|
Nhiều đại biểu cho rằng đến năm 2022 mới thực sự có thị trường điện cạnh tranh là quá chậm. |
Về ý kiến cho rằng đến năm 2022 mới thực sự có thị trường điện cạnh tranh là quá chậm, trong phiên thảo luận sáng nay (20.6), nhiều đại biểu đề nghị cần rút ngắn thời gian này càng sớm càng tốt nhằm bảo đảm quyền, lợi ích của đông đảo người tiêu dùng.
Chống độc quyền trong giá bán điện
Nhấn mạnh điện lực là loại hàng hóa đặc biệt, có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân, đại biểu Trần Tiến Dũng (đoàn Hà Tĩnh), Lê Thị Nguyệt (đoàn Vĩnh Phúc) thống nhất với Dự thảo “giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước”. Đề nghị cần làm rõ khái niệm “sự điều tiết của Nhà nước” là gì, theo đại biểu sự điều tiết của Nhà nước không có nghĩa là duy trì sự độc quyền của ngành điện như hiện nay.
Làm rõ thêm điều này, Phạm Xuân Thăng (đoàn Hải Dương) cho rằng giá điện bán lẻ là quan trọng nhất, liên quan trực tiếp tới nhiều người dân, thời gian qua tình trạng độc quyền trong cung cấp điện đã gây bức xúc trong dư luận. Để chống độc quyền cần công khai, minh bạch giá điện trên cơ sở giá phải bảo đảm tính đúng, tính đủ giá trị.
Để có thị trường điện cạnh tranh nhiều đại biểu đề xuất cần tái cơ cấu ngành điện. Đồng thời khuyến khích, mở rộng các thành phần tham gia đầu tư, làm tăng nguồn điện cung ứng cần đa dạng hóa các nguồn đầu tư của tư nhân. Bổ sung quy định cho các tổ chức kinh tế tham gia sản xuất cung ứng điện; khuyến khích phát triển điện cạnh tranh cho các thành phần kinh tế khác nhau. Liên quan tới giá điện, các ý kiến đề xuất quy định về giá điện cần phù hợp với Luật giá. Việc tính giá điện chưa tính hết các yếu tố, thấp hơn giá trị thực tế sản xuất nên chưa tạo được động lực khuyến khích sản xuất kinh doanh điện và khiến người sử dụng chưa có ý thức tiết kiệm điện. Dự thảo cần làm rõ các loại giá và phí vì khi chuyển phí thành giá sẽ khiến giá bán lẻ điện bị đẩy lên rất cao, về bản chất kinh tế thì kết cấu đó không hợp lý. Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (đoàn Đắc Nông) cho rằng để bảo đảm quyền bình đẳng giữa người mua điện và bán điện, khi không bảo đảm nguồn cung cấp điện, bên cung cấp phải chịu trách nhiệm và luật cần có cơ chế để quy định về vấn đề này. Đây là điểm quan trọng mà Dự thảo cần đề cập.
Đặc biệt quan tâm tới chống độc quyền trong ngành điện, đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) nêu lý do: Việt Nam đã gia nhập tổ chức Thương mại thế giới mà vẫn tồn tại tình trạng độc quyền của ngành điện là bất bình đẳng. Việc sửa đổi Luật Điện lực là cần thiết vì đây là hàng hoá đặc biệt và là dịp điều chỉnh những bất cập của ngành Điện trong thực tiễn. Sửa đổi sau 7 năm là cần thiết vì đây là hàng hóa đặc biệt, nếu gia nhập tổ chức thương mại thế giới mà vẫn độc quyền là bất bình đẳng.
Rút ngắn lộ trình liệu có khả thi?
Trong lộ trình đề xuất của Chính phủ, đến năm 2022 mới tính đến khả năng cạnh tranh giá bán lẻ điện, theo đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) là “quá muộn”, bởi càng sớm thực hiện cạnh tranh bao nhiêu người dân được nhờ bấy nhiêu. Còn nếu chỉ có một đơn vị duy nhất bán lẻ, không có cạnh tranh sẽ dẫn đến nhiều sự bất bình đẳng và thiếu minh bạch. Hiện hao hụt trong truyền tải là hơn 10% nhưng người dân lại đang phải chịu chi phí là chưa thực sự tính tới lợi ích của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, tại báo cáo Dự kiến tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của đại biểu Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực của Bộ Công thương cho rằng thị trường điện lực tại Việt Nam được hình thành và phát triển qua 3 cấp độ: Cấp độ 1 (2005-2014): thị trường phát điện cạnh tranh; Cấp độ 2 (2015 - 2022): thị trường bán buôn điện cạnh tranh; Cấp độ 3 (từ sau 2022): thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Mỗi cấp độ được thực hiện theo hai bước: thí điểm và hoàn chỉnh. Dự kiến tháng 7 năm 2012, thị trường phát điện cạnh tranh (thị trường điện cạnh tranh trong khâu phát điện) sẽ chính thức đi vào hoạt động.
Mặt khác, điện năng là loại hàng hóa đặc biệt do điện năng không lưu trữ được, quá trình sản xuất và tiêu thụ điện năng diễn ra đồng thời. Việc phát triển thị trường điện theo từng cấp độ tăng dần với thời gian chuyển mỗi cấp độ từ 7 đến 8 năm là bước đi thận trọng nhằm đảm bảo sự phát triển thị trường điện cạnh tranh phù hợp với sự phát triển ngành điện trên các khía cạnh về cơ cấu tổ chức, hệ thống các văn bản pháp lý, cơ sở hạ tầng hệ thống điện; năng lực hoạt động của các đơn vị tham gia thị trường. Qua thực tế 7 năm thực hiện Luật Điện lực, việc triển khai thực hiện các điều kiện nêu trên cho các cấp độ thị trường điện còn nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là tính đáp ứng của cơ sở hạ tầng hệ thống điện. Bộ Công thương cho biết, trong quá trình thực hiện, nếu các điều kiện trên được đáp ứng thì có thể xem xét kiến nghị Chính phủ để rút ngắn lộ trình thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Quy hoạch cần mang tính kết nối, đồng bộ
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình) đề nghị phát triển bền vững điện lực cần trên cơ sở kết hợp hợp lý các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Quy hoạch cần bảo đảm tính kết nối, tái tạo nguồn năng lượng, chú trọng các nguồn năng lượng mới. năng lượng tái tạo. Để bắt kịp nhu cầu phát triển, đại biểu Vẻ cho rằng nên sớm soạn thảo Luật năng lượng mới và năng lượng tái tạo.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình) nhận xét, quy hoạch phát triển điện lực hiện còn thiếu tính kết nối. Đề nghị quy hoạch mới phải gắn chặt chẽ với quy hoạch của các nguồn năng lượng sơ cấp như dầu, khí, và đặc biệt là xu hướng gia tăng cơ cấu nguồn nhiệt điện, phát triển điện cần động bộ với kế hoạch phát triển nguồn điện. Quy định các nguồn tái tạo phù hợp với quy hoạch điện lực. Đồng thời, bảo đảm kết nối với các quy hoạch khác như quy hoạch tổng thể xây dựng; quy hoạch công nghiệp; thuỷ lợi; giao thông; du lịch; dịch vụ - thương mại; khu đô thị…
Nhất trí bỏ quy hoạch phát triển điện cấp huyện, nhiều ý kiến đề nghị trong quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh phải bao gồm đầy đủ các quy hoạch phát triển điện lực cấp huyện…
. Theo HNM
|