Tướng Lê Văn Cương: Trung Quốc đâu phải muốn là được
14:41', 4/7/ 2012 (GMT+7)

Thiếu tướng Lê Văn Cương. Ảnh: TTO

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược, Bộ Công an có cuộc trao đổi với VTC News về việc Trung Quốc liên tiếp có những hành động sai trái, phi pháp đối với chủ quyền Việt Nam.

 

- Thưa Thiếu tướng, vừa rồi Trung Quốc có nhiều hành động được cho là khiêu khích Việt Nam, đỉnh điểm là ngang nhiên mời thầu 9 lô dầu khí thuộc vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Ông có nhận xét thế nào về điều này?

Tôi thấy ở đây có nhiều vấn đề cần lý giải. Thứ nhất, hành động Trung Quốc mời thầu ở 9 lô dầu khí thuộc chủ quyền Việt Nam là hành động được tính toán cẩn thận, nằm trong chiến lược độc chiếm Biển Đông.

Mục đích của Trung Quốc là hiện thực hóa cái gọi là “chủ quyền được bao chiếm trong 9 đường đứt khúc”, hay còn gọi là ‘đường lưỡi bò’. Đây là yêu cầu phi lý, phi pháp.

 

Theo Công ước luật biển 1982 của Liên Hiệp Quốc, 9 lô dầu khí nói trên thuộc chủ quyền của Việt Nam, không có gì gọi là tranh chấp ở đây cả. Toàn bộ tài sản sinh vật (tôm, cua, cá) hay phi sinh vật (dầu khí, kim loại nặng) đều thuộc về Việt Nam. Nước ngoài muốn khai thác, phải được sự đồng ý của chính phủ Việt Nam.

Với tư cách là nước thường trực trong Hội đồng bảo an LHQ, Trung Quốc đã vi phạm Hiến chương LHQ, họ cũng vi phạm chính cam kết DOC – Tuyên bố ứng xử của các nước về vấn đề Biển Đông ký với ASEAN.

 

Nói tóm lại, những gì Trung Quốc đã làm càng củng cố luận thuyết mối đe dọa Trung Quốc: từ vụ Scarborough của Philippines đến vụ mời thầu 9 lô dầu khí thuộc chủ quyền Việt Nam.

- Rồi họ còn điều tàu hải giám diễn tập ở Biển Đông, nơi mà họ gọi bằng cái tên chúng ta không thể chấp nhận: biển Nam Trung Hoa...

Tôi cần nhấn mạnh rằng, không có cái gọi là biển Nam Trung Hoa. Khái niệm Biển Đông đã có từ cách đây vài trăm năm, từ thời chúa Nguyễn và trước đó nữa đã cử người hằng năm ra Trường Sa, Hoàng Sa để thu gom hải sản, tuần tiễu, khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Biển Đông là biển phía Đông, thuộc chủ quyền Việt Nam.

Ngay trong sách vở xưa ở Trung Quốc, thời Tống đã nói về ‘Giao Chỉ dương’, nghĩa là biển của Việt Nam.

Nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục luận thuyết biển Nam Trung Hoa, thì tại sao không có biển Nam Nhật Bản, biển Nam Ấn Độ, biển Nam của Triều Tiên, Hàn Quốc?

- Các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn nói về một 'Trung Quốc trỗi dậy hòa bình', nhưng lâu nay nước này bị lên án 'có những hành động nguy hiểm trong tranh chấp chủ quyền'. Thiếu tướng có thể phân tích về vấn đề này?

Ít ra đã 4 đến 5 lần Chủ tịch nước và Thủ tướng Trung Quốc đã cam kết và nói nhiều điều tốt đẹp về mong muốn hòa bình, ổn định.

Tháng 10/2010, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã gửi điện cho người đồng cấp ở các nước ASEAN, nội dung nói Trung Quốc muốn xây dựng lòng tin với ASEAN, tạo dựng Biển Đông hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển. Nhưng Trung Quốc luôn làm ngược lại điều chính mình nói ra.

Chưa đầy một năm sau, ngày 25.6.2011, Trung Quốc ngang nhiên cắt cáp tàu Bình Minh trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Bốn ngày sau, Trung Quốc lại lặp lại hành động sai trái như trên.

 

Năm ngoái, trong tuyên bố chung của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào có nói: Trong khi chờ đợi giải pháp lâu dài ở Biển Đông, hai bên không làm phức tạp thêm tình hình. Hai bên lựa chọn từng bước nhỏ để tiến tới giải quyết lâu dài vấn đề Biển Đông.

Trước đó, trong chuyến đi Mỹ, ông Hồ Cẩm Đào và ông Obama cũng cam kết duy trì hòa bình, ổn định ở châu Á Thái Bình Dương.

Nói thế để thấy Trung Quốc lật lọng, đi ngược lại những điều họ cam kết với thế giới. Với những hành động này, liệu thế giới nước nào dám tin Trung Quốc không?

Những điều Trung Quốc làm trước nay chứng tỏ họ có tham vọng bành trướng, hung hăng và hiếu chiến.

- Và có thể thấy rõ chúng ta luôn muốn hòa hiếu, đã luôn tuân thủ cam kết về ứng xử trên Biển Đông với Trung Quốc. Còn Trung Quốc thì không, thưa ông?


Trong cách đối xử với Trung Quốc, chúng ta cần đặt chủ quyền lãnh thổ là mục đích tối thượng. Chính sách nào cũng phải đảm bảo điều này.

Trung Quốc đối xử với Việt Nam từ trước tới nay theo quan điểm dân tộc của họ, nếu không muốn nói rằng tư tưởng bành trướng. Toàn bộ hành động của họ trong 3 thập kỷ qua là theo kiểu nước lớn với nước nhỏ. Tôi cho rằng đây là sự lừa bịp thế kỷ và chúng ta cần nhận rõ vấn đề này để đưa ra đối sách.

 

Việt Nam là quốc gia độc lập, có đầy đủ chủ quyền như bất cứ quốc gia nào khác. Trong cách đối xử với Trung Quốc, chúng ta cần đặt chủ quyền lãnh thổ là mục đích tối thượng, chính sách nào cũng phải đảm bảo điều này.

Phương châm 16 chữ vàng: “Hòa bình ổn định, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” là vấn đề “vạn biến”; còn chủ quyền lãnh thổ là “bất biến”. Chúng ta không thể lấy cái “vạn biến” thay “bất biến”. Chủ quyền lãnh thổ là vĩnh cửu.

Chúng ta thẳng thắn với Trung Quốc, không có gì phải úp mở. Việt Nam không bao giờ đi với nước khác để chống Trung Quốc, bản thân cũng không chống Trung Quốc. Và chúng ta cũng không liên kết với Trung Quốc để chống nước khác.

Chúng ta có quyền mở cánh cửa hợp tác với các nước khác. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sang Việt Nam để bắt tay chúng ta, đó là chuyện bình thường. Nước nào cũng có nhu cầu mở rộng hợp tác quân sự, thông tin tình báo.

Chỉ có những kẻ xấu bụng, tiểu nhân mới suy bụng ta ra bụng người.

- Trên các trang mạng Trung Quốc thời gian gần đây có một số bài viết kích động chủ nghĩa dân tộc. Với tư cách là nhà nghiên cứu, Thiếu tướng nhận xét thế nào về việc này?

Hơn 1,3 tỷ người dân Trung Quốc đang bị giới truyền thông nước họ lừa bịp! Đến giờ này, phải nói là hơn 90% người Trung Quốc không hề biết bản chất vấn đề.

Chúng ta cần làm nhiều kênh thông tin song phương để người dân Trung Quốc biết sự thật, biết luật pháp quốc tế đứng về phía Việt Nam.

- Ông muốn nhấn mạnh vai trò báo chí trong vấn đề này?

Báo chí có vai trò mũi nhọn trong việc kêu gọi người dân đồng lòng bảo vệ chủ quyền đất nước. Báo chí cũng là kênh thông tin để cả thế giới biết sự thật, biết những gì đang diễn ra ở Biển Đông.
 
Chúng ta cần nhìn rõ vai trò của báo chí, một kênh truyền thông cực quan trọng. Đổ ra hàng tỷ USD để mua tên lửa, tàu ngầm là đúng, là cần thiết, nhưng hiệu quả chưa chắc bằng báo chí. Đầu tư cho báo chí rẻ bằng một phần nghìn đầu tư quân sự, nhưng hiệu quả gấp trăm lần.

Tất nhiên, báo chí phải hoạt động khách quan, đúng mực, không kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Báo chí là cầu nối sức mạnh dân tộc, sức mạnh thời đại.

- Việc chúng ta phản đối những hành động phi pháp của Trung Quốc, theo ông, đã đủ mạnh mẽ?

Tôi cho rằng chúng ta cần phản ứng mạnh mẽ hơn với những hoạt động của Trung Quốc. Không chỉ là tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, mà phải là cấp cao hơn, Bộ Ngoại giao cần ra tuyên bố mạnh mẽ hơn. Thậm chí, chúng ta có thể ra tuyên bố từ phía Thủ tướng.

Trung Quốc rất giỏi trong việc ‘dọn đường dư luận’ trước mỗi hành động. Đã có hàng chục ngàn bài báo của Trung Quốc nói về cái gọi là ‘Việt Nam xâm chiếm lãnh thổ Trung Quốc’.

Trước khi Trung Quốc ngang nhiên mời thầu 9 lô dầu khí ở vùng biển Việt Nam, hàng trăm tờ báo Trung Quốc đã đưa ra hình ảnh méo mó về chúng ta.

- Hành động phi pháp của Trung Quốc sẽ đi đến đâu, thưa Thiếu tướng?

 


Khi thế giới đứng về Việt Nam, không ai có quyền và cũng không ai có khả năng làm gì được chúng ta.

Hơn 1 triệu km2 mặt biển là ‘sổ đỏ’ mà luật pháp quốc tế cấp cho Việt Nam. Khi thế giới đứng về Việt Nam, không ai có quyền và cũng không ai có khả năng làm gì được chúng ta.

Trung Quốc đang cư xử không đàng hoàng, họ đang tìm mọi cách trì hoãn COC (Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông). Họ đang sử dụng thủ thuật bẻ đũa từng chiếc. Nếu cứ đàm phán song phương, thì có lẽ đến vài trăm năm cũng chẳng thể giải quyết vấn đề.

Để có được COC, con đường phía trước còn nhiều chông gai mà chúng ta phải vượt qua, và tôi tin rằng chúng ta sẽ làm được. Những điều Trung Quốc đang làm chỉ càng khiến các nước xa lánh họ và đứng về phía Việt Nam.

Trung Quốc mạnh, nhưng họ đâu phải muốn làm gì cũng được. Trong bối cảnh thế giới ngày nay, hành động nào đi ngược xu thế hòa bình, phát triển chắc chắn sẽ bị lên án.

Thế giới ngày nay toàn cầu hóa kinh tế, không quốc gia nào có thể đứng ngoài. Kinh tế Mỹ lớn như vậy còn không thể đứng một mình, nói gì Trung Quốc.

Chưa kể kinh tế Trung Quốc ‘đứng một chân’, phụ thuộc cực nhiều vào các nước khác. Tổng GDP khoảng 4.000 đến 5.000 tỷ USD, nhưng họ không phải là quốc gia có khả năng kinh tế vững vàng như Mỹ, Nhật, Nga.

Trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, nhiều học giả phương Tây nhầm tưởng Trung Quốc sẽ rút hầu bao dự trữ ngoại tệ khoảng vài nghìn tỷ USD của họ để cứu thế giới. Nhưng điều đó chưa bao giờ xảy ra. Trung Quốc chỉ lớn về số lượng và quy mô nền kinh tế, nhưng chất lượng và trình độ kinh tế còn thua xa Mỹ, Nhật.

 

. Theo VTC

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kết thúc môn thi Toán: 23 thí sinh và 4 giám thị bị xử lý kỷ luật  (04/07/2012)
Kinh tế Việt Nam “có thể đã qua giai đoạn tồi tệ nhất”  (04/07/2012)
Thủ tướng quyết định mua tạm trữ tối đa 500.000 tấn quy gạo  (04/07/2012)
Gần 638.000 thí sinh bước vào môn thi đầu tiên  (04/07/2012)
Đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản  (04/07/2012)
Các thí sinh hoàn tất thủ tục dự thi ĐH đợt 1  (03/07/2012)
Luật sư Việt Nam phản đối hành vi vi phạm pháp luật quốc tế của phía Trung Quốc  (03/07/2012)
18.11.2012: tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT  (03/07/2012)
Vietsovpetro phát hiện vỉa dầu mới tại cấu tạo Thỏ Trắng  (03/07/2012)
Nghịch lý thị trường bất động sản  (03/07/2012)
Giá xăng giảm thêm 600 đồng/lít, giá Gas giảm 36.000 đồng/bình  (03/07/2012)
Hôm nay, thí sinh làm thủ tục dự thi ĐH đợt 1  (03/07/2012)
Tổng nợ của DNNN chưa phải là gánh nặng cho ngân sách  (02/07/2012)
Bộ GD-ĐT công bố hộp thư nhận phản ánh tiêu cực trong thi ĐH  (02/07/2012)
Nhân nhượng là mất chủ quyền  (02/07/2012)