|
Lãi suất tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng của các ngân hàng đang tăng. |
Lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đang tăng nhanh. Tình trạng bị hút vốn đang xảy ra có thể kéo theo một cuộc chạy đua "vượt rào" lãi suất.
Trong đợt điều chỉnh lãi suất lần này, Ngân hàng (NH) Nhà nước cho phép các NH thương mại tự định đoạt lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng để cân đối cung - cầu nguồn vốn. Từ đây, một số NH thương mại cổ phần (TMCP) đang đẩy lãi suất huy động kỳ hạn từ 12 tháng leo thang mỗi ngày.
Lập đỉnh 14%/năm
Bốn ngày sau khi trần huy động mới 9%/năm được áp dụng, trong khi các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng thẳng băng ở mọi NH, thị trường đang ghi nhận một cuộc chạy đua lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn dài. Chẳng hạn, ngày 11-6, mức lãi suất gửi cao nhất là 11%/năm cho kỳ hạn trên 12 tháng. Đến ngày 12-6, một số NH như ACB, SCB... tiếp tục đẩy lên 12%/năm cho kỳ hạn 36 tháng.
Ngày 14.6, nhân viên tư vấn NH TMCP Phương Tây trên đường Khánh Hội, quận 4 - TPHCM cho biết mức lãi suất cố định cao nhất kỳ hạn 13 tháng mà NH vừa áp dụng là 14%/năm với điều kiện khách hàng không rút trước hạn. Các khoản tiền gửi kỳ hạn 12-13 tháng tại NH này cũng từ 13% đến 13,5%/năm. Nhân viên này cho biết dù mới triển khai được một ngày nhưng nhiều khách hàng thấy lãi suất cao đã chọn gửi kỳ hạn dài giúp lượng khách đến gửi tiền tăng đáng kể.
Trong lúc trần lãi suất huy động liên tục giảm mạnh trong vòng 3 tháng qua từ mức 14%/năm xuống còn 9%/năm, việc đẩy mạnh lãi suất huy động kỳ hạn dài có thể giúp các NH thu hút lượng tiền gửi từ người dân. Tuy nhiên, lãnh đạo một NH cho rằng có thể trước đây một số NH cho vay trung và dài hạn nhiều nhưng lại huy động ngắn hạn, nên nay phải đẩy lãi suất kỳ hạn dài lên cao để thu hút khách gửi tiền nhằm cân đối lại nguồn vốn hoặc đưa lãi suất huy động kỳ hạn dài lên cao để "dễ ăn nói" với doanh nghiệp khi ấn định lãi suất cho vay ở mức cao.
Khó xử lý triệt để
Theo ông Phạm Thanh Hà, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng đang có sự khác biệt giữa các NH. "Các mức lãi suất huy động 12%/năm kỳ hạn trên 12 tháng có thể chưa phản ánh đúng bản chất của thị trường nên chúng tôi đang quan sát diễn biến" - ông Hà cho biết.
Theo ghi nhận của phóng viên, sau khi trần lãi suất huy động về 9% năm với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng, lượng khách đến giao dịch tại các NH lớn vẫn ổn định. Ngược lại, một số NH nhỏ đang có dấu hiệu bị sụt giảm lượng tiền gửi. Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Phát triển TPHCM (HDBank) Phạm Thiện Long cho hay từ lúc có trần lãi suất mới, lượng khách đến gửi tiền có giảm nhưng không nhiều.
Lãnh đạo một NH TMCP ở TPHCM tiết lộ sát thời điểm áp dụng trần lãi suất mới (ngày 11.6), khách hàng đến gửi tiền tăng đột biến giúp tiền huy động vào tăng hơn 100 tỉ đồng/ngày. Tuy nhiên, từ đầu tuần đến nay, lãi suất về 9%/năm, lượng tiền gửi đang giảm, có ngày giảm 40 tỉ đồng… "Ngoài việc khách hàng rút tiền gửi qua NH lớn do tâm lý, không loại trừ khả năng một số NH bạn tiếp tục "xé rào" lãi suất, khách hàng chạy qua chỗ có lãi suất cao hơn để gửi gây thiệt cho NH chấp hành đúng quy định" - vị lãnh đạo NH này lo ngại.
Để giữ chân khách hàng, một vài NH đành bấm bụng tặng thêm 0,6%-0,7% lãi suất bằng nhiều hình thức như quà tặng, trả trực tiếp tiền mặt tại quầy… Một lãnh đạo NH Nhà nước thừa nhận tình trạng "xé rào" rất khó xử lý triệt để bằng biện pháp hành chính bởi cơ quan quản lý không thể suốt ngày đi rình xem có NH nào vi phạm hay không.
"Lách" bằng cách cho rút trước hạn
Chuyên gia kinh tế -TS Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo các NH tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài nhằm thu hút nguồn vốn huy động từ dân cư khi người dân không mặn mà gửi tiết kiệm dài như hiện nay. Tuy nhiên, việc cho phép NH thương mại được thỏa thuận lãi suất trên 12 tháng có thể giúp họ dễ dàng "lách" lãi suất bằng cách cho khách hàng rút tiền bất cứ lúc nào nhưng vẫn hưởng lãi suất kỳ hạn dài. Cụ thể, trên sổ tiết kiệm gửi kỳ hạn trên 12 tháng để hưởng lãi suất cao nhưng NH có thể "ưu ái" cho khách hàng rút trước hạn mà vẫn giữ nguyên mức lãi suất. Điều này có thể làm méo mó thị trường. |
. Theo NLĐ |