Sáng 5-5, trong khuôn khổ phiên họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII.
Trình bày báo cáo về vấn đề này tại phiên họp, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo thêm về nhiều nội dung: tình hình triển khai các đạo luật đã được Quốc hội khóa XII ban hành, đánh giá tác động của các đạo luật này; tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; công tác điều hành tiền tệ; tình hình xây dựng, quản lý và vận hành các đập thủy điện; tình hình quản lý, sử dụng đất năm 2011 và những tháng đầu năm 2012…
Công tác nhân sự dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét trong một buổi sáng thứ Bảy, ngày 26-5.
|
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ báo cáo rõ tình hình miễn, giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng nên dành thời gian thích đáng để tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Biển Việt Nam.
Liên quan đến đề nghị đánh giá tình hình triển khai và tác động của các đạo luật đã được Quốc hội khóa XII, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng điều này không khả thi. “Mỗi năm Quốc hội thông qua hơn chục đạo luật, tổng cộng tới 40-50 luật, trong đó có luật vừa mới được triển khai thực hiện. Có chăng chỉ nên lựa chọn một, hai luật then chốt, có tác động sâu rộng đến kinh tế xã hội để làm”, ông nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tán thành việc yêu cầu Chính phủ báo cáo rõ thêm về một số vấn đề, đặc biệt là công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng. “Lần này chất vấn nên xoáy vào vấn đề này”, Chủ tịch Quốc hội nhận định.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện bày tỏ sự đồng tình cao: “Đây là vấn đề rất nóng và luôn luôn nóng. Hầu như trong tất cả các cuộc tiếp xúc cử tri đều đề cập đến vấn đề này”.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha cũng đề nghị gửi tới đại biểu Quốc hội báo cáo về phòng chống tham nhũng và báo cáo về giải quyết khiếu nại tố cáo.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị Chính phủ có báo cáo riêng gửi đại biểu Quốc hội về việc xử lý, giải quyết vụ việc ông Đoàn Văn Vươn (huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng) vì đây là một vụ việc bức xúc nổi cộm trong thời gian qua. “Tôi cho rằng sẽ có đại biểu chất vấn về vấn đề này, do đó cần cung cấp đầy đủ thông tin cho đại biểu”, Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn phát biểu.
Đề án tái cơ cấu kinh tế tiếp tục nhận được sự quan tâm sâu sắc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nêu vấn đề: “Nên hay không nên có một Nghị quyết riêng của Quốc hội về vấn đề này”?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu cân nhắc hình thức thể hiện chính kiến của Quốc hội về vấn đề này. “Những luận điểm quan trọng nhất của Quốc hội về tái cơ cấu kinh tế đã được thể hiện trong Nghị quyết 5 năm rồi. Mà chỉ ra nghị quyết để biểu thị sự tán thành, ủng hộ thôi thì không cần thiết. Việc tiến hành tái cơ cấu thuộc phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của Chính phủ, Quốc hội giám sát và sẽ thể hiện quan điểm dưới hình thức khác”.
Đồng tình với việc Quốc hội không ra nghị quyết về vấn đề này, song đưa ra kiến giải khác, ông Nguyễn Văn Hiện thẳng thắn: “Đề án như đã trình còn “non”, chưa làm rõ khá nhiều vấn đề về nguồn lực, thời gian thực hiện…, chưa có đủ cơ sở để Quốc hội quyết nghị điều gì”.
Tổng kết các ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập hợp ý kiến, phát huy trí tuệ của 500 đại biểu Quốc hội về tái cơ cấu kinh tế. “Căn cứ vào đó, có thể ra thông báo tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội để phản hồi cho Chính phủ”, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng “gút” lại.
. Theo Báo Sài Gòn giải phóng |