Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt “Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020” với mục tiêu tổng quát đến năm 2020 nền giáo dục nước ta được đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; chất lượng giáo dục được nâng cao một cách toàn diện.
Chiến lược đã đặt ra các mục tiêu cụ thể. Theo đó, đối với giáo dục phổ thông, phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở tiểu học là 99%, THCS 95% và 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn THPT và tương đương; 70% trẻ em khuyết tật được đi học. Đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH, sẽ điều chỉnh cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, phấn đấu đến 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp và ĐH đạt khoảng 70%; tỷ lệ sinh viên tất cả các hệ đào tạo trên 1 vạn dân vào khoảng 350 - 400. Giáo dục thường xuyên cũng được phát triển tạo cơ hội cho mọi người có thể học tập suốt đời, bước đầu hình thành xã hội học tập. Hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2015.
Để đạt được các mục tiêu này, chiến lược đề ra 8 giải pháp, trong đó đổi mới quản lý giáo dục là giải pháp đột phá; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là giải pháp then chốt. Một trong các nội dung đổi mới quản lý giáo dục là bảo đảm dân chủ hóa trong giáo dục. Thực hiện cơ chế người học tham gia đánh giá người dạy, giáo viên và giảng viên tham gia đánh giá cán bộ quản lý. Bên cạnh đó, phân loại chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH theo các tiêu chuẩn chất lượng giáo dục quốc gia, các cơ sở giáo dục chưa đạt chuẩn phải có lộ trình để tiến tới đạt chuẩn. Chú trọng xây dựng các cơ sở giáo dục tiên tiến, trọng điểm, chất lượng cao để đào tạo bồi dưỡng các tài năng, nhân lực chất lượng cao cho các ngành kinh tế - xã hội.
Đề án cũng nêu rõ, tập trung vào quản lý chất lượng giáo dục, thực hiện giám sát xã hội đối với chất lượng và hiệu quả giáo dục; xây dựng hệ thống kiểm định độc lập về chất lượng giáo dục, thực hiện kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục của các cấp học, trình độ đào tạo và kiểm định các chương trình giáo dục nghề nghiệp, ĐH.
Cùng với đó, tiếp tục đào tạo, đào tạo lại đội ngũ nhà giáo để đến năm 2020, 100% giáo viên mầm non và phổ thông đạt chuẩn trình độ đào tạo, trong đó 60% giáo viên mầm non, 10% giáo viên tiểu học, 88% giáo viên THCS và 16,6% giáo viên THPT đạt trình độ đào tạo trên chuẩn; 38,5% giáo viên trung cấp chuyên nghiệp, 60% giảng viên CĐ và 100% giảng viên ĐH đạt trình độ thạc sĩ trở lên; 100% giảng viên ĐH-CĐ sử dụng thành thạo một ngoại ngữ. Thực hiện đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH-CĐ với phương án kết hợp đào tạo trong và ngoài nước để đến năm 2020 có 25% giảng viên ĐH và 8% giảng viên CĐ là tiến sĩ.
Trên cơ sở đánh giá chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và tham khảo chương trình tiên tiến của các nước, thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa từ sau năm 2015 theo định hướng phát triển năng lực học sinh, vừa đảm bảo tính thống nhất trong toàn quốc vừa phù hợp với đặc thù mỗi địa phương. Chú trọng nội dung giáo dục đạo đức, pháp luật, thể chất, quốc phòng - an ninh và các giá trị văn hóa truyền thống; giáo dục kỹ năng sống, giáo dục lao động và hướng nghiệp học sinh phổ thông. Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo và năng lực tự học của người học.
Đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ theo hướng đảm bảo thiết thực, hiệu quả, khách quan và công bằng; kết hợp kết quả kiểm tra đánh giá trong quá trình giáo dục với kết quả thi…
. Theo SGGP |