|
Đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) phát biểu tại phiên họp. |
Sáng nay, 29-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giám định tư pháp.
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu dự luật do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày, một số điểm đáng lưu ý trong dự thảo lần này bao gồm việc đương sự được tự mình yêu cầu giám định tư pháp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong hoạt động tố tụng. Theo đó, Luật bảo đảm đương sự trong các vụ việc dân sự, vụ án hành chính và đương sự trong trường hợp vấn đề dân sự được giải quyết cùng với vụ án hình sự đều có quyền yêu cầu giám định tư pháp.
Về mô hình tổ chức giám định tư pháp, do còn những ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét hai phương án.
Phương án 1: Giữ như dự thảo, đồng thời Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết thi hành Luật định tư pháp, trong đó xác định rõ lộ trình chuyển giao nhiệm vụ giám định ở cấp tỉnh từ Phòng Kỹ thuật hình sự công an cấp tỉnh sang tổ chức giám định pháp y thuộc ngành y tế.
Phương án 2: Căn cứ nhu cầu và điều kiện thực tế địa phương, công an cấp tỉnh có giám định viên pháp y thực hiện giám định pháp y tử thi.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đồng tình với quy định mở rộng quyền cho đương sự trực tiếp yêu cầu giám định tư pháp nhằm tạo sự bình đẳng trong quan hệ tố tụng và phù hợp với cải cách tư pháp.
Đại biểu còn đề nghị mở rộng hơn nữa đối tượng được yêu cầu giám định tư pháp. Nên quy định đương sự trong các loại án kinh doanh, thương mại và lao động; người bị hại trong vụ án hình sự cũng có quyền yêu cầu giám định. Như vậy mới bao quát được đầy đủ các lĩnh vực xét xử, bảo vệ công lý. Tuy nhiên, để tránh việc đương sự lợi dụng sự thông thoáng này để kéo dài quá trình xét xử, trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình; đại biểu Nghĩa cho rằng chỉ nên cho phép yêu cầu giám định trong thời hạn giải quyết vụ án.
Liên quan đến mô hình tổ chức giám định tư pháp, đại đa số ý kiến phát biểu tại hội trường tán thành phương án hai, đồng nghĩa với việc giữ như hiện hành, theo đó công an cấp tỉnh có giám định viên pháp y thực hiện giám định việc pháp y tử thi.
Ủng hộ phương án này, đại biểu Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) cung cấp thêm thông tin: Qua các cuộc khảo sát tại một số địa phương do Ủy ban Tư pháp tiến hành, có thể thấy mô hình tổ chức pháp y rất khác nhau; cũng có nơi chủ yếu do y tế làm, nhưng ở nhiều nơi, tổ chức giám định pháp y của công an cấp tỉnh đã tồn tại rất lâu, trang thiết bị hiện đại, tỷ lệ thực hiện các nhiệm vụ giám định rất lớn. Ở những nơi đó thì lãnh đạo địa phương, kể cả lãnh đạo ngành y tế, đều muốn để Công an làm. Việc tồn tại hai tổ chức pháp y thực hiện các nhiệm vụ chuyên biệt cũng là hợp lý, có sự bổ trợ cho nhau.
Từ thực tế lãnh đạo ngành Công an của một thành phố lớn, đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) thẳng thắn: Công tác pháp y do Công an làm vẫn đang tốt, không có sai sót hay bức xúc gì lớn. Trong khi với điều kiện hiện nay thì đội ngũ giám định viên của ngành y tế phải nhiều năm nữa mới đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ nhanh chóng, kịp thời để phục vụ công tác điều tra.
Có quan điểm tương tự, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) nói thêm: Ngành y tế hiện nay đã quá tải, nên tập trung vào nhiệm vụ chăm sóc tốt cho sức khỏe nhân dân. Từ góc nhìn khác, đại biểu Trương Thị Yên Linh (Cà Mau) phản biện lại quan điểm trên: Ở các nước, công việc giám định tư pháp đều do ngành tư pháp và y tế làm. Công an làm dù khách quan đến đâu thì niềm tin của dân cũng không trọn vẹn. Đơn cử, trường hợp phạm nhân chết trong trại tạm giam mà lực lượng giám định của Công an đưa ra kết luận thì rất khó thuyết phục.
. Theo SGGP |