Chiều 1.6, Quốc hội (QH) đã họp phiên toàn thể cho ý kiến vào dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2013. Theo đó, UBTVQH đề nghị chương trình chính thức gồm xây dựng 30 dự án luật, 3 dự án pháp lệnh.
Trong đó tại kỳ họp thứ 5, QH thông qua 10 dự án luật, cho ý kiến vào 11 dự án luật. Tại kỳ họp thứ 6 sẽ thông qua 12 dự án luật trong đó thông qua nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và Luật Đất đai (sửa đổi), cho ý kiến vào 8 dự án luật; UBTVQH cũng đề nghị 18 dự án luật trong chương trình chuẩn bị nhưng không có dự án Luật Biểu tình.
Tập trung xây dựng bộ máy nhà nước
Báo cáo về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, UBTVQH đã giải trình về việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012.
Một vấn đề khá quan trọng trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 đó là việc sửa Hiến pháp năm 1992 theo yêu cầu của Nghị quyết ĐH Đảng XI. Về vấn đề này, UBTVQH đề nghị đưa dự án này vào chương trình tiếp tục cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6. Đối với các dự luật liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước đã được đưa vào chương trình năm 2012 để tổ chức nghiên cứu, phục vụ cho việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, UBTVQH đã đưa các dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức HĐND&UBND (sửa đổi), Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) vào chương trình chuẩn bị năm 2013. UBTVQH cũng đề nghị tiếp tục đưa các dự án Luật Tổ chức QH (sửa đổi), Luật Hoạt động giám sát của QH (sửa đổi), Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND, Luật Hoạt động giám sát của HĐND, Luật Trưng cầu ý dân vào chương trình chuẩn bị năm 2013.
Theo lý giải của UBTVQH thì chương trình chuẩn bị năm 2013 chỉ nên đưa vào các dự án liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; đồng thời, cũng cần phải tính đến số lượng các dự án thuộc chương trình chuẩn bị một cách hợp lý để bảo đảm tiến độ, chất lượng soạn thảo. Do đó UBTVQH đề nghị chưa đưa vào Chương trình chuẩn bị năm 2013 các dự án: Luật Bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Du lịch, Luật An toàn thông tin số, Luật Khí tượng, thuỷ văn, Luật Biểu tình, Luật Tố tụng lao động, Pháp lệnh thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo...
Lùi thời hạn sửa Luật Đất đai
Phát biểu thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, ĐB Chu Sơn Hà (HN) và rất nhiều ĐB khác cho rằng cần đưa dự luật Tố tụng lao động vào chương trình chuẩn bị vì kỳ này chúng ta đã thông qua Luật Lao động và Luật Công đoàn. Giải trình về việc dự luật Đất đai bị lùi thời hạn thông qua 1 kỳ họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giải trình thêm: Vấn đề đất đai là vấn đề hết sức phức tạp, vì vậy T.Ư Đảng đã giao cho Chính phủ làm rõ một số vấn đề để trình Hội nghị T.Ư vào tháng 10 năm nay sau đó T.Ư sẽ tổng kết và có nghị quyết hướng dẫn thực hiện. Chính vì vậy nếu đưa việc sửa luật vào cuối năm nay thì sẽ không đảm bảo chất lượng. Hơn thế nữa những văn bản pháp quy về đất đai hiện nay có khoảng 400 văn bản, nếu không có thời gian rà soát lại toàn bộ thì vẫn có khả năng xảy ra chồng chéo. “Vì vậy Chính phủ đã đề nghị thời hạn sửa Luật Đất đai 2003 là cho ý kiến ở kỳ thứ 5 và thông qua ở kỳ thứ 6” - Phó Thủ tướng giải thích.
Cũng về vấn đề này, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) phát biểu: 70% khiếu kiện liên quan đến đất đai vì vậy đề nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo việc hoàn thiện dự án luật, QH cần tập trung trí tuệ để luật đất đai khi được thông qua giải quyết được những mâu thuẫn, bức xúc hiện nay về đất đai. Về dự luật Biểu tình, ĐB Trương Trọng Nghĩa và một số ĐB khác đề nghị nên đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2013. Lý giải cho quan điểm của mình, ĐB Nghĩa cho rằng hiện nay người dân có những vấn đề bức xúc, nhất là bức xúc về đất đai nên đã tập trung đông người không theo quy củ nào cả. “Nếu có luật thì việc biểu thị ý chí, nguyện vọng của người dân sẽ đi vào nền nếp” – ông Nghĩa khẳng định.
.Theo Lao Động
|