Từ hôm nay 11.6, trần lãi suất huy động VNĐ sẽ giảm còn 9%/năm; trần lãi suất cho vay cũng được điều chỉnh xuống còn 13%/năm. Tuy vậy, theo các chuyên gia kinh tế, hiện dòng vốn của nền kinh tế giống như hệ tuần hoàn có cục máu đông nằm trong động mạch, tĩnh mạch. Cục máu đông đó là nợ xấu ngân hàng và nếu không giải quyết được thì lãi suất dù hạ tới đâu cũng không giúp được doanh nghiệp (DN). Đại biểu Quốc hội, TS Trần Du Lịch (ảnh) trao đổi với PV Báo SGGP về vấn đề này.
Làm ấm thị trường bất động sản
Phóng viên: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa đề xuất thành lập công ty mua bán nợ xấu của các ngân hàng. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?
TS TRẦN DU LỊCH: Trong điều kiện Việt Nam với tình hình như hiện nay thì thị trường không thể tự xử lý được nợ xấu. Nếu không xử lý được nợ xấu ở mức nào đó không thể nào đưa tín dụng vào nền kinh tế được. Như tôi đã phát biểu tại diễn đàn Quốc hội, nợ xấu giống như “cục máu đông” trong mạch máu, vì vậy dù có bơm gì thì cũng không đi được. Tôi theo quan điểm NHNN, nên chủ động thiết lập một định chế của Nhà nước trong vấn đề mua nợ xấu. Đặc biệt những khoản nợ xấu bất động sản (BĐS). Dĩ nhiên không mua tất cả, với bất cứ giá nào.
Tôi đã từng báo động bong bóng BĐS từ năm 2008, giờ hệ quả của nó đã rõ. Bong bóng BĐS đã đẩy giá đất đai lên quá xa so với giá thị trường của nó, tài sản tài chính và tài sản thực cách biệt nhau quá xa, nó giống như bọt của ly bia. Nhưng hiện nay một phần bọt bia đó lại là tài sản đang thế chấp. Vì vậy, ngay cả khối này muốn mua nợ cũng phải tính toán, không phải mua tất cả. Nhưng đó là tác động để giảm dần cục máu đông, giảm đến đâu dòng máu nền kinh tế, thanh khoản sẽ thông đến đó.
Dĩ nhiên mua nợ là mua nợ của DN đối với ngân hàng, chứ không phải mua nợ của ngân hàng. Như vậy sẽ giải được bài toán nợ của DN, giúp DN tái cấu trúc lại được vấn đề tài chính của họ, giảm phần nợ và áp lực về lãi để DN tự phát triển lên. Và tất nhiên, chỉ mua được đối với DN có nợ nhỏ hơn tổng tài sản, còn đã lớn hơn tổng tài sản thì hết cách rồi.
* Việc giải cứu BĐS lúc này có gây hại cho nền kinh tế?
Tôi không nói là giải cứu BĐS. Không ai đi giải cứu BĐS lúc này, mà phải để thị trường tự điều chỉnh. Làm ấm những nơi cần làm ấm, còn không thể phá tảng băng BĐS được, sẽ gây lũ ngay. Chỉ làm ấm từng mảng, tăng dần.
* Như ông nói, khối nợ xấu BĐS có một phần thế chấp là “bọt” chứ không phải “bia”. Vậy khi mua bán nợ thì định giá thế nào được?
Đó là chuyện của công ty mua bán nợ, chắc chắn họ phải tính toán. Công ty của tư nhân có thể hướng tới lợi nhuận tối đa, còn Nhà nước lập ra là để tháo gỡ, giảm cục máu đông như tôi đã nói, giúp cho nền kinh tế phát triển. Nếu đặt mục tiêu đó thì cách mua bán sẽ khác, nếu là tư nhân lập thì không ai chịu lấy cái “bọt” đó cả, thậm chí họ phải lấy tận xuống phần “bia”, nếu vậy sẽ giết chết nền kinh tế.
Nợ xấu không chỉ ở DNNN
* NHNN dự tính lập công ty mua bán nợ này khoảng 100.000 tỷ đồng, liệu có làm được?
Tôi cho là trong điều kiện hiện nay, với mức đó thì làm được, còn nguồn nào thì như tôi đã nói, NHNN không cần phải đưa tiền mặt ra mà vẫn có những công cụ tiền tệ để làm được. Tôi chắc chắn 100.000 tỷ đồng này không phải là tiền in thêm ra. NHNN có những công cụ tiền tệ mà không phải đưa tiền mặt ra nhưng vẫn tạo thanh khoản được.
* Rất nhiều nợ xấu tập trung ở DNNN, xử lý thế nào?
Tôi cho là nợ xấu không tập trung ở DNNN, chỉ một phần thôi, còn ở DN tư nhân rất lớn. Riêng nợ xấu của DNNN thì Nhà nước nên xử lý theo cách khác. Còn công ty mua bán nợ xấu theo tôi chủ yếu tập trung ở khu vực tư nhân. Đối với DNNN, cũng có thể lựa chọn một số tham gia mua bán nợ nhưng dạng khác. DNNN vay nợ không thế chấp tài sản, vì vậy không thể mua bán mà phải xử lý cách khác.
* NHNN nên mua lại nợ xấu của DN với giá như thế nào?
Không ai có thể tính toán được. Khoản nợ đó bản thân nó đã rất phức tạp, chúng ta chưa có kinh nghiệm nhiều trong xử lý việc này nên phải học tập các nước cách làm. Nhưng quan điểm chung là Nhà nước lập ra không phải để cho công ty mua bán nợ tối đa lợi nhuận, mà vì sự phát triển để giải quyết vấn đề.
* Lãi suất đã hạ xuống 9% và trần lãi suất cho vay cũng xuống còn 13%/năm, đó là tín hiệu tích cực với DN?
* Vấn đề hiện nay không phải lãi suất hạ mà là cục máu đông, nếu cục máu đông này không trung chuyển được thì có hạ lãi suất nữa dòng tiền cũng không chảy được. Lãi suất thấp đến mấy nhưng DN không trả được nợ thì không ai cho vay. Ngân hàng thương mại hiện nay chỉ lo tập trung thu hồi nợ chứ không phải là cho vay.
* Có nên thu hút nước ngoài vào thị trường mua bán nợ?
Với đặc thù Việt Nam hiện nay, tôi không nghĩ các thành phần kinh tế khác có thể mua bán nợ trong điều kiện nợ như thế này. Vì loại nợ này không béo bở. Đối với DN đứng trước nguy cơ phá sản, mất trắng, trên thế giới đã xảy ra việc nợ 100 đồng nhưng tôi chỉ mua 20 đồng. Nhưng Việt Nam không làm vậy. Hiện Bộ Tài chính cũng đã có công ty mua bán nợ và đã làm ở một số lĩnh vực (ví dụ Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An). Những cách làm này tôi cho là mang tính hỗ trợ nhiều hơn. Thực sự nhiều DN tư nhân, nhất là trong lĩnh vực sản xuất hiện nay có những khó khăn, tuy có lỗi của họ, nhưng phần nào đó là do bất ổn vĩ mô gây ra, vì vậy Nhà nước nên hỗ trợ họ, nhất là đối với DN sản xuất có nhiều lao động.
* Xin cảm ơn ông!
. Theo SGGP |