Sáng 23.5, QH thảo luận tại hội trường về dự thảo bộ luật Lao động. Đa số ý kiến đều tán thành với chủ trương: tăng lương, khống chế giờ làm thêm.
Lương phải đủ sống
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo bộ luật Lao động, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết dự thảo đã bổ sung các nguyên tắc đối với tiền lương tối thiểu theo tháng, tuần, ngày, giờ, được xác lập theo vùng, theo ngành và giao cho Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với thị trường lao động, tình hình thực tiễn của từng ngành, nghề, loại công việc trong từng thời kỳ. Điều 92 của dự thảo đã quy định nguyên tắc xác định tiền lương tối thiểu theo hai nhóm yếu tố, đó là điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động.
|
Nhiều đại biểu cho rằng lương cần đảm bảo nhu cầu tối thiểu của lao động. |
ĐB Trần Thanh Hải (TP.HCM) đề nghị luật ghi đầy đủ ba cơ sở để Hội đồng tiền lương quốc gia kiến nghị Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu đó là nhu cầu cuộc sống tối thiểu, điều kiện kinh tế, xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động. “Trong đó nhu cầu cuộc sống tối thiểu đóng vai trò cực kỳ quan trọng để trong tương lai chúng ta sẽ điều chỉnh tiền lương tối thiểu cho người lao động theo xu hướng làm cho đời sống người lao động ngày càng được cải thiện hơn”, ĐB Hải phát biểu.
Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN, phát biểu: “Lương tối thiểu của Chính phủ đưa ra mới đạt 60% thực tế, những vụ đình công chủ yếu xoay quanh mức lương tối thiểu này. Vì vậy, trong việc xây dựng thang bảng lương, cần đưa ra bù lạm phát, nếu không lương thực tế luôn thấp hơn nhu cầu sống tối thiểu”.
Xử lý nạn “vắt chanh bỏ vỏ”
Về thời giờ làm thêm, hiện vẫn có hai luồng ý kiến khác nhau. Luồng ý kiến thứ nhất, đề nghị giữ nguyên quy định của bộ luật Lao động hiện hành, làm thêm giờ nhưng không quá 4 giờ mỗi ngày, 200 giờ mỗi năm, trừ một số trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ được làm thêm không quá 300 giờ trong mỗi năm. Luồng ý kiến thứ hai, đề nghị quy định thời giờ làm thêm là 200 giờ mỗi năm, đối với một số trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ được làm thêm nhưng tối đa không quá 360 giờ mỗi năm. UBTVQH trình hai phương án, song cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ phương án 1.
UBTVQH cho rằng: việc tăng thời giờ làm thêm mà chủ yếu là trong nhóm lao động phổ thông, có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp tính không đúng mức tiền lương của người lao động trong thực tế, giảm bớt chi phí đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động khai thác sức lao động, dẫn đến hậu quả người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động.
Gọi việc bắt ép lao động làm thêm giờ đến khi họ mất sức lao động lại sa thải để tuyển dụng lao động mới là hình thức "vắt chanh bỏ vỏ", ĐB Cù Thị Hậu (Hưng Yên) phát biểu: “Tôi tha thiết đề nghị làm sao để người lao động chúng ta đỡ phải làm thêm”.
Về một số chính sách đối với lao động nữ, trong đó có thời gian nghỉ thai sản, UBTVQH đề nghị quy định người lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.
Về tuổi nghỉ hưu, tiếp thu ý kiến ĐBQH dự thảo quy định về tuổi nghỉ hưu cơ bản giữ như hiện hành, nhưng đã cho phép có thể điều chỉnh giảm đối với nhóm làm công việc nặng nhọc, độc hại, làm ở vùng cao, biên giới, hải đảo và quy định cụ thể thời gian tăng tuổi nghỉ hưu, đối với nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao; nhóm lao động làm công tác quản lý, dự thảo đã thể hiện theo hướng có thể kéo dài thời gian làm việc (nhưng không quá 5 năm) nếu tự nguyện, có sức khỏe và nhu cầu lao động để tùy theo điều kiện trong từng giai đoạn. Nghỉ tết âm lịch, dự luật điều chỉnh tăng từ 4 ngày lên 5 ngày.
. Theo Báo Thanh Niên
Chính thức đề nghị bãi nhiệm bà Hoàng Yến
Tại phiên họp kín diễn ra cuối giờ chiều qua, QH đã nghe Tờ trình của UBTVQH do Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương báo cáo đề nghị QH bãi nhiệm tư cách ĐBQH tỉnh Long An của bà Đặng Thị Hoàng Yến. Bà Yến đã có mặt tại phiên họp này, sau những ngày vắng mặt đầu kỳ họp thứ 3.
Theo nguồn tin của Thanh Niên, lý do được nêu tại tờ trình của UBTVQH tại phiên họp chiều nay là bà Yến đã không trung thực trong khai hồ sơ ứng cử, làm cho cử tri và tổ chức hiểu không đúng về tiểu sử và quá trình hoạt động của bản thân khi bầu cử ĐBQH, vi phạm điều 3 luật Bầu cử ĐBQH. Mặc dù đã có đơn xin từ nhiệm song bà Yến đã không nhận thấy thiếu sót, khuyết điểm, thể hiện nhận thức và thái độ không đúng mực, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân.
Ngoài nội dung Tờ trình, các ĐBQH cũng được phát tài liệu về hồ sơ kết quả xác minh các vấn đề liên quan đến tư cách ĐB Đặng Thị Hoàng Yến để nghiên cứu, có thêm căn cứ phát biểu trong buổi thảo luận tổ sẽ diễn ra chiều nay 24.5. Trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp, bà Yến khẳng định sẽ phát biểu tại phiên bỏ phiếu bãi nhiệm tư cách ĐB của mình vào sáng 26.5.
Chiều nay, 24.5, các đoàn ĐBQH sẽ thảo luận riêng tại đoàn để cho ý kiến về Tờ trình bãi nhiệm bà Đặng Thị Hoàng Yến. Việc bỏ phiếu bãi nhiệm sẽ được tiến hành vào sáng 26.5 tại phiên họp kín ở hội trường. Nếu có tới 2/3 số ĐBQH bỏ phiếu đồng ý, bà Yến sẽ bị bãi nhiệm. | |