|
Đưa ngân hàng xuống tận thôn, bản. Ảnh minh họa |
Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đang thực hiện một số chính sách ưu đãi đặc biệt, để giúp người dân nghèo ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn,… thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn, tổ chức sản xuất, từng bước xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bản thân và gia đình.
Thủ tục đơn giản, không cần thế chấp
Trao đổi với phóng viên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cho biết: Hiện nay, ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam thực hiện phương pháp quản lý tín dụng đặc thù, riêng có ở Việt Nam. Đó là, ngân hàng ủy thác cho một số tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương thực hiện một số khâu trong quy trình vay vốn. Qua đó vừa giúp ngân hàng xác định đúng đối tượng chính sách, vừa đảm bảo minh bạch, dân chủ, đồng thời giảm chi phí hoạt động cho ngân hàng, cũng như chi phí của người vay,…
Với cơ chế này, khi vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, người dân nghèo không chỉ được hưởng chính sách ưu đãi cho vay với lãi suất thấp, mà còn được hưởng những chính sách ưu đãi đặc biệt mà không ngân hàng thương mại nào có được.
Cụ thể, ưu đãi lớn nhất khi vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đối với người dân là vay mà không phải thế chấp tài sản. Bởi muốn vay tại các ngân hàng thương mại, người vay phải thế chấp tài sản để vay vốn, phải cung cấp giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản đem thế chấp, đồng thời phải chứng minh khả năng tổ chức sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ,… Do đó, người dân nghèo, nhất là dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn thường ít có cơ hội tiếp cận nguồn vốn của các ngân hàng thương mại. Do vậy, cách thức cho vay không cần thế chấp chính là ưu đãi lớn nhất mà Ngân hàng Chính sách xã hội dành cho người nghèo, ông Lý khẳng định.
Đưa “ngân hàng” đến tận thôn, bản
Đồng thời, ông Lý cho biết thêm: Khi vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, người dân được tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục. Nếu như đối với các ngân hàng thương mại người dân vay vốn phải lên tận ngân hàng để làm thủ tục, nhiều người ở xa đi lại rất mất thời gian, lại không hiểu rõ thủ tục vay vốn nên gây ra tâm lý ngại ngần.
Đối với Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, người dân thực hiện thủ tục vay vốn thông qua đại diện của Ngân hàng là các tổ tiết kiệm vay vốn tại thôn bản. Tổ tiết kiệm vay vốn do các tổ chức chính trị - xã hội địa phương thành lập nhằm tập hợp những người có nhu cầu vay vốn thành tổ, các thành viên trong tổ có trách nhiệm tương trợ lẫn nhau,... Với lợi thế là người sinh sống ngay tại địa phương, hơn ai hết họ hiểu rõ hoàn cảnh của từng gia đình và nhu cầu của bà con lối xóm. Chính họ là người giúp Ngân hàng trực tiếp tìm hiểu nhu cầu vay vốn của người dân, sau đó tổ chức bình xét các hộ đủ tiêu chuẩn và giúp họ thực hiện toàn bộ các thủ tục. Do đó, việc vay vốn vừa đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch, đúng đối tượng vừa đảm bảo thuận lợi cho người vay.
Trên cơ sở hồ sơ vay vốn do địa phương gửi lên, Ngân hàng đưa các tổ lưu động của ngân hàng về phục vụ bà con tại xã, người dân chỉ việc đến trụ sở xã để nhận tiền vay.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người vay, hàng tháng đại diện ngân hàng trực tiếp đến từng hộ dân, để thu tiền lãi, tiền gốc, người dân không mất thời gian đi lại để thanh toán. Mặt khác, đối với những trường hợp khó khăn, những trường hợp rủi ro bất khả kháng, dẫn đến nợ quá hạn, hoặc không có khả năng trả nợ, Ngân hàng còn có chính sách giãn nợ, xóa nợ theo quy định của Nhà nước.
Như vậy, để thực hiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, người dân chỉ mất công đi lại 2 lần. Lần thứ nhất đến họp tổ tại thôn để bình xét, sau đó các tổ chức chính trị - xã hội giúp làm thủ tục. Lần thứ hai người dân đem theo giấy hẹn để đến xã nhận tiền, hàng tháng có người đến tận nhà thu lãi, thu vốn.
Đồng hành cùng nhân dân thoát nghèo
Ông Lý cho biết, đến hết năm 2011, Ngân hàng đã cho 11,4 triệu hộ gia đình được vay vốn hơn 105 nghìn tỷ đồng. Hiện đang có 6,9 triệu khách hàng dư nợ.
Bên cạnh đó, Ngân hàng đã xây dựng được mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng hợp lý, mạng lưới hoạt động của ngân hàng đã phủ kín gần 11.000 xã. Nhờ nguồn vốn chính sách đã có 2,5 triệu hộ thoát nghèo; gần 2,5 triệu lao động có việc làm mới; 2,8 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn học tập; xây dựng 3,3 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường,… Qua đó góp phần thiết thực vào chương trình xóa đói, giảm nghèo bền vững, tạo ổn định chính tri, đảm bảo an sinh xã hội ở các địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: đối tượng thụ hưởng, mức độ và phương thức hỗ trợ còn chưa hợp lý, thiếu thống nhất, một số nơi vẫn còn tình trạng cho vay sai đối tượng, chưa có chính sách tài chính thực sự phù hợp với hoạt động của Ngân hàng chính sách.
Trong đó, bất cập lớn nhất là nhu cầu về tín dụng chính sách hiện nay rất lớn, nhưng nguồn lực thì có hạn nên Ngân hàng phải đối mặt với nhiều áp lực trong việc huy động và cân đối vốn. Trong năm nay, số vốn Ngân hàng chính sách xã hội được cấp thêm khoảng 10.000 tỉ đồng, nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lượng người thất nghiệp tăng, nhu cầu cần nguồn vốn thực hiện an sinh xã hội rất lớn, số vốn này chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đòi hỏi.
Để giải quyết hạn chế trên, trong thời gian tới Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam sẽ nghiên cứu các giải pháp để tăng thêm nguồn vốn như: Huy động vốn từ các nguồn nhàn rỗi với lãi suất thấp hoặc không lãi. Xây dựng lộ trình cấp vốn điều lệ cho Ngân hàng chính sách trong 10 năm trên cơ sở cân đối các nguồn vốn từ ngân sách, nguồn vốn ODA, nguồn viện trợ, hoặc các nguồn vốn khác để đảm bảo cho Ngân hàng hoạt động chủ động, ổn định.
Đồng thời sẽ được tập trung nguồn vốn phục vụ sản xuất, ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng khó khăn, gắn tín dụng chính sách với mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu tăng tỷ lệ hộ nghèo được tiếp cận vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Bên cạnh đó, sẽ thiết kế lại hình thức ưu đãi cho phù hợp, theo hướng đối tượng khó khăn nhiều thì được ưu đãi nhiều, đối tượng khó khăn ít thì hưởng ưu đãi thấp hơn, trong đó giảm dần ưu đãi về lãi suất, tăng cường ưu đãi về thủ tục vay vốn và cách thức phục vụ.
. Theo Chinhphu.vn |