|
Bà Chi Lan cho rằng có thể cổ phần hóa hầu hết các doanh nghiệp Nhà nước. |
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước là bức thiết và không có lĩnh vực nào là “cấm kỵ” đối với cổ phần hóa.
- Câu chuyện nợ nần của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lại được nhắc nhiều thời gian gần đây. Theo bà đâu là nguyên nhân chính của thực trạng này?
- Nguyên nhân chủ yếu của những bê bối tại tập đoàn, tổng công ty nằm ở việc khu vực Nhà nước đang tham gia vào quá nhiều hoạt động, dự án khác nhau, ở nhiều lĩnh vực nhưng đều không hiệu quả. Theo thống kê, doanh nghiệp Nhà nước bỏ 13 đồng vốn mới thu được một đồng tăng trưởng, trong khi khối tư nhân chỉ cần nửa đồng. Con số nợ 218.000 tỷ của các tập đoàn, tổng công ty cũng từ đó mà ra và rất khó giải quyết khi mà tỷ lệ nợ ở nhiều nơi đã cao gấp 10 lần vốn chủ sở hữu.
Trước đây khi mới hình thành tập đoàn, có nhiều ý kiến cho là không cần thí điểm nhiều, chỉ dừng lại ở khoảng 2 đơn vị rồi đánh giá tất cả các mặt xem mô hình như vậy có ổn hay không, tác dụng, hiệu quả mang lại như thế nào… Nhưng việc thực hiện vẫn ồ ạt, trong khi doanh nghiệp lại hoạt động không hiệu quả, nợ nần nhiều như hiện nay.
- Những khoản nợ đó ảnh hưởng thế nào đến nợ công của Việt Nam?
- Vừa rồi WB có thống kê nợ công của Việt Nam khoảng 52% GDP. Nhưng đó là họ chưa tính hết trái phiếu của các doanh nghiệp Nhà nước phát hành. Ví dụ như Tổng công ty Lắp máy (Lilama) đang đứng trước kỳ hạn (tháng 9) phải trả hơn 900 tỷ đồng cho khoảng 2.000 tỷ trái phiếu phát hành cách đây mấy năm nhưng đang khó về nguồn trả nợ. Còn của các tập đoàn, tổng công ty doanh nghiệp nhà nước khác thì chưa biết là bao nhiêu, trách nhiệm phải trả như thế nào.
Nhìn ra thế giới thì Trung Quốc năm ngoái mới giật mình khi nợ địa phương quá lớn. Ireland trước đây cũng vỡ nợ chủ yếu do tiền vay của doanh nghiệp. Do vậy, nợ của các tập đoàn, tổng công ty cao ở Việt Nam là đáng lo, chứ không chỉ căn cứ vào tỷ lệ nợ trên GDP mà nói là an toàn.
- Bà nghĩ sao khi các doanh nghiệp cho rằng họ phải thực hiện "nhiệm vụ chính trị" nên không thể làm ăn có lãi?
- Chính bởi sự “nhập nhèm” này mà quá trình tái cơ cấu phải tách bạch nhiệm vụ của doanh nghiệp. Trách nhiệm chính trị mà họ vẫn nói đến thực chất là nhiệm vụ xã hội về thực hiện chính sách. Nhưng thực tế tôi cho rằng, việc này không hao tiền tốn của như họ vẫn kêu. Ở nước ta, tỷ lệ nghèo giảm liên tục. Hiện là 12%, so với hơn 20% trước đây thì không thể nói là số tiền hỗ trợ (về giá điện, giá viễn thông, giao thông…) cao hơn ngày xưa được. Vậy tại sao bây giờ vẫn cứ kêu là phải hỗ trợ nhiều, đó là cái không sòng phẳng, không rõ ràng.
Lẽ ra thay vì để cho các doanh nghiệp “mang tiếng” là làm chính sách, Nhà nước nên hỗ trợ thẳng cho người nghèo. Chẳng hạn như việc hỗ trợ thẳng 30.000 đồng tiền điện một tháng cho các hộ nghèo như giải pháp chống lạm phát năm ngoái. Hỗ trợ như thế thì không tốn bao nhiêu tiền mà chức năng doanh nghiệp lại được tách bạch. Còn chuyện doanh nghiệp kêu khó vì suy thoái kinh tế thì tôi cho rằng đấy là khó khăn chung, mình khó thì người ta cũng khó. Không nên lấy đó làm lý do để bao biện.
- Vậy những mâu thuẫn này được giải quyết như thế nào trong đề án tái cơ cấu doanh nghiệp mà Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ?
- Tôi có chung quan điểm với một số đại biểu Quốc hội khi cho rằng, đề án này chưa được cụ thể. Ví dụ như khi nói về tái cơ cấu, doanh nghiệp Nhà nước được chia làm 4 loại. Có loại cần giữ 100%, có loại Nhà nước giữ đa số, bán bớt cổ phần hoặc bán hẳn. Nhưng không có cái tên cụ thể nào, ngành nào trong số hơn 1.300 doanh nghiệp hiện tại được chỉ ra. Tôi và các đại biểu đều kỳ vọng ở một bức tranh cụ thể hơn.
Nếu không có một chuẩn phân loại cụ thể, đến lúc thực hiện, người ta có thể tùy nghi, bán đi vài đơn vị tượng trưng hoặc bán cổ phần ở một số rất ít ở những doanh nghiệp không quan trọng. Còn những doanh nghiệp mà thường gây ra nợ nần lớn hoặc lỗ lớn thì vẫn cứ duy trì. 12 tập đoàn kinh tế hiện nay chẳng hạn, nơi nào cần giữ 100%, nơi nào chưa cần thiết. Chẳng hạn như dệt may là một ngành hoàn toàn có thể cạnh tranh bình thường. Doanh nghiệp tư nhân, nước ngoài tham gia rất nhiều thì hà cớ gì còn phải giữ Tập đoàn Dệt may của Nhà nước.
Việc này không có ý nghĩa bao nhiêu, kể cả nói về công ăn việc làm. Họ không tạo được nhiều việc làm hơn so với doanh nghiệp tư nhân trong cùng lĩnh vực. Thế mà về hiệu quả đầu tư thì họ lại không bằng, trong khi cạnh tranh bên ngoài thì các doanh nghiệp tư nhân cũng xuất khẩu ngang ngửa. Vậy thì không có lý do để mà giữ doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực đó nữa.
- Những doanh nghiệp nào nên giữ lại chưa cổ phần hóa, thưa bà?
- Cần nhắc lại nguyên tắc là Nhà nước điều hành bằng chính sách, chứ không nhất thiết phải lập ra các đơn vị để trực tiếp kinh doanh. Bởi vậy, có rất nhiều lĩnh vực mà về lâu dài, Nhà nước không cần nắm giữ. Ví dụ như điện chẳng hạn. Với Luật Điện lực đang dự kiến sửa đổi, tư tưởng thị trường hóa dần dần đã rõ thì việc duy trì một tập đoàn là không cần thiết. Dầu khí cũng vậy khi mà Petro Việt Nam đã chấp nhận sự tham gia của nhiều đối tác.
Như vậy EVN, PVN hay ngay cả Vinacomin có thể cổ phần hóa được thì không có doanh nghiệp nào là "cấm kỵ" cả. Như vậy sẽ huy động vốn tốt từ nền kinh tế, Chính phủ không phải bỏ tiền đồng thời cũng giữ được cam kết khi gia nhập WTO. Ngoài vấn đề tài chính thì năng lực quản trị của doanh nghiệp cũng sẽ được cải thiện. Khi đó, chắc chắn sẽ không có những vụ việc như Vinashin, Vinalines…
. Theo VNE |