|
Biểu đồ tăng trưởng - lạm phát của Việt Nam 21 năm qua. |
Mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% rất khó đạt được do quý 1 chỉ đạt 4% và quý 2 dự báo chỉ đạt khoảng 4,5%. Dự báo này vừa được Chính phủ đưa ra trong báo cáo bổ sung về tình hình kinh tế xã hội năm 2011 và triển khai kế hoạch 2012.
Báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2011 và triển khai kế hoạch năm 2012 của Chính phủ để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, khai mạc vào 21.5 tới đây đã được gửi tới cơ quan thẩm tra – UB Kinh tế của Quốc hội.
Với chỉ số tăng trưởng kinh tế quý 1/2012 chỉ đạt 4%, Chính phủ cho rằng đây là mức tăng hợp lý trong điều kiện phải tập trung mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, cơ quan điều hành đất nước cũng nhìn nhận, nếu không có các giải pháp tích cực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội sẽ gặp khó khăn.
“Dự báo năm 2012 sẽ thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 10%, thậm chí thấp hơn nếu không có sự điều chỉnh chính sách hợp lý. Nhưng mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5% rất khó có thể đạt được do quý 1/2012 chỉ đạt 4% và quý 2/2012 dự báo chỉ đạt khoảng 4,5%. Sức ép về tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm rất lớn mới đạt cận dưới 6%” – báo cáo bổ sung nêu rõ.
Những dấu hiệu của suy giảm đã được cảnh báo trước đó. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại phiên họp của UB Thường vụ đầu tháng 5 cũng nhận định “giảm phát đã rất rõ ràng”. Những con số thống kê tình hình kinh tế quý I cũng làm bật vấn đề, suy giảm tăng trưởng là hệ quả của việc phải tập trung ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô để đảm bảo cho nền kinh tế phát triển bền vững trong thời gian tới.
Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết tại phiên họp Thường vụ Quốc hội thứ 7 (cuối tháng 4 vừa qua), so với cùng kỳ GDP quý 1 năm nay thấp hơn tất cả các năm (trừ 2009). Tuy nhiên, Bộ trưởng Vinh cũng khẳng định, đây là “đánh đổi” tất yếu để đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Khi đó, Bộ trưởng KH-ĐT cũng đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, ở mức 5,5% là hài hòa, còn mức 6% rất khó, nếu đạt được thì… quá tốt.
. Theo Dân Trí |