|
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận (giữa) (Ảnh: Lê Hà-Trung Dũng/Vietnam+) | Giải thưởng Thế giới Cino del Duca lần đầu tiên được trao tặng cho một người Việt - Giáo sư vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận, Đại học Virginia (Mỹ).
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, chiều 6.6 tại Viện Pháp quốc, trung tâm thủ đô Paris-Pháp, diễn ra buổi lễ trọng thể trao các giải thưởng Thế giới lớn thường niên năm 2012 cho các nhà nghiên cứu, các viện sỹ, giáo sư có nhiều cống hiến và đóng góp đối với sự phát triển của các ngành khoa học.
Đặc biệt năm nay, Giải thưởng Thế giới Cino del Duca lần đầu tiên được trao tặng cho một người Việt - Giáo sư vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận, Đại học Virginia (Mỹ). Ông được vinh danh với hai tư cách vừa là nhà khoa học vừa là nhà văn.
Theo Viện Pháp quốc, giải thưởng này trị giá 300.000 euro, nhằm vinh danh các tác giả Pháp hoặc nước ngoài có những công trình nghiên cứu trong các lĩnh vực văn học hay khoa học, với tinh thần của một thông điệp nhân văn hiện đại.
Giải thưởng Thế giới Cino del Duca là một giải văn học. Mỗi năm tổ chức Fondation Simone et Cino del Duca còn có riêng hai giải khác là Giải Khoa học và Giải Khảo cổ học. Từ năm 2005 đến nay Viện Pháp Quốc được trao toàn quyền tuyển chọn người được trao giải Thế giới Cino del Duca.
Đây cũng là lần đầu tiên giải thưởng này được trao tặng cho nhà khoa học viết văn, mà không phải là một nhà văn thuần túy.
Là một nhà nghiên cứu vật lý thiên văn tại Mỹ, nhưng công trình phổ biến khoa học của ông Trịnh Xuân Thịnh lại bằng tiếng Pháp. Ông là người Việt Nam đầu tiên và là người châu Á thứ hai được các viện sỹ hàn lâm Pháp vinh danh.
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận sinh ra tại Hà Nội vào năm 1948, ông theo học chương trình Pháp ở trường trung học Jean-Jacques Rousseau ở Sài Gòn (nay là trường Lê Quý Đôn). Tốt nghiệp phổ thông năm 1966, ông qua Thụy Sĩ học kỹ sư ở Lausanne. Một năm sau ông quyết định theo học ngành vật lý thiên văn tại Viện Công nghệ California, rồi tại đại học Princeton, bang New Jersey (Mỹ).
Sau khi hoàn thành luận án tiến sỹ tại Princeton, ông bắt đầu giảng dạy ở Đại học Virginia từ năm 1976, và trở thành một chuyên gia nổi tiếng thế giới về ngành thiên văn học ngoài dải Ngân Hà.
Ông là người đã phát hiện ra thiên hà trẻ nhất được biết đến trong vũ trụ hiện nay, nhờ việc nghiên cứu các quan sát do kính viễn vọng không gian Hubble thực hiện. Đó là thiên hà I Zwicky 18.
Đến nay, giáo sư Thuận đã cho ra mắt hơn một chục tác phẩm, mà quyển sau cùng là "Vũ trụ và Hoa sen", xuất bản năm 2011, vừa được trao giải Louis Pauwels 2012.
Theo đánh giá của Viện Pháp quốc, các tác phẩm của ông thể hiện một cái nhìn phức hợp và tinh tế của một nhà khoa học và một người có đức tin về vũ trụ và vị trí của con người trong vũ trụ.
Viện Pháp quốc cũng trân trọng mục tiêu mà giáo sư Thuận đề ra là giúp người thường hiểu được những yếu tố cao siêu và khó hiểu nhất của thế giới xung quanh, thông qua những suy tư mang tính triết học và thần học. Một số các đồng nghiệp của Viện Pháp quốc cho rằng : "Nhờ tính độc đáo của công trình ông thực hiện, cũng như của sứ mệnh ông đề ra, Trịnh Xuân Thuận đã hướng tới những con người bình dị, ham hiểu biết nhưng không có kiến thức khoa học, sao cho lịch sử của vũ trụ trở nên dễ hiểu đối với với họ."
Với những nỗ lực không mệt mỏi trong việc phổ cập khoa học, Giáo sư Trịnh Xuân Thuận đã được nhận Giải thưởng Kalinga do Tổ chức Liên hợp quốc về văn hóa, khoa học và giáo dục (UNESCO) trao tặng vào năm 2009.
Trước đó, công trình "Cái vô hạn trong lòng bàn tay : Từ Big Bang đến giác ngộ" (2000) đã đoạt giải Văn học châu Á 2000 của Hiệp hội các nhà văn Pháp ngữ.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Pháp sau buổi lễ nhận giải thưởng, giáo sư Thuận đã bày tỏ niềm xúc động và tự hào khi mình là người Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng thế giới lớn này do Viện hàn lâm Pháp trao tặng.
Theo giáo sư Thuận, khi trình bày các công trình nghiên cứu khoa học của mình, ông luôn cố gắng viết bằng tiếng Pháp theo một cốt truyện như một cuốn tiểu thuyết để làm sao đó mang đến cho các độc giả nhất là nhà nghiên cứu khoa học sự thích thú, miền say mê văn chương và bị cuốn hút theo cốt truyện đó xem nó kết thúc ra sao.
Đây cũng chính là sự thành công của ông mà không phải nhà khoa học nào cũng có được. Chính điều này đã giúp ông chinh phục được ban giám khảo Viện Pháp quốc gồm 14 viện sỹ hàn lâm, do bà Hélène Carrère d’Encausse, Thư ký Viện Hàn lâm Pháp làm chủ tịch.
Viện Pháp quốc là biểu tượng của tinh hoa, trí tuệ nước Pháp hiện nay, thường được mệnh danh là Nghị viện của các nhà bác học Pháp. Viện được hình thành từ năm 1795, gồm 5 viện hàn lâm khác nhau của Pháp. Nổi tiếng nhất và lâu đời nhất là Viện Hàn lâm Pháp thành lập năm 1635, tập hợp các viện sỹ xuất thân từ nhiều ngành.
. Theo Vietnam+ |