Thủ tướng chỉ đạo giải quyết những bức xúc về đất đai
14:45', 19/6/ 2012 (GMT+7)

Theo Chỉ thị của Thủ tướng, năm 2013 sẽ tập trung giải quyết những bức xúc trong nhân dân, nhất là trong việc giải tỏa đền bù thu hồi đất, những tiêu cực trong y tế, giáo dục…

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 19/CT-TTg yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước tập trung xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 và Kế hoạch đầu tư từ ngân sách nhà nước 3 năm 2013-2015.

Năm 2013 phấn đấu GDP đạt khoảng 6 - 6,5%

Mục tiêu tổng quát của năm 2013 là nâng cao chất lượng tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm nền kinh tế phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2013 tập trung vào thực hiện các giải pháp chính sách, trước hết là các chính sách tiền tệ, tín dụng, chính sách thuế, đất đai, cải cách hành chính, giảm phiền hà cho doanh nghiệp và chủ đầu tư để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6 - 6,5%.

Tái cơ cấu kinh tế tập trung vào 3 lĩnh

Nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2013 còn là đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, trước mắt tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng là tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu thị trường tài chính và tái cơ cấu doanh nghiệp để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, phải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước. Có chế tài đủ mạnh, rõ ràng, minh bạch để quản lý, giám sát có hiệu quả việc sử dụng vốn và tài sản tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, bảo đảm khu vực doanh nghiệp nhà nước thực hiện tốt vai trò của mình trong nền kinh tế,...

Xây dựng thương hiệu hàng hóa và một số lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam

Cùng với đó, năm 2013 cần phát triển sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh; tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp sinh học và công nghiệp môi trường.

Thực hiện các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, phát triển nông thôn gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản. Khuyến khích tập trung ruộng đất, đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn với năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao. Phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất công nghiệp, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm...

Đồng thời, phát triển mạnh các lĩnh vực dịch vụ có giá trị cao, tiềm năng và lợi thế lớn, có hàm lượng khoa học và công nghệ cao, mang lại giá trị gia tăng cao. Phát triển các dịch vụ như du lịch, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh khác. Đẩy mạnh tham gia mạng phân phối toàn cầu; xây dựng thương hiệu hàng hóa và một số lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam...

Thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng

Về ổn định kinh tế vĩ mô năm 2013, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu như: thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ hiệu quả sản xuất kinh doanh, phục hồi tăng trưởng đồng thời kiềm chế lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền. Có cơ chế phù hợp để các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, tăng dư nợ tín dụng ở mức hợp lý. Tăng cường quản lý hoạt động của hệ thống ngân hàng, thị trường ngoại tệ và thị trường vàng; tiếp tục thực hiện cơ cấu lại các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính khác.

Thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với giá điện, than, xăng dầu, giá dịch vụ công theo lộ trình phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng hợp lý; bảo đảm công khai minh bạch trong điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá để tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội.

Về phát triển giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, văn hóa và lĩnh vực an sinh xã hội, năm 2013 phải tập trung từng bước phát triển giáo dục, đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế đến năm 2020; phát triển khoa học và công nghệ gắn với đời sống xã hội; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xã hội hóa đầu tư cho khoa học và công nghệ để đạt mức trên 2% GDP vào năm 2020.

Đặc biệt, năm 2013 sẽ tập trung giải quyết những bức xúc trong nhân dân, nhất là trong việc giải tỏa đền bù thu hồi đất và những tiêu cực trong y tế, giáo dục, đào tạo, tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; tăng cường phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội…

Dự toán thu nội địa (không kể dầu thô, thu tiền sử dụng đất) tăng tối thiểu 14 - 16%

Đối với nhiệm vụ xây dựng dự toán ngân sách nhà nước, đặt mục tiêu huy động vào ngân sách nhà nước năm 2013 từ thuế, phí khoảng 22 – 23% GDP. Dự toán thu nội địa (không kể thu từ dầu thô, thu tiền sử dụng đất) tăng bình quân tối thiểu 14 – 16% so với ước thực hiện năm 2012. Dự toán thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng bình quân tối thiểu 5-7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2012.

Đối với việc xây dựng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2013, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phải chủ động xác định nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm cần thực hiện năm 2013, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể và lập dự toán chi ngân sách nhà nước theo đúng các quy định pháp luật, đảm bảo triệt để tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu dự toán, trong đó cần chủ động sắp xếp thứ tự ưu tiên theo mức độ cấp thiết, khả năng triển khai trong năm 2013.

Chỉ bố trí vốn khởi công mới các dự án thật sự cấp bách, cấp thiết

Thủ tướng yêu cầu Kế hoạch đầu tư từ ngân sách nhà nước 3 năm 2013 – 2015 phải được xây dựng trên cơ sở cân đối giữa các mục tiêu, nhu cầu đầu tư với khả năng cân đối vốn đầu tư phát triển trong kế hoạch thu chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 – 2015; khả năng cân đối các nguồn vốn khác của nhà nước.

Trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, cân đối thu chi còn nhiều khó khăn, đầu tư ngân sách nhà nước chỉ tập trung đầu tư cho các công trình, dự án đã được bố trí vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ (còn thiếu vốn), đang triển khai trong các kế hoạch hàng năm để bảo đảm hoàn thành dứt điểm, đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả.

Đối với các dự án khởi công mới, phải cân nhắc kỹ lưỡng chỉ bố trí vốn khởi công mới các dự án thật sự cấp bách, cấp thiết khi xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách. Không bố trí vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các dự án không thuộc nhiệm vụ chi đầu tư theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

. Theo Chinhphu.vn

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cảnh báo hiện tượng lợi dụng chính sách ưu đãi HTX trục lợi  (19/06/2012)
Công bố kết quả giải quyết vụ gian lận thi cử tại Đồi Ngô, Bắc Giang  (19/06/2012)
Bão số 2 hướng ra ngoài  (19/06/2012)
Lao động nữ được nghỉ thai sản 6 tháng  (19/06/2012)
Không công nhận 2.000 bằng cử nhân, thạc sĩ  (18/06/2012)
Doanh nghiệp thoi thóp, ngân hàng lãi khủng  (18/06/2012)
Lúa hè thu rớt giá mạnh  (18/06/2012)
Bộ Tài chính yêu cầu giảm giá cước vận tải  (18/06/2012)
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi)  (18/06/2012)
Xuất hiện bão số 2 trên Biển Đông  (18/06/2012)
Đến 2013 hoàn thành đánh giá hoạt động của các khu kinh tế  (18/06/2012)
Hưng Yên tạm dẫn đầu tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông với 99,9%  (18/06/2012)
Quốc hội thông qua Luật Biển trước khi bế mạc kỳ họp thứ ba  (18/06/2012)
Tiêm kích tuần tiễu Trường Sa  (17/06/2012)
Vàng đang đà tăng và sẽ tiếp tục tăng cao?  (16/06/2012)