Nguy cơ mới từ giảm phát
15:1', 25/6/ 2012 (GMT+7)

Giá lương thực thực phẩm và sức mua giảm khiến CPI tháng 6 giảm mạnh (ảnh SGTT)

Những giải pháp mở rộng tiền tệ quá nhanh và quá mức sẽ đẩy nền kinh tế vào tình trạng có quá nhiều tiền rẻ và một chu kỳ bong bóng tài sản, lạm phát mới sẽ xuất hiện nhanh hơn mong đợi.

Giảm từ đâu?

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 6/2012 giảm 0,26% so với tháng trước, sau 38 tháng tăng liên tục.

Mức giảm CPI cả nước tháng này so với tháng trước không nhiều bất ngờ sau khi Hà Nội và TP.HCM, hai đầu tàu kinh tế chiếm tỷ trọng khoảng trên 30% rổ CPI của cả nước, đã công bố CPI giảm đáng kể. Với mức giảm này, so với cuối năm ngoái, CPI tháng này còn tăng 2,52%. Còn so với cùng tháng năm trước, CPI chỉ còn tăng 6,9%, rất sát với lạm phát kỳ vọng của năm như các chuyên gia đã từng công bố.

Theo Vụ trưởng Vụ Giá, Tổng cục Thống kê Nguyễn Đức Thắng, CPI giảm đầu tiên sau gần 40 tháng là do ban nhóm hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn nhất theo thứ tự trong rổ hàng hóa gồm: Dịch vụ ăn uống (chiếm gần 40%), nhà ở và điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (10%), giao thông (9%) đều có mức giảm rõ rệt. Thêm vào đó, chiếm tỷ trọng 30% trong chỉ số chung, việc giảm phát ở hai thành phố lớn là Hà Nội âm 0,17 và TP.HCM âm 0,43 đã tạo ra lực kéo mạnh khiến CPI cả nước giảm mạnh theo.

Phân tích vào các con số cho thấy, CPI giảm ở 5/11 nhóm hàng hóa với mức giảm từ 0,02-1,64%, trong đó, giảm mạnh nhất là giao thông dưới tác động của 3 lần giảm giá xăng, giảm nhiều nhất là bưu chính viễn thông.

Cụ thể, việc xăng dầu được điều chỉnh 4 lần liên tiếp từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 6 với tổng mức giảm là 2.600 đồng đã kéo nhóm giao thông giảm 3,75%, riêng xăng dầu giảm tới 3,75% so với tháng 5.

Với nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất là hàng ăn và dịch vụ ăn uống, việc lương thực tiếp tục giảm giá 0,78% và thực phẩm giảm 0,31% đã khiến CPI nhóm này giảm 0,23%. Ghi nhận trên thị trường cho thấy, trong tháng 6, nguồn cung dồi dào do được mùa cả trong Nam ngoài Bắc. Trong khi đó, giá xuất khẩu lúa gạo cũng giảm mạnh.

Bên cạnh đó, trong tháng 6, do nắng nóng nên nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng giảm, cộng với nguồn cung dồi dào nên giá mặt hàng thực phẩm tươi sống đã giảm tới 1,29%.

Đặc biệt, do tình hình kinh tế khó khăn nên người tiêu dùng tiếp tục thắt chặt chi tiêu đối với các khoản không thiết yếu đã khiến giá cả văn hóa - giải trí - du lịch cũng giảm tới 0,27%.

Theo ông Nguyễn Đức Thắng, với diễn biến giá cả hiện nay, cộng với tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn, CPI tháng 7 sẽ tiếp tục xu hướng giảm giá. Tuy nhiên, với chính sách nới lỏng tiền tệ có thể lặp lại xu hướng biến động của 2009 và kết thúc năm 2012 ở mức 7%.

Cùng nhận định này, nhiều chuyên gia cho rằng, diễn biến lạm phát năm 2012 khá giống với năm 2009 khi lạm phát so cùng kỳ cũng giảm mạnh từ mức 17,48% vào đầu năm về mức 3,94% vào tháng 6/2009. Qua đó, nhiều lo ngại lạm phát sẽ bùng phát trở lại vào thời gian tới khi chúng ta vừa có những động thái hỗ trợ nền kinh tế thông qua chính sách tiền tệ và tài khóa. Lo ngại này không phải không có cơ sở qua các bài học của năm 2010.

Thách thức mới: Giảm phát

Với kinh nghiệm nhiều năm theo dõi CPI, ông Thắng cũng cho rằng, việc CPI giảm đánh dấu mốc giảm phát sau nhiều tháng tăng với mức độ thấp chính là hệ quả của sức tiêu dùng suy giảm nghiêm trọng khi chính sách tiền tệ bị thắt chặt để chống lạm phát đã nảy sinh những tác động phụ không mong muốn.

Thực tế, lo ngại này không chỉ bây giờ mới đặt ra mà trước đó, giảm phát và đình đốn sản xuất đã là một thực tế được cảnh báo như một nguy cơ cho năm 2012. TS. Trần Du Lịch đã nhiều lần cảnh báo, nếu giảm phát xảy ra sẽ gây sốc cho nền kinh tế, tác động trực tiếp đến giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội.

Theo ông Lịch, trong trường hợp CPI năm nay không tăng 7-8% thì tốc độ tăng GDP sẽ khó đạt 5,5-6%. Điều này có nghĩa thay vì đối phó với lạm phát, nền kinh tế phải đối phó với tình trạng kỳ lạm tức làm lạm phát không được như mong muốn.

Điều này sẽ tác động lớn đến sản xuất kinh doanh của DN, tới giải quyết công ăn việc làm và an sinh xã hội.

"Mỗi năm, Việt Nam có thêm 1 triệu người bổ sung vào thi trường lao động và 500 ngàn người chuyển từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Nếu không đảm bảo tăng GDP 5,6-6%, CPI không tăng khoảng 7,5% thì không thể giải quyết được 1,6 triệu việc làm", ông Lịch nhấn mạnh.

Ông Quách Mạnh Hào, chuyên gia phân tích kinh tế - Phó Tổng giám đốc Công ty chứng khoán MB, cho rằng, "nước ta vừa trải qua giai đoạn lạm phát cao, nhưng rõ ràng là chúng ta cũng không vui gì với tình hình hiện nay. Cá nhân tôi cho rằng chúng ta đã cố gắng giải bài toán lạm phát bằng một công cụ rất truyền thống là thắt chặt tiền tệ, đẩy mặt bằng lãi suất lên cao để rồi công cụ này đưa chúng ta tới bài toán thậm chí còn khó giải hơn là nợ xấu, thất nghiệp và đình trệ".

Thực tế, khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin 70% doanh nghiệp thua lỗ trong quý I, gần 22.000 doanh nghiệp đã giải thể, GDP quý I chỉ tăng 4% và đương nhiên là đi kèm với đó là các vấn đề xã hội như thất nghiệp, thu nhập giảm, vỡ nợ... thì rõ ràng đây là một cảnh báo đáng lưu tâm.

Theo ông Hào, lạm phát và giảm phát có những mối nguy hại riêng của nó. Lạm phát làm bào mòn của cải xã hội nhanh trong khi giảm phát thường có xu hướng gắn liền với đình trệ và thất nghiệp. Về lý thuyết, nói giảm phát kéo dài nguy hiểm bởi khi đó vòng luẩn quẩn giảm phát hoàn toàn có thể diễn ra theo chiều hướng sau: giảm tổng cầu dẫn đến giảm giá cả chung, dẫn đến nợ xấu tăng lên, gây vỡ nợ, đến thất nghiệp/giảm thu nhập dẫn đến giảm tổng cầu.

"Tất nhiên, tôi không nghĩ rằng với một đất nước ưa thích tăng trưởng như Việt Nam thì việc giảm phát lại có thể diễn ra quá dài", ông Hào nói.

Ông Hào nhận xét, việc mở rộng tiền tệ là giải pháp thường thấy khi giảm phát xảy ra, cũng tượng tự nhưng ngược lại với trường hợp lạm phát. Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta không thể vận dụng nguyên tắc đó một cách máy móc bởi các lý thuyết kinh tế mang tính thời điểm và hoàn cảnh.

"Tôi e ngại rằng những giải pháp mở rộng tiền tệ quá nhanh và quá mức sẽ đẩy nền kinh tế vào tình trạng có quá nhiều tiền rẻ và một chu kỳ bong bóng tài sản và lạm phát mới sẽ xuất hiện nhanh hơn mong đợi. Khi có nhiều tiền rẻ, bạn sẽ lại đưa ra các quyết định rủi ro và vòng luẩn quẩn lặp lại", vị chuyên gia này lo ngại.

"Trong điều kiện hiện tại, tôi nghĩ nên theo đuổi các chính sách thuần túy thị trường hơn là nghĩ về các giải pháp cứu, mở rộng hay kích thích", ông Hào nhấn mạnh.

. Theo VNN

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Liên tiếp rớt giá  (25/06/2012)
Hàng vạn hộ nông dân đã được bảo hiểm cây lúa  (25/06/2012)
Cục Bảo vệ thực vật kết luận về táo Trung Quốc "nhiễm độc"  (25/06/2012)
ĐHKHTN (ĐHQG Hà Nội): Đứng thứ 2 châu Á về đào tạo cử nhân Hóa học  (25/06/2012)
Đã sẵn sàng cho kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng  (25/06/2012)
Khánh thành cột mốc cuối cùng trên biên giới Việt Nam - Campuchia  (24/06/2012)
Đặng Thái Hoàng đăng quang Olympia năm thứ 12  (24/06/2012)
CPI tháng 6 giảm 0,26%  (24/06/2012)
Miễn tối đa 250.000 đồng/tháng cho thuế thu nhập cá nhân  (23/06/2012)
Phản đối phía Trung Quốc lập cái gọi là "thành phố Tam Sa"  (23/06/2012)
Cổ phần hóa 93 doanh nghiệp Nhà nước  (23/06/2012)
“Giải cứu” nông dân trồng lúa  (22/06/2012)
Cấm ngân hàng lách lãi suất tiền gửi trên 12 tháng  (22/06/2012)
Trao giải Báo chí quốc gia lần thứ VI năm 2012  (22/06/2012)
Tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN  (22/06/2012)