|
Đại biểu Trần Du Lịch phát biểu tại hội trường |
Hôm nay, 4-6, Quốc hội họp phiên toàn thể, thảo luận tại hội trường về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại tổ (ngày 28-5) về Đề án do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày, đa số ý kiến tán thành chủ trương, sự cần thiết, phạm vi và nhiều nội dung được nêu trong Đề án và dự thảo Nghị quyết về vấn đề này.
Trong số các quy định cụ thể, ông Lý cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội quyết định chủ trương xây dựng quy trình cụ thể để thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Trong kỳ họp tới (kỳ họp thứ 4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội thông qua Quy chế về bỏ phiếu tín nhiệm để thực hiện.
Mở đầu phần thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) cho rằng: Cơ quan thẩm tra các dự án luật và pháp lệnh phải đồng hành ngay từ đầu với cơ quan soạn thảo là rất đúng, nhưng phải có quy trình cụ thể thế nào để đảm bảo tính độc lập, phản biện. Đặc biệt, đại biểu Quốc hội chuyên trách cần phải phát huy hơn nữa vai trò của mình. Tiếp xúc cử tri thì không nên chỉ tiếp xúc với cử tri ở khu vực bầu cử ra mình, mà với cử tri toàn tỉnh. Lạng Sơn đã làm như vậy và kết quả rất tốt.
Trong khi đó, đại biểu Vũ Hải Hà (Đồng Nai) bày tỏ quan tâm đến việc giám sát chi tiêu ngân sách hàng năm: Việc giám sát không chỉ để phát hiện ra sai sót mà khi thấy có bất hợp lý thì phải điều chỉnh.
Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đi sâu phân tích vì sao quy định về bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đã có hơn 10 năm qua, song việc bỏ phiếu chưa một lần được thực hiện trên thực tế. Từ đó, ĐB yêu cầu phải quy định rõ dựa vào những tiêu chí nào để kiến nghị bỏ phiếu; sửa đổi quy định phải có 20% số đại biểu Quốc hội đề nghị mới tiến hành bỏ phiếu (vì điều này không khả thi).
Nên có hai hình thức bỏ phiếu tín nhiệm: định kỳ và bất thường khi xảy ra vấn đề (thực chất là bỏ phiếu bất tín nhiệm). Chỉ nên áp dụng việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh từ bộ trưởng và tương đương trở lên; đồng thời chỉ bắt đầu bỏ phiếu từ cuối năm thứ 2 của nhiệm kỳ, nhất là đối với những người từ lĩnh vực khác sang nắm cương vị mới.
Việc tách bạch hai loại bỏ phiếu tín nhiệm như trên cũng là quan điểm của đại biểu Danh Út (Kiên Giang). Bên cạnh vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm, đại biểu Danh Út bày tỏ bức xúc về nhiều điểm bất hợp lý hiện nay trong công tác lập pháp: Ngay tại Kỳ họp này việc gửi tài liệu cho đại biểu Quốc hội nghiên cứu cũng không được thực hiện đúng quy định. Theo ông Danh Út, nhiều dự án luật pháp lệnh quan trọng, phức tạp như dự án Bộ luật Lao động sửa đổi, các biện pháp miễn giảm giãn thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp… đều được gửi đến đại biểu Quốc hội rất muộn, đại biểu Quốc hội không có thời gian nghiên cứu và có ý kiến xác đáng. Thậm chí có những dự án, báo cáo thẩm tra vừa gửi đến đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận luôn.
Đồng ý với việc tăng cường các hội nghị trực tuyến, song đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa – Vũng Tàu) yêu cầu quy định rõ việc tổ chức hội nghị trực tuyến phải có kế hoạch sớm, gửi tài liệu sớm để đảm bảo đầy đủ các thành phần tham gia, tránh việc đại biểu tham dự thưa thớt, không nghiêm túc như đã từng xảy ra tại một số hội nghị trong thời gian vừa qua.
Có cùng băn khoăn về yêu cầu phối hợp giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra trong quá trình làm luật, đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) nhận định: Phối hợp như vậy dễ đi đến thống nhất, tuy nhiên sự “thống nhất” ấy chưa phải thước đo chất lượng. Làm luật không thể thiếu sự tranh luận, phản biện. Cho nên Đề án phải quy định cách thức và mức độ phối hợp khác nhau trong quá trình xây dựng dự án luật.
Nhấn mạnh đến nguyên tắc làm việc của Quốc hội (theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số), ông Diệu cho rằng, việc tổng hợp các ý kiến đại biểu Quốc hội phải được tiến hành rất khách quan, khoa học. Mặt khác, tại diễn đàn của kỳ họp, phải tạo cơ hội công bằng, bình đẳng cho đại biểu Quốc hội ở mọi vùng miền phát biểu đầy đủ chính kiến của mình. Ý kiến diễn giải sâu của các nhà khoa học, các nhà quản lý cần được nghe ở diễn đàn khác.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) lại có cách tiếp cận khác: Đại biểu Quốc hội là đại biểu cho cử tri cả nước, bàn luận về những vấn đề quan trọng của đất nước. Nhìn nhận như thế thì việc phân chia quỹ thời gian phải khác.
Đại biểu Trần Du Lịch còn đặc biệt lưu ý đến việc Quốc hội quyết định ngân sách nhà nước hiện nay. Ông thẳng thắn: Quốc hội quyết định nhiều vấn đề, nhưng quan trọng nhất là ngân sách. Ngay từ kỳ họp giữa năm, Quốc hội cần phải quyết định được việc lĩnh vực nào, ngành nào, dự án trọng điểm nào cần được ưu tiên phân bổ ngân sách trong năm tài khóa sau, từ đó Chính phủ thực hiện và Quốc hội giám sát, kiểm tra. Chứ cứ như hiện nay thì Quốc hội chỉ hợp thức hóa những việc đã làm xong.
Đại biểu Trần Du Lịch cũng rất trăn trở về cách thức làm luật của Quốc hội hiện nay. Theo ông, hạn chế lớn nhất là việc thiếu tính đối thoại, tranh luận giữa Quốc hội với cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự án luật…
. Theo SGGP |