|
Thí sinh dò bài làm sau môn thi Anh Văn. |
Sáng nay 5.7, các thí sinh tham dự thi ĐH đợt 1 đã hoàn tất môn thi cuối cùng (môn Hóa đối với khối A, môn tiếng Anh đối với khối A1). Thời tiết rất mát mẻ nên tạo thuận lợi, đỡ căng thẳng cho thí sinh và người nhà.
* Hà Nội: Thí sinh than đề khó
Tại Hà Nội, đêm có mưa nên thời tiết buổi sáng rất mát mẻ. Để tránh tắc đường, thí sinh đến điểm thi từ rất sớm. Sau khi làm bài thi môn Hóa, thí sinh ở nhiều điểm thi ra về với tâm trạng khác nhau, có em cười tươi rói, có em lắc đầu than khó. Tại điểm thi tại trường ĐH khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia, thí sinh Trần Công Thành, đến từ trường THPT Hải Hòa, Hải Hậu, Nam Định cho biết, đề Hóa có 50 câu, khá dài và có tính phân loại cao. “Đề thi ra chủ yếu kiến thức lớp 12, một phần kiến thức lớp 11. Em làm hết 44 câu, còn 6 câu khoanh bừa vì khó”, Thành cho biết, điểm tổng kết môn Hóa năm lớp 12 của em là 8,9 điểm. Thí sinh này cho rằng, nhìn chung đề Hóa vừa sức thí sinh hơn so với đề Lý hôm qua vừa dài, vừa khó.
Còn thí sinh Nguyễn Thị Hoài An đến từ THPT Ngô Thì Nhậm, Hà Nội, dự thi vào Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông lại cho rằng đề Hóa 50 câu vừa khó, vừa dài. Vừa ra khỏi phòng thi, em đã lắc đầu với mẹ đang đứng đợi. Trong khi đó, thí sinh Vi Tuấn Phong, đến từ trường THPT dân lập Lý Thái Tổ, Hà Nội lại cho rằng, đề thi Hóa kiến thức rất rộng, đòi hỏi thí sinh phải biết vận dụng kiến thức tổng hợp mới làm bài tốt. “Điểm tổng kết môn Hóa ở phổ thông em được 8 điểm, nhưng với thi đề này em chỉ chắc ăn khoảng 40%”, thí sinh Phong chia sẻ.
Nhiều thí sinh nhận định, đề Hóa có nhiều câu khó đều, không có câu lạ và đặc biệt khó. Đề chủ yếu là kiến thức phổ thông, học sinh trung bình sẽ chỉ làm được khoảng 50% hoặc kém hơn; còn lại, học sinh khá trở lên có thể kiếm được điểm 7 trở lên. Nói chung, đề thi khối A năm nay theo các thí sinh cơ bản khó, trong đó Toán dễ thở hơn so với Lý, Hóa. Nhiều thí sinh lo lắng điểm thi sẽ thấp vì môn nào cũng khó. Hầu hết các bậc phụ huynh động việc con em đừng lo lắng quá.
Đối với môn tiếng Anh của khối A1, nhiều thí sinh hài lòng với đề thi. Thí sinh Nguyễn Thị Thúy (Thái Bình) cho rằng đề Tiếng Anh của khối A1 dễ hơn đề khối D1 mọi năm. Thúy vừa đủ thời gian để hoàn thành bài thi, trong đó phần điền từ là khó nhất với em. “Em chắc được 7 điểm môn Tiếng Anh. Tổng cộng 3 môn Toán, Lý, Anh, em được khoảng 16-17 điểm và có khả năng đỗ trường ĐH Kinh tế Công nghiệp vì năm ngoái điểm khoa kế toán của trường là 14,5 điểm”- Thúy cho biết. Thí sinh Thúy Hiền (Hoài Đức- Hà Nội), dự thi vào khoa Kế toán của ĐH Thủy lợi thì cho biết, đề Tiếng Anh năm nay của khối A1 vừa sức và dự kiến em đạt 6-7 điểm. Hiền cũng cho biết, hai môn Lý và Toán hôm qua em làm không tốt vì thế tổng ba môn dự kiến chỉ đạt 15 điểm. “Điểm chuẩn khối A năm ngoái vào khoa Kế toán của trường là 15 điểm, năm nay là năm đầu thi khối A1 nên em chưa biết điểm chuẩn thế nào, nếu bằng năm ngoái thì em mới có cơ hội”, Hiền cho biết.
Một số thí sinh khác cho biết đề Anh khá dài với 80 câu. Nhiều em chỉ tự tin được 70%, còn 30% thì không chắc lắm, phải đoán và đánh bừa câu trả lời.
* Tại TPHCM: Tình hình giao thông tốt
Tại TPHCM, tình hình giao thông trật tự trên các tuyến đường khá tốt do các thí sinh và phụ huynh đến điểm thi sớm. Cũng như môn Vật Lý ngày hôm trước, các thí sinh không rời phòng thi sớm mà ngồi nán lại đến hết giờ thi. Các thí sinh có cảm nhận chung rằng đề thi môn Hoá cũng vừa phải.
Tại các hội đồng thi ở Q.9, nhiều phụ huynh ngồi chờ con thi đã mang theo hành lý để ra thẳng bến xe miền Đông hay đứng dọc theo quốc lộ 1A để đón xe về quê.
* Huế: Tăng giá vé xe khách
Tiến sĩ Hoàng Hữu Hòa, Trưởng ban Khảo thí - Đảm bảo chất lượng giáo dục, Thường trực Hội đồng tuyển sinh ĐH Huế cho biết, kết thúc môn thi sáng nay, tại 23 địa điểm thi tuyển sinh vào ĐH Huế không có thí sinh và giám thị nào vi phạm quy chế thi. Ngay sau khi kết thúc môn thi Hoá kỳ thi tuyển sinh đợt 1 vào các khoa, trường, thành viên của ĐH Huế, hàng ngàn sĩ tử quê Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá... đã vội sắp xếp hành lý, tới khu vực đường tránh TP. Huế và hai bến xe phía Nam - Bắc TP. Huế mua vé xe về quê.
Tại khu vực đường tránh Tứ Hạ và Cầu Tuần (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế), tận dụng cơ hội hiếm hoi, nhiều lái phụ xe khách Nam - Bắc chạy qua tuyến đường này đã tự ý nâng giá vé từ 1,5 đến 2 lần so với quy định. Cụ thể, vé Huế đi Hà Tĩnh ngày thường có giá 120.000đ/vé/khách nhưng trưa ngày 5.7 tại khu vực Tứ Hạ đã có giá từ 150.000đ đến 200.000đ/vé. Lái phụ xe các tuyến còn lại cũng theo đó mà tăng giá từ 50.000đ đến 70.000đ/vé.
Trong số 270 tình nguyện viên đến từ Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên – Huế tham gia tiếp sức mùa thi tuyển sinh vào ĐH Huế có 2 tình nguyện viên là sinh viên người nước ngoài. Hai sinh viên này cùng các tăng ni chùa Đức Sơn chuẩn bị hàng ngàn suất cơm chay miễn phí giúp thí sinh và phụ huynh nghèo ở xa về TP Huế dự thi tuyển sinh đợt 1 vào ĐH Huế. Hòa thượng Thích Giác Quang, Phó Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên – Huế cho biết, công tác tiếp sức mùa thi đã có tác động tích cực, thu hút nhiều thành phần xã hội cùng tham gia, không riêng tăng ni, phật tử mà còn thu hút nhiều tổ chức, cá nhân khác ở trong và ngoài nước hưởng ứng.
* Đà Nẵng: “Cháy” tàu xe về quê
Không thuận lợi như ngày đầu tiên, trong buổi thi cuối cùng (sáng 5.7), thời tiết ở Đà Nẵng trở nên nóng bức đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm bài của các thí sinh. Thí sinh Nguyễn Quang Lâm, thi tại Hội đồng thi trường Trần Hưng Đạo, buồn rầu: Do áp lực, nên suốt đêm qua em không ngủ được. Sáng nay, thời tiết nóng nực nên làm bài không được tốt lắm.
Theo báo cáo nhanh của Hội đồng tuyển sinh ĐH Đà Nẵng, kết thúc buổi thi sáng nay có thêm 3 thí sinh bị đình chỉ do sử dụng điện thoại ở HĐT ĐH Kinh tế, CĐ Công nghệ và THCS Lê Thị Hồng Gấm. Tỷ lệ thí sinh dự thi sau trong đợt 1 đạt 86,06%.
Sau khi kết thúc môn thi cuối cùng, hàng nghìn sĩ tử cùng người thân đã đổ dồn về các bến xe, nhà ga để trở về quê đã gây nên tình trạng “cháy” tàu xe. Lợi dụng tình hình này, nhiều nhà xe đã nâng giá lên 20-30% so với ngày thường. Nhiều thí sinh không mua được vé tàu xe đã quyết định ở lại Đà Nẵng để tham quan và tắm biển.
Kết thúc đợt thi đầu tiên: Cả nước có 129 thí sinh vi phạm
Báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT về đợt thi ĐH đầu tiên cho biết, toàn quốc có 125 đại học, học viện và trường đại học tổ chức thi tuyển sinh đại học khối A, A1 và V. Số điểm thi là 1.023; số phòng thi là 29.916. Tổng số cán bộ tham gia tổ chức thi của cả nước là 76.230.
Trong đợt 1 này, tổng số thí sinh đăng kí dự thi là 869.233. Tuy nhiên, số thí sinh dự thi và tỷ lệ dự thi so với số đăng kí dự thi đạt thấp hơn. Cụ thể, buổi thi Toán có 662.096 thí sinh dự thi, đạt tỷ lệ 76,17 % (năm 2011 là 76,92%); đến buổi thi Lý nhiều em bỏ thi, chỉ có 660.553 thí sinh thi, đạt tỷ lệ 75,99 % (năm 2011 là 76,34%); buổi thi Hóa, Anh sáng nay chỉ còn 658.791 thí sinh, đạt tỷ lệ 75,79 (năm 2011 là 76,10%). Như vậy, tỷ lệ thí sinh dự thi tuyển sinh ĐH hệ chính quy đợt I năm 2012 tương đương cùng kỳ năm 2011.
Bộ GD-ĐT nhận định, đề thi có nội dung nằm trong chương trình trung học phổ thông, chủ yếu là lớp 12; không có sai sót cả về nội dung và hình thức; đề thi có khả năng phân loại thí sinh. Các Hội đồng tuyển sinh đã tích cực chuẩn bị và nghiêm túc triển khai công tác coi thi. Nhìn chung, Quy chế thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy đã được nghiêm túc quán triệt thực hiện. Tại các Hội đồng thi, không khí trường thi trật tự, an toàn, các vi phạm Quy chế tuyển sinh được phát hiện, xử lý kịp thời, dứt điểm và nghiêm minh.
Trong cả 3 buổi thi đợt I, toàn quốc có 129 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật, tăng 3 trường hợp so với cùng kỳ 2011 (khiển trách 27; cảnh cáo 6; đình chỉ 92 và 4 thí sinh đến muộn không được dự thi); có 2 cán bộ bị xử lý kỷ luật đình chỉ, giảm 4 trường hợp so với đợt I năm 2011. Sai sót trong công tác coi thi của 2 cán bộ coi thi tại phòng thi số 333, điểm thi THPT Dân lập Nguyễn Trường Tộ thuộc cụm thi Vinh (Nghệ An) đã được Hội đồng tuyển sinh kịp thời xử lý theo hướng giữ nghiêm kỷ cương trường thi và bảo đảm quyền lợi của thí sinh.
Tình hình thời tiết, giao thông, khí hậu tại các thành phố lớn trong cả 3 buổi thi nhìn chung dịu mát, thuận lợi cho việc dự thi của thí sinh. Buổi sáng ngày 4.7 tuy có mưa lớn tại một vài nơi ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nhưng không ảnh hưởng nhiều đến công tác tổ chức thi và việc dự thi của thí sinh. Đặc biệt, đã không xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn; một vài hiện tượng ùn tắc cục bộ tại thành phố Hồ Chí Minh trước và sau giờ thi, đã được các lực lượng cảnh sát giao thông và thanh niên sinh viên tình nguyện phối hợp xử lý kịp thời.
Ở tất cả các Hội đồng thi, điện, nước được cung cấp ổn định; không xảy ra sự cố mất điện, mất nước.
Chương trình Tiếp sức mùa thi tiếp tục được triển khai và thể hiện tác dụng tích cực đối với công tác tổ chức thi. Trên phạm vi toàn quốc, đã huy động trên 21.200 thanh niên, sinh viên tình nguyện hỗ trợ công tác tổ chức thi. Lực lượng thanh niên, sinh viên tình nguyện thực hiện Chương trình tiếp sức mùa thi có hiệu quả: tham gia phân luồng, giảm ùn tắc giao thông, hướng dẫn thí sinh đến các điểm thi, hỗ trợ việc đi lại, ăn ở cho thí sinh, tham gia giữ gìn an ninh, trật tự bên ngoài các khu vực thi.
Đánh giá sơ bộ của Bộ GD-ĐT cho thấy, đợt 1 Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012 đã diễn ra trật tự, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Các đại học, học viện và các trường đại học đã thực hiện nghiêm túc Quy chế thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy, tổ chức tập huấn và phổ biến đầy đủ quy định của Quy chế cho cán bộ tham gia công tác tổ chức thi và thí sinh. Đợt thi được chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, được tổ chức nghiêm túc trên phạm vi toàn quốc. Kỷ cương trường thi được tăng cường, các hiện tượng vi phạm quy chế thi bị phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm túc. |
. Theo SGGP |