Đây là một trong những nội dung quan trọng của Đề án Tổ chức cấp cứu trên đường cao tốc do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải đang tập trung xây dựng, nhằm góp phần hạn chế nguy cơ tử vong, cũng như thương tật cho các nạn nhân bị tai nạn giao thông.
Theo nội dung của đề án này sẽ tiến hành xây dựng hệ thống trạm cấp cứu tai nạn giao thông dọc các tuyến quốc lộ và đường cao tốc. Khi có thông báo tai nạn, chỉ sau 10-15 phút, cán bộ y tế có thể tiếp cận với người bị nạn, cấp cứu tại chỗ và vận chuyển nạn nhân đến các cơ sở y tế an toàn.
Hiện nay, mỗi năm Việt Nam có từ 11.000-12.000 người tử vong do tai nạn giao thông, nhưng việc cấp cứu nạn nhân tại hiện trường hầu như không thực hiện được. Đặc biệt, tai nạn thương tích là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 tại Việt Nam, trong đó chủ yếu là tử vong do tai nạn giao thông đường bộ chiếm gần 95%. Dọc các tuyến quốc lộ hầu hết đều có trạm y tế nhưng lại nằm xa đường, khoảng cách giữa các trạm không đồng đều, chủ yếu tập trung ở vùng đông dân cư. Số lượng nhân viên các trạm rất ít, trình độ cấp cứu tai nạn, chấn thương còn hạn chế.
Ngoài ra, một số tuyến đường cao tốc mới mở có ít, thậm chí là không có trạm y tế. Trong khi đó, theo tính toán của các chuyên gia, nếu đào tạo được kiến thức cấp cứu cho đội ngũ cộng tác viên, xây dựng các trạm sơ cấp cứu dọc các tuyến đường thì mỗi năm nước ta có thể giảm được 10% số người bị chết do tai nạn giao thông.
. Theo SGGP |