống. Như ở Trà Vinh, tỉnh tập trung đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long với điều kiện rất khó khăn thì việc xây dựng trường Đại học và ký túc xá là cần phải làm và chắc các địa phương khác cũng không có ý kiến gì”...
. Theo SGGP |