Thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp nhanh nhất
14:47', 9/5/ 2012 (GMT+7)

TS. Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách-Bộ Tài chính

Đó là quan điểm  về thực hiện gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp do Bộ Tài chính vừa đề xuất trong hoàn cảnh khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay, nhằm giúp doanh nghiệp vượt khó.

TS Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách, Bộ Tài chính đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh gói giải pháp này.

Đồng bộ các giải pháp

Xin ông phân tích rõ hơn cơ sở nào để Bộ  Tài chính đề xuất gói hỗ trợ doanh nghiệp qua việc, miễn, giãn, giảm thuế… thay vì thực hiện một gói cứu trợ lãi suất hay kích cầu như năm 2009?

TS. Vũ Nhữ Thăng: Khi đưa ra đề xuất, Bộ Tài chính đánh giá tình hình khó khăn của doanh nghiệp thông qua tình hình tế vĩ mô như  xuất nhập khẩu, tăng trưởng GDP, hàng tồn kho, phân tích số lượng doanh nghiệp thành lập mới, ngừng hoạt động, phá sản….

Cụ thể, qua việc đánh giá hàng tồn kho tăng cao, Bộ đã nhận thấy khó khăn của không ít doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt các ngành như xây dựng, sản xuất xi măng, sắt thép, sản xuất, chế tạo, lắp ráp động cơ, da giầy, vải bông sợi, …, bên cạnh một số ngành vẫn  tăng trưởng tốt.

5 nhóm giải pháp có tính đồng bộ cao, trong đó nhóm giải pháp về thuế chỉ là 1. Dùng từ “cứu” cũng không chính xác, mà là Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong lúc thị trường tiêu thụ hàng hóa đang yếu, tổng cầu đang yếu.

Các giải pháp  đưa ra là để phối hợp tốt chính sách tiền tệ, tài khóa, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, kết hợp với  cơ cấu lại hệ thống tín dụng.  Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng cũng có Thông tư 14 áp trần lãi suất cho vay ngắn hạn với 4 lĩnh vực: nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; doanh nghiệp vừa và nhỏ; công nghiệp hỗ trợ.

Nhìn ra thị trường thế giới, bối cảnh kinh tế vĩ mô năm 2012 khác năm 2009. Năm 2009, kinh tế thế giới suy giảm, tình hình kinh tế trong nước gặp khó khăn, thị trường đầu ra khó và yếu. Trong khi năm 2012, theo dự báo của IMF, WB, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng tốt hơn (3,5%), do đó, Việt Nam cũng chủ động trong điều hành chính sách. Đây cũng là năm chúng ta thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, Nghị quyết Trung ương 3 về tái cấu trúc nền kinh tế.

Do đó, đây là cơ hội để các ngành hàng sắp xếp lại kinh doanh, phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ, ngân hàng.

Đồng thời, gói giải pháp vẫn phải bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế-xã  hội năm 2012 mà Quốc hội, Chính phủ  đã đưa ra, như đảm bảo tăng trưởng khoảng 6% và kiểm soát lạm phát  ở mức 1 con số. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2015 trong đó nhấn mạnh ổn định kinh tế vĩ mô đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo mục tiêu, đưa ra trong đó đặc biệt kiềm chế lạm phát và tăng trưởng không gây xáo trộn trên thị trường.

Đó là những căn cứ để Bộ Tài chính đề xuất gói hỗ trợ doanh nghiệp.

Doanh nghiệp khỏe hay yếu đều được hỗ trợ

Nhiều chuyên gia kinh tế nói gói cứu trợ mới chỉ  quan tâm tới các doanh nghiệp đang "sống khỏe", còn những doanh nghiệp đã “chết lâm sàng” rồi thì không cứu, ông có ý kiến gì về điều này? Trong tình hình hiện nay, liệu có cần biện pháp mạnh và khẩn trương hơn nữa?

TS. Vũ  Nhữ Thăng: Doanh nghiệp hiện có hai khó khăn lớn nhất. Thứ nhất, thị trường đầu ra khó, tiêu thụ sản phẩm yếu trong khi tồn kho nhiều, doanh thu sụt giảm.

Một giải pháp để giải quyết khó khăn này là cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, chi tiêu công, từ đó giúp doanh nghiệp tháo gỡ hàng tồn kho như sắt thép, xi măng cho các công trình xây dựng cơ bản. Các khoản chi mua sắm của Chính phủ mà theo Nghị quyết 11, đã có trong dự toán 2011 nhưng tạm dừng, giờ chuyển nguồn sang năm 2012, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ cho phép tiếp tục mua sắm. Các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp lĩnh vực lắp ráp sản xuất.

Khó khăn thứ hai của doanh nghiệp là chi phí đầu vào cao, đặc biệt là chi phí nguyên vật liệu, giá nhập khẩu, lãi suất… trong khi giá đầu ra giảm. Với khó khăn này, Ngân hàng Nhà nước đã có lộ trình hạ lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.

Với nhóm giải pháp về hỗ trợ thuế, đúng là chỉ các doanh nghiệp có lãi mới được hưởng lợi từ việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (nếu được thông qua). Nhưng mặt khác, với giải pháp gia hạn thuế VAT thì tất cả các doanh nghiệp đều được hưởng lợi. Việc giãn thời gian nộp thuế này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thêm nguồn vốn lưu động trong 6 tháng.

Các chỉ tiêu thu chi ngân sách do Quốc hội quyết định, khoản tăng chi phải báo cáo Quốc hội, nhất là những khoản tăng chi sẽ ảnh hưởng cân đối vĩ mô như nợ công, gây bội chi. Trong dài hạn, chúng ta vẫn phải lưu ý chính sách tài  khóa chặt chẽ.

Hơn nữa, thời điểm khó khăn cũng là cơ hội để thực hiện quá  trình tái cấu trúc, chấn chỉnh lại đầu tư công, xác định rõ Nhà nước đầu tư đến đâu, doanh nghiệp  đầu tư đến đâu, lĩnh vực nào Nhà nước làm, lĩnh vực nào doanh nghiệp làm. Doanh nghiệp cần tự đổi mới chiến lược kinh doanh, phương thức quản trị cho phù hợp với tình hình mới.

Với những giải pháp thuộc thẩm quyền, Chính phủ có thể quyết định được ngay, Chính phủ sẽ ra Nghị quyết sớm để thi hành. Nhóm giải pháp nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Chính phủ sẽ báo cáo kỳ họp sắp tới để Quốc hội xem xét, quyết định, đặc biệt giải pháp về giảm thuế, miễn thuế.

Quan điểm về vấn đề này là thực hiện hỗ trợ nhanh chóng nhất cho các doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

. Theo Báo Điện tử Chính phủ

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhật Bản hỗ trợ giao thông miền Trung  (09/05/2012)
Giá thực phẩm giảm vì nắng nóng, dịch bệnh  (09/05/2012)
Ra mắt và giao nhiệm vụ Đại diện biên giới đoạn 4  (09/05/2012)
Đường sắt tăng 10% giá vé tàu dịp cao điểm hè  (09/05/2012)
Giá xăng nhập khẩu giảm mạnh, doanh nghiệp lãi cao  (08/05/2012)
Người Mỹ ngày càng thích nông sản Việt  (08/05/2012)
Trung Quốc khoan dầu ở Biển Đông ngày 9.5  (08/05/2012)
Tổng cục Du lịch khuyến cáo không hợp tác với “CLB Lữ hành Việt Nam”  (07/05/2012)
Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành TW Đảng khóa XI  (07/05/2012)
Doanh nghiệp đã và đang phá sản như thế nào?  (07/05/2012)
Công chức ở nhà công vụ cũng phải thuê  (06/05/2012)
Tuần tới, lãi suất cho vay tối đa chỉ còn 15%  (06/05/2012)
Giảm 30% thuế TNDN phải nộp năm 2012  (06/05/2012)
Đến 1-1-2013 mới thu phí bảo trì đường bộ  (06/05/2012)
Xoáy vào thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng   (06/05/2012)