Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6:
Đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản
8:34', 4/7/ 2012 (GMT+7)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm cho thấy triển vọng 6 tháng cuối năm sẽ có tăng trưởng, chuyển biến tốt hơn.

Trong hai ngày 2 và 3.7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6 tập trung đánh giá tình hình kinh tế. Chiều 3.7, Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam đã chủ trì họp báo thông tin về kết quả phiên họp. Dù chưa hài lòng với kết quả kinh tế 6 tháng đầu năm, nhưng Chính phủ khẳng định, những mục tiêu lớn đều đang đi đúng hướng. Những dự báo tương lai cũng cho thấy nhiều tín hiệu tích cực, nhất là khi Chính phủ đang triển khai một số biện pháp điều hành mới.

Duy trì lạm phát 1 con số nhưng không quá thấp

Chính phủ khẳng định, dù chưa hài lòng về kết quả, nhưng nhìn lại 6 tháng qua, những mục tiêu lớn về kinh tế đã đề ra đều đạt được. Nổi bật nhất là sự vững chắc về vĩ mô của nền kinh tế. Lạm phát đã được kiềm chế một cách hiệu quả. Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) liên tục giảm trong 6 tháng đầu năm 2012, tính đến hết tháng 6.2012, chỉ số này mới tăng 2,52% so với tháng 12.2011 và tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2011. Đây là cơ sở để khẳng định lạm phát năm nay có thể ở mức 7-8%. Đây cũng là cơ sở tạo dư địa cho việc thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ nhằm giảm chi phí lãi vay vốn trong những tháng còn lại của năm. Bộ trưởng -Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ đã thảo luận và thống nhất duy trì lạm phát 1 con số, nhưng không để thấp quá vì còn bảo đảm tăng trưởng hợp lý. Mức tăng CPI 7-8% trong trường hợp này là phù hợp.

Chính phủ đã duy trì cách thức điều hành mang tính ổn định cao. Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, Chính phủ xác định phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế cả năm là 6%. Đây là mục tiêu khó khăn khi GDP quý II-2012 tăng 4,66% cao hơn quý I-2012 (tăng 4,0%), tính chung 6 tháng đầu năm GDP ước tăng 4,38%. Các thành viên Chính phủ cũng dự báo năm 2013, lạm phát sẽ tiếp tục giảm, nhưng tăng trưởng kinh tế sẽ khá hơn. Do vậy, ngoài việc duy trì các chính sách hiện nay, Chính phủ sẽ tập trung thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Trước mắt, tập trung tái cơ cấu 3 lĩnh vực như đã xác định gồm đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng cổ phần thương mại. Mục tiêu của Chính phủ là các lĩnh vực này đều phải có chuyển biến rõ nét. Trong đó, không chỉ doanh nghiệp nhà nước mà doanh nghiệp Việt Nam nói chung phải tăng được sức cạnh tranh.

Liên quan đến đầu tư công, Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Thậm chí đối với các công trình hữu ích có thể hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2013, Chính phủ cho phép ứng trước vốn ngân sách năm tài khóa 2013 để thực hiện kịp tiến độ. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cho biết thêm, theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2012, trung bình mỗi tháng cả nước phải giải ngân 22.000 tỷ đồng vốn xây dựng cơ bản. Bộ Tài chính đang làm việc cụ thể với các địa phương để thúc đẩy việc này.

Ràng buộc chặt trách nhiệm của các bộ chuyên ngành với doanh nghiệp nhà nước

Điểm nổi bật tại cuộc họp báo là thông tin việc sửa đổi Nghị định 132 về mối quan hệ quản lý giữa cơ quan nhà nước với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Nghị định mới sẽ khắc phục được những yếu kém trong quản lý nhà nước đối với các DNNN.

Với các công trình hữu ích, Chính phủ sẽ cho phép ứng trước vốn ngân sách để thực hiện kịp tiến độ.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cho biết, điểm mới trước hết của Nghị định 132 là việc xác định các DNNN phải tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính. Các DNNN sẽ phải thoái vốn các lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành kém hiệu quả, nhất là các ngành có tính chất nhạy cảm như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản… Nghị định sửa đổi cũng sẽ quy định ràng buộc chặt chẽ hơn trách nhiệm chủ sở hữu về vốn của các DNNN gồm hội đồng quản trị, Bộ Tài chính và bộ quản lý chuyên ngành. Trong đó, riêng bộ quản lý chuyên ngành sẽ có những quy định ràng buộc chặt chẽ hơn trong việc định hướng chiến lược, tham gia vào các khâu bổ nhiệm cán bộ. Thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo các DNNN cũng sẽ được phân cấp mạnh hơn, cũng như giao trách nhiệm nặng hơn cho các bộ chuyên ngành. Đối với Bộ Tài chính, Nghị định sửa đổi dự kiến sẽ quy định về việc cử cán bộ chuyên trách "ăn lương" Bộ Tài chính, nhưng "nằm" ở DN để giám sát.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ KH-ĐT nghiên cứu việc thành lập một cơ quan ngang bộ chuyên quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy, có một số quốc gia đã thực hiện theo hướng này, nhưng bên cạnh những tín hiệu tích cực, cũng để lại một số hệ lụy tiêu cực, nhất là khi tính chất đa dạng về lĩnh vực kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty đòi hỏi rất cao về trình độ quản lý của cơ quan ngang bộ nói trên.

Tăng giá điện để doanh nghiệp cạnh tranh công bằng hơn

Trả lời thắc mắc của báo chí về việc tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo rõ ngay từ đầu năm rằng, việc điều chỉnh giá điện phải cùng lúc bảo đảm các yêu cầu: Thứ nhất là công khai, minh bạch về giá thành, về lỗ lãi và lý do tăng giá. Thứ hai là phải đúng quy định pháp luật. Thứ ba là không làm ảnh hưởng đến người nghèo, các đối tượng khó khăn; trong trường hợp có ảnh hưởng phải có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Một trong những mục đích của việc tăng giá điện lần này là để các DN cạnh tranh một cách công bằng hơn, đồng thời khuyến khích các DN đầu tư đổi mới công nghệ. Vì thực tế, có nhiều DN không chịu đầu tư công nghệ mới và tiết kiệm điện vì thấy chi phí điện trong sản xuất quá thấp như một số DN cán thép chẳng hạn.

. Theo HNMO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Các thí sinh hoàn tất thủ tục dự thi ĐH đợt 1  (03/07/2012)
Luật sư Việt Nam phản đối hành vi vi phạm pháp luật quốc tế của phía Trung Quốc  (03/07/2012)
18.11.2012: tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT  (03/07/2012)
Vietsovpetro phát hiện vỉa dầu mới tại cấu tạo Thỏ Trắng  (03/07/2012)
Nghịch lý thị trường bất động sản  (03/07/2012)
Giá xăng giảm thêm 600 đồng/lít, giá Gas giảm 36.000 đồng/bình  (03/07/2012)
Hôm nay, thí sinh làm thủ tục dự thi ĐH đợt 1  (03/07/2012)
Tổng nợ của DNNN chưa phải là gánh nặng cho ngân sách  (02/07/2012)
Bộ GD-ĐT công bố hộp thư nhận phản ánh tiêu cực trong thi ĐH  (02/07/2012)
Nhân nhượng là mất chủ quyền  (02/07/2012)
Quốc tế phản bác “lưỡi bò” Trung Quốc ở Biển Đông  (02/07/2012)
Giá gas giảm mạnh  (02/07/2012)
Chủ tịch nước dự lễ phát động phong trào vệ sinh yêu nước  (01/07/2012)
Tiết giảm tối đa chi phí, công tác phí  (01/07/2012)
Đã hoàn tất tài liệu để khởi động đàm phán COC  (01/07/2012)