Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT suôn sẻ
11:12', 5/6/ 2012 (GMT+7)

Các quan chức Bộ GD-ĐT cùng các bậc phụ huynh và thí sinh thở phào nhẹ nhõm sau khi kết thúc ngày thi cuối cùng của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, kỳ thi tốt nghiệp THPT – hay cứ nôm na gọi là thi tú tài – cũng đặt câu hỏi về sự “tồn tại hay không tồn tại” của một kỳ thi vốn quá mệt mỏi với thí sinh, mệt với phụ huynh, mệt với cơ quan chủ quản… khi mà kết quả thi chắc chắn sẽ cao ngất ngưởng.

Ngày cuối: Mừng vì đề dễ

Tại TPHCM, buổi sáng sau khi thi môn Toán, người ta dễ dàng nhận thấy vẻ mặt phấn khởi, hồ hởi của nhiều thí sinh (TS). Các em vui cũng phải vì như Mai Thi, thi tại Hội đồng thi Nguyễn An Ninh thổ lộ: “Các dạng trong đề thi rất sát với chương trình đã học, cách ra đề không khác nhiều so với các dạng đề đã học trong SGK. Tụi em chỉ cần nắm các kiến thức cơ bản lúc học đã có thể đạt điểm 7-8”. Ở hội đồng thi Lê Hồng Phong, TS Tiến Đạt cho biết, chỉ cần 45-60 phút là em gần như hoàn thành đề thi và em kỳ vọng sẽ đạt được điểm 10 môn Toán. Theo ghi nhận của phóng viên, tại các Hội đồng thi Nguyễn An Ninh, Hùng Vương, Lê Hồng Phong, các TS đều tỏ ra phấn chấn với đề thi môn Toán. Nhiều TS nhận định đề thi rất cơ bản, không đánh đố. Có những câu phân loại học sinh nhưng mức độ khó là không nhiều.

 
Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, TPHCM vui mừng sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012.

Buổi chiều chờ con thi tiếng Anh, chị Nguyễn Thị Hồng, có con học tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đang thi tại hội đồng thi Trường THCS Minh Đức chia sẻ: “Nhà ở tận Tân Bình phải đi thi tại quận 1, sợ bị kẹt xe trễ giờ thi nên tôi phải chở con đi từ 5 giờ sáng. Ba bữa thi cả con và mẹ đều hốc hác do thiếu ngủ và lo lắng. Thấy thằng bé lo học mà thương. May mà cả 3 ngày thi nó đều làm bài được nên cũng đỡ lo”. Thi xong lại… lo kỳ thi tới, con chị Hồng chỉ kịp nói chuyện với mẹ mấy câu rồi hối mẹ chở qua chỗ học luyện thi tại một trung tâm dạy văn hóa ở quận 1 để ôn thi chuẩn bị cho kỳ thi đại học sắp tới. Buổi thi cuối ở môn tiếng Anh, hầu hết các thí sinh đều cho biết: không lo bị điểm thấp vì đề thi tương đối dễ, lại thi theo hình thức trắc nghiệm nên làm bài không vất vả như các môn trước.

Môn tự nhiên “kéo điểm” môn xã hội

Về đề thi môn Toán, cô Đào Thị Thu Vân, Tổ phó tổ Toán, Trường THPT Lý Thường Kiệt, TPHCM cho biết: “Tất cả câu hỏi của đề Toán năm nay đều rơi vào các dạng bài tập cơ bản, nằm trong chương trình sách giáo khoa, không mang tính chất đánh đố, đòi hỏi TS phải có khả năng phân tích, suy luận nhiều. TS có học lực trung bình chỉ cần học bài nghiêm túc cũng có thể dễ dàng đạt điểm 6, 7. Riêng những em khá, giỏi có thể hoàn thành xuất sắc bài thi trong vòng 60 phút (thời gian làm bài của môn Toán là 90 phút – PV)”.

Đồng quan điểm, Thạc sĩ Đỗ Công Đoán, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Thực hành TPHCM nhận định: “Đề thi năm nay chỉ có 1-2 câu mang tính chất đánh giá, phân loại TS. Đơn cử như câu yêu cầu tính toán logarit, do nằm trong chương trình học kỳ 1 lớp 12 nên nếu không ôn tập kỹ, nhiều bạn sẽ dễ quên”. Song, nhìn chung đề thi năm nay được hầu hết TS và giáo viên đánh giá vừa sức, bám sát chương trình sách giáo khoa, phù hợp với yêu cầu của một đề thi tốt nghiệp. Ngoài ra, nhiều người cũng nhận định, đề thi Toán nói riêng và các môn tự nhiên khác nói chung năm nay tương đối nhẹ nhàng, nếu vận dụng tốt sẽ giúp thí sinh “kéo điểm” cho các môn xã hội.

Về môn thi tiếng Anh, cô Vũ Mỹ Lan, Tổ trưởng bộ môn Anh, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM nhận định, đề thi năm nay tiếp tục bám sát chương trình sách giáo khoa, các đề mục ngữ pháp đều đơn giản, không xa lạ với đại bộ phận học sinh. Trong đề chỉ có khoảng 2-3 câu mang tính chất phân loại, đánh giá, đòi hỏi TS phải có khả năng vận dụng, tổng hợp kiến thức. Tuy nhiên, nếu làm bài cẩn thận, các em vẫn có thể đạt điểm 9, 10.

Riêng đối với môn Vật lý của hệ GDTX (thay cho môn Ngoại ngữ của hệ phổ thông), dù đã có chuông báo kết thúc giờ làm bài nhưng ở nhiều hội đồng thi, TS vẫn chưa hoàn thành hết 40 câu hỏi trắc nghiệm. Em Nguyễn Thanh Thảo, TS tại Hội đồng thi THPT Gò Vấp, TPHCM cho biết: “Đề thi năm nay có quá nhiều câu tính toán, kiến thức trải dài trong suốt chương trình nên tụi em chỉ làm được khoảng 2/3 đề. Không kịp làm bài nên cuối giờ, nhiều bạn quýnh quáng đánh đại vô các đáp án cầu may, mong kiếm thêm chút điểm”.

----------------------------------------------------------------------------------------------

Chấm thẩm định bài thi tốt nghiệp

Chiều 4.6, tại buổi họp báo đánh giá sơ bộ kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT nhận định: “Tuy còn một số hạn chế, thiếu sót nhưng nhìn chung, kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế”. Thế nhưng, khi báo giới phản ánh vẫn còn nhiều tài liệu được mang vào và được sử dụng trong phòng thi, nhưng thí sinh (TS) chỉ bị giám thị nhắc nhở, thu hồi tài liệu mà không bị đình chỉ (tình trạng này trái ngược hẳn với báo cáo của bộ đưa ra là cả nước chỉ có 34 TS bị đình chỉ thi và chỉ có 8 giám thị bị đình chỉ công tác coi thi).

Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT nói: “Bộ rất quan tâm tất cả các hiện tượng có dấu hiệu vi phạm quy chế, tiêu cực như báo chí phản ánh nhưng để xử lý cần có chứng cứ cụ thể”. Tuy vậy, ông Bằng cũng thừa nhận “cũng có nơi nọ nơi kia chưa chặt chẽ trong công tác coi thi. Chúng ta đang cố gắng thi cử nghiêm túc nhất, nhưng chưa thể đảm bảo 100% Hội đồng coi thi đều làm thật nghiêm. Tinh thần của bộ là khi phát hiện ra đều xử lý rất nghiêm. Tất cả các phản ánh về tiêu cực của báo chí, nếu có chứng cứ cụ thể bộ sẽ xử nghiêm”.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: “Bộ không cho phép địa phương nào viết lại hướng dẫn chấm thi của bộ, địa phương chỉ được hướng dẫn cụ thể hơn cho giám thị về hướng dẫn chấm thi của bộ. Đơn vị nào sai sẽ phải chịu trách nhiệm. Năm nay bộ sẽ nâng số lượng bài chấm chung so với năm trước để đảm bảo chấm đều tay. Thanh tra bộ sẽ chấm lại số lượng bài nhất định, khoảng 5% bài đã chấm để xem việc chấm thi có đảm bảo đúng hướng dẫn chấm thi của bộ hay không”.

Ông Trần Văn Kiên, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT: Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT, duyệt và thông báo kết quả tốt nghiệp THPT vẫn là Sở GD-ĐT. Nhưng rút kinh nghiệm các năm trước (sở tự thông báo kết quả tốt nghiệp), năm nay bộ yêu cầu sau khi chấm xong, sở phải thông báo về bộ kết quả tốt nghiệp trước khi niêm yết danh sách thông báo cho TS.

Trả lời câu hỏi của PV Báo SGGP về việc năm nay tình trạng “phao” thi, quay cóp tài liệu trong phòng thi vẫn diễn ra nhiều và được giám thị làm lơ, ông Bằng phát biểu: “Quan điểm của tôi là năm nay “phao” thi đã hạn chế rất nhiều so với năm trước”. Cũng chuyện “phao” thi, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Không phải tất cả giấy tờ vất ra ngoài phòng thi đều là “phao” thi. Vấn đề là có sử dụng “phao” thi hay không, từ đó mới kết luận là coi thi có nghiêm túc hay không”. Tuy nhiên ông cũng cho rằng các trường cần nghiêm túc rút kinh nghiệm về vấn đề này, không để các TS mang “phao” thi vào khu vực thi. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng khẳng định sẽ tổ chức chấm thẩm định bài thi tốt nghiệp, nhất là đối với những nơi phát hiện dấu hiệu bất thường.

Dù vậy, những trả lời của lãnh đạo Bộ GD-ĐT vẫn không thuyết phục được báo giới. Nhiều ý kiến cho rằng, bộ cần xem xét việc có nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT tốn kém, không thực chất như hiện nay hay không? Về điều này, ông Hiển cho rằng, không nước nào không tổ chức thi, quan trọng là thi theo hình thức nào là phù hợp, ít tốn kém, đảm bảo đánh giá đúng. “Mục đích thi không phải là đánh trượt TS, mà nhằm đánh giá hiệu quả của kỳ thi có phản ánh đúng, sát chất lượng việc dạy và học của học sinh hiện nay hay không. Từ đó sẽ tác động trở lại phương pháp dạy và học”, ông Hiển lý giải, đồng thời cho rằng bộ vẫn đang nghiên cứu để đổi mới thi cử hợp lý nhất.

  • Theo SGGP
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Mọi tập đoàn đều có thể cổ phần hóa”  (04/06/2012)
Thí sinh thở phào vì đề Toán dễ  (04/06/2012)
Đảm bảo tính độc lập, phản biện khi thẩm tra dự án luật  (04/06/2012)
Họp nhóm công tác liên hợp tỉnh biên giới Việt-Trung  (04/06/2012)
Tuần làm việc thứ 3, kỳ họp thứ 3 QH khóa XIII: Giám sát đầu tư công vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn  (04/06/2012)
Phát động chiến dịch bảo vệ môi trường  (03/06/2012)
Nhiều chính sách “kích” nhà đất  (03/06/2012)
“An ninh quốc phòng” vào đề thi Địa lý  (03/06/2012)
Giá xăng sẽ giảm tiếp?  (03/06/2012)
Cảnh giác với thủ đoạn lừa tiền qua thẻ ATM  (03/06/2012)
Sẽ có Hiến pháp 2013   (02/06/2012)
500.000 tỉ đồng sẽ được “bơm” vào bất động sản  (01/06/2012)
Có thể hạ lãi suất huy động xuống 9%/năm  (01/06/2012)
Sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT  (01/06/2012)
Kiên trì các mục tiêu đã đề ra, kiềm chế lạm phát  (01/06/2012)