Quốc hội giám sát đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn
14:54', 5/6/ 2012 (GMT+7)

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu.

Sáng 5.6, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giám sát kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và thảo luận về báo cáo này. Phạm vi giám sát tập trung chủ yếu vào việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ năm 2006 đến năm 2011. Đối tượng giám sát là các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố. 

Qua quá trình giám sát, Ủy ban kinh tế ghi nhận, vốn đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn từng bước được nâng lên. Nhiều địa phương đã có các giải pháp huy động vốn đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp, tạo cơ chế để người dân đóng góp bằng tiền, hiến đất và lao động trực tiếp để đầu tư xây dựng cầu, đường, trường học, nhà ở… Nhờ đó, cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đã được quan tâm đầu tư xây dựng, tác động tích cực cho phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, góp phần nâng cao đời sống nông dân, cải thiện diện mạo nông thôn…

Tuy nhiên, từ báo cáo của các bộ, ngành, địa phương và kết quả giám sát tại chỗ, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã nêu rõ một số hạn chế, yếu kém chủ yếu. Trong đó, nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn rất thiếu so với nhu cầu. Công tác lập và thực hiện quy hoạch còn hạn chế, chưa sát thực tế; tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao vẫn còn phổ biến; một số nơi việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật và pháp luật trong đầu tư chưa nghiêm túc, còn để xảy ra sai phạm trong quản lý đầu tư; chưa thực hiện tốt cơ chế dân chủ và phát huy sức mạnh tổng hợp của người dân trong tổ chức thực hiện đầu tư.

Về phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; hình thức liên kết, liên doanh “bốn nhà” trong nông nghiệp chưa gắn chặt trách nhiệm để làm cơ sở phát triển bền vững…

Thống nhất với nhận định của Báo cáo cho rằng, đã có rất nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) phân tích thêm, với một “rừng” văn bản như thế thì sự chồng chéo, trùng lắp rất dễ xảy ra. Đại biểu dẫn chứng: về đầu tư xây dựng nhà ở cho đồng bào vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long đã có tới 5 quyết định của Thủ tướng. Trong khi đó, những chính sách có tính đột phá về khoa học công nghệ nông nghiệp lại rất thiếu, khiến cho nông nghiệp nước nhà không có tính cạnh tranh cao. Hoạt động khuyến công chưa hiệu quả, trong khi công nghiệp có liên hệ hữu cơ với nông nghiệp hiện đại.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Bình Định) thì nhận định, để có được một nền nông nghiệp hàng hóa phải có hệ thống chính sách đồng bộ về đất đai, tín dụng, thuế, năng lượng. Do đó, một ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới là bổ khuyết để hoàn chỉnh khung pháp luật này. Mặt khác, để tránh những “cú sốc” thị trường như thịt heo có chất cấm, gây thiệt hại rất lớn cho người dân, công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực thú y, bảo vệ thực vật cần được siết chặt.

Trăn trở về việc sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam chưa vươn tới chất lượng cao, xuất khẩu kém giá so với sản phẩm tương tự của Thái Lan, đại biểu Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) chỉ ra nguyên nhân là do chưa có quy hoạch sản phẩm mũi nhọn theo vùng miền, chưa đầu tư xứng đáng để nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu. Để tạo điều kiện cho nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn lớn, kinh doanh lâu dài, chính sách hạn điền phải thay đổi. Thời gian sử dụng đất nông nghiệp nên dài hơn, khoảng 50 năm.

Đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) lại quan tâm đến những bất hợp lý trong quá trình triển khai thực hiện chính sách. Văn bản hướng dẫn chậm, thi hành cũng chậm. Đơn cử là chủ trương thu mua lúa tạm trữ vừa qua được triển khai khi người dân đã bán hết lúa.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) lại quan tâm đến một vấn đề khác mà bà cho là chưa được đề cập trong báo cáo giám sát. Đại biểu đề nghị bổ sung nội dung đánh giá công tác đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn…

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về Báo cáo giám sát này.

Một số kiến nghị sau giám sát:

- Đề nghị Quốc hội sớm xem xét, ban hành các luật như: Luật Đầu tư công, mua sắm công, Luật Quy hoạch, Luật Thủy lợi, Luật Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Luật Vệ sinh môi trường, Luật Thú y, Luật Bảo hiểm nông nghiệp...

Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định của pháp luật về đất đai ngân sách nhà nước, đấu thầu, đầu tư, xây dựng, hợp tác xã, lao động, hoạt động giám sát, dạy nghề, nhà ở, doanh nghiệp. Tăng ngân sách nhà nước cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đảm bảo 5 năm sau cao gấp 2 lần 5 năm trước.

- Đề nghị Chính phủ thực hiện giao kế hoạch đầu tư trung hạn, trước mắt là kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2012- 2015. Thực hiện sửa đổi cơ chế, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư, bổ sung các cơ chế, chính sách đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn thông qua tiêu chí phân bổ vốn đầu tư.

Nâng cao chất lượng lập, quản lý và thực hiện quy hoạch; có chính sách cân đối bố trí vốn theo định hướng khung kế hoạch hoặc kế hoạch 3-5 năm và giao quyền chủ động cho địa phương phân bổ chi tiết cho từng dự án, công trình cụ thể theo tiêu chí quy định và dưới sự giám sát, kiểm tra theo chức năng, trách nhiệm của Bộ, ngành trung ương.

Tập trung đầu tư đến năm 2015 hoàn thiện cơ bản hệ thống thủy lợi, bảo đảm tưới tiêu chủ động cho diện tích lúa hai vụ, các vùng cây công nghiệp và nguyên liệu, nuôi trồng thủy sản tập trung.

Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ một phần và có cơ chế huy động nguồn vốn để thực hiện duy tu, bảo dưỡng công trình nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn; xây dựng các mô hình quản lý các công trình hạ tầng có hiệu quả, bền vững để nhân rộng, phổ biến.

(Trích Báo cáo giám sát kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn)

. Theo SGGP

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
TPHCM kỷ niệm 101 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước  (05/06/2012)
Đánh giá cao nỗ lực ổn định kinh tế của Chính phủ   (05/06/2012)
Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT suôn sẻ  (05/06/2012)
“Mọi tập đoàn đều có thể cổ phần hóa”  (04/06/2012)
Thí sinh thở phào vì đề Toán dễ  (04/06/2012)
Đảm bảo tính độc lập, phản biện khi thẩm tra dự án luật  (04/06/2012)
Họp nhóm công tác liên hợp tỉnh biên giới Việt-Trung  (04/06/2012)
Tuần làm việc thứ 3, kỳ họp thứ 3 QH khóa XIII: Giám sát đầu tư công vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn  (04/06/2012)
Phát động chiến dịch bảo vệ môi trường  (03/06/2012)
Nhiều chính sách “kích” nhà đất  (03/06/2012)
“An ninh quốc phòng” vào đề thi Địa lý  (03/06/2012)
Giá xăng sẽ giảm tiếp?  (03/06/2012)
Cảnh giác với thủ đoạn lừa tiền qua thẻ ATM  (03/06/2012)
Sẽ có Hiến pháp 2013   (02/06/2012)
500.000 tỉ đồng sẽ được “bơm” vào bất động sản  (01/06/2012)