Đợt 2, kỳ thi đại học - cao đẳng 2012:
Các thí sinh phấn khởi hoàn tất môn thi cuối
14:29', 10/7/ 2012 (GMT+7)

Các thí sinh phấn khởi sau khi làm tốt bài thi môn Hóa tại Trường Đại học Bách khoa TPHCM.

Sáng nay, 10.7, các thí sinh làm bài thi môn cuối trong kỳ thi đại học đợt 2. Thí sinh khối B thi môn Hóa; khối D thi tiếng Anh (trắc nghiệm, 90 phút) còn thí sinh khối C thi môn Địa (tự luận, 180 phút).

Môn Hóa: Đề thi vừa sức

Kết thúc môn thi cuối cùng của khối B, nhiều thí sinh tự tin bước ra khỏi phòng thi trong tâm trạng phấn khởi vì đề Hóa không quá khó, có sự phân loại cao với khoảng 4 câu khó. Tuy nhiên, để có thể đạt điểm tối đa đòi hỏi thí sinh ngoài việc bám chắc kiến thức sách giáo khoa cần có kỹ năng làm các bài tập nâng cao.

Ghi nhận chung với các thí sinh tại Hội đồng thi ĐH Y Hà Nội cho thấy, các thí sinh phấn khởi vì đề Hóa không quá phức tạp và rất dễ lấy điểm. Nếu so với các đề thi những năm trước, đề thi năm nay có phần đơn giản hơn, thí sinh không phải tính toán quá nhiều.

Nhiều thí sinh cho hay, với sức học tập thuộc loại trung bình khá, thì lấy được 5-6 điểm là điều quá đơn giản. Còn nếu học lực loại khá thì điểm 7-8 cũng không quá khó khăn. Nhưng để kiếm được điểm 9-10 Hóa thì đòi hỏi thí sinh phải cố gắng nhiều vì có 2-3 câu khá phức tạp, dành cho học sinh giỏi Hóa.

Thí sinh Nguyễn Thị An, THPT Hải Hậu A, Nam Định, dự thi vào ĐH Y Hà Nội cho biết, trong các môn, môn Hóa em làm bài tốt nhất.  “Đề thi năm nay tương tự với năm ngoái. Em đã ôn luyện trước khi đi thi đại học nên toàn bộ số câu hỏi trong đề ra đều làm được. Trong số 50 câu, có 5 câu thuộc dạng nâng cao để phân loại thí sinh. Em làm bài còn thời gian nhưng để đạt điểm cao nhất, em vẫn ở lại phòng thi cẩn thận rà lại nhiều lần từng câu”, thí sinh An cho hay.

Nhiều thí sinh khác cũng đồng tình, trong ba môn thi của khối B, môn Hóa là môn dễ kiếm điểm nhất.

Trường Đại học Y Hà Nội năm nay có 22 điểm thi, tất cả đều diễn ra hết sức nghiêm túc. Đã có 14.455 thí sinh đến dự thi, đạt 73,7% trong tổng số thí sinh nộp hồ sơ đăng ký. Vẫn như hàng năm, chỉ tiêu của trường năm nay lấy 1.000 thí sinh. Duy nhất một trường hợp thí sinh dự thi vào Đại học Y Hà Nội bị đình chỉ thi do mang điện thoại vào phòng thi.

Môn Anh: Thí sinh cười tươi

Trong khi đó, kết thúc môn tiếng Anh của khối D, nhiều thí sinh cũng ùa ra ngoài với nét mặt thoải mái, một phần vì các em đã kết thúc kỳ thi căng thẳng, một phần vì đề tiếng Anh được các em đánh giá là dễ thở. Theo quan sát của phóng viên, vì là môn cuối, nên các thí sinh rất thận trọng, gần như không có thí sinh ra ngoài phòng thi sớm như một số môn thi trước đó.

Nhiều thí sinh dự thi tại điểm thi trường ĐH Hà Nội nhận định, dù khó hơn nhiều so với đề tiếng Anh khối A1, tuy nhiên đề tiếng Anh khối D năm nay cũng chỉ tương đương với mọi năm, học sinh khá giỏi đạt 7-8 điểm, tuy nhiên để đạt điểm tuyệt đối không dễ.

Khác với ĐH Hà Nội, nhiều thí sinh dự thi tại ĐH Kinh doanh và Công nghệ chỉ tự tin với 50-60% bài làm. Thí sinh Trương Thị Huyền (Vĩnh Phúc) cho biết, hai bài đọc đề tiếng Anh năm nay dài và khó, nhiều từ mới, đọc đi đọc lại cũng chỉ hiểu 30%, vì thế, em để hai bài đọc làm cuối cùng.

Tại điểm thi ở Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, các thí sinh thi vào ĐH Hà Nội lại cho biết đề thi tiếng Anh khối D năm nay tương đối dễ thở, vừa sức và “nhẹ” hơn đề tiếng Anh của khối A1, nhất là ở phần đọc hiểu.

“Đề thi 80 câu, trong đó những câu ở phần đọc hiểu khá nhẹ nhàng, chỉ có một số câu hỏi lẻ hơi khó. Em thấy đề dễ hơn tiếng Anh khối A1 và cũng nhẹ nhàng hơn so với năm ngoái. Nếu chăm chỉ học tiếng Anh, nắm chắc kiến thức cơ bản có thể đạt điểm 6, điểm 7. Các bạn học khá hoàn toàn có thể đạt 9,10 điểm”, thí sinh Hoàng Thị Huyền, học sinh trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội cho biết.

Một số thí sinh cho rằng trong 90 phút mà đề Anh có 80 câu là hơi dài, nhiều bạn phải tận dụng tối đa thời gian mới làm kịp. Tuy nhiên, nhiều thí sinh khác lại cho biết đề Anh 80 câu là không có gì lạ, vì gần như đề Anh năm nào cũng 80 câu.

Đưa địa danh Trường Sa, Hoàng Sa vào đề thi Địa lý

Với đề Địa khối C, đề thi được thí sinh đánh giá là khá dài, nhiều kiến thức, đòi hỏi thí sinh phải nắm rất chắc kiến thức mới đạt điểm cao. Đặc biệt, tiếp sau đề thi Địa lý tốt nghiệp THPT năm 2012, đề Địa thi ĐH tiếp tục đề cập đến vấn đề biển đảo, là một vấn đề đang rất thời sự hiện nay.

Câu 1 có 2 ý (2 điểm) yêu cầu trính bày họat động và hậu quả bão ở nước ta? Cho biết nguyên nhân gây mưa vào mùa hạ cho cả 2 miền Nam, Bắc và tháng 9 cho miền Trung; nêu đặc điểm dân số Việt Nam, tại sao dân số đông cũng là một thế mạnh để phát triển kinh tế của nước ta?

Câu 2 (3 điểm) yêu cầu chứng minh rằng tài nguyên du lịch của nước ta rất đa dạng; phân tích các thế mạnh về kinh tế-xã hội của Đồng bằng sông Hồng, tại sao việc làm là một vấn đề nan giải của vùng này?. Câu 3 (3 điểm) yêu cầu thí sinh vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện giá trị sản lượng và và giá trị xuất khẩu thủy sản của nước ta giai đoạn 2005-2010?

Phần riêng (2 điểm) là một câu hỏi thú vị khi ở chương trình chuẩn, đề thi yêu cầu thí sinh chứng minh rằng vùng biển nước ta giàu tài nguyên khoáng sản và nguồn lợi sinh vật biển. Đề thi cũng hỏi thí sinh các huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Vân Đồn, Cồn Cỏ thuộc tỉnh thành nào?

Nhận xét về đề thi Địa năm nay, đa phần các thí sinh cho rằng so với thời gian 180 phút thì thí sinh có đủ giờ làm bài thi. “Nhìn chung đề thi môn Địa năm nay không khó. Phần câu hỏi về biển và du lịch trung phần được thầy cô ôn kỹ nên bọn em làm bài được”, thí sinh Trần Thị Thúy, trường THPT Giao Thủy A, Nam Định dự thi vào trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG Hà Nội nhận xét.

Cũng theo nhiều thí sinh dự thi vào trường này, đề Địa không bắt buộc thí sinh phải nhớ kiến thức máy móc mà yêu cầu thí sinh nắm chắc kiến thức, hiểu biết để phân tích mới đạt điểm tốt.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga kiểm tra đột xuất các điểm thi

Sáng 10.7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức nhiều đoàn đến kiểm tra tại các Hội đồng thi. Đoàn kiểm tra lưu động đột xuất do Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Trưởng Ban Chỉ đạo tuyển sinh đại học, cao đẳng 2012 dẫn đầu đã đến Học viện Ngoại giao, Học viện Hành chính.

Tại điểm thi Học viện Ngoại giao, tỷ lệ thí sinh tới dự thi hơn 70%. Điểm tuyển sinh của trường mọi năm khá cao nên chất lượng thí sinh dự thi cũng tốt, ý thức đa phần thí sinh đều cao. Học viện Ngoại giao còn bố trí các ghế ngồi cho phụ huynh phía bên ngoài điểm thi để hỗ trợ phần nào cho các phụ huynh trong thời gian chờ đợi thí sinh. Đồng thời, cũng để tránh lộn xộn trước cổng điểm thi.

Học viện Hành chính năm nay có hơn 5.500 thí sinh đăng ký dự thi, tỷ lệ thí sinh đến thi đạt hơn 71%, trong đó khối C chiếm tỷ lệ lớn 76,47%. So với mọi năm, tỷ lệ này không biến động nhiều.

Dù đã tăng cường nhắc nhở nhưng vẫn còn thí sinh mang điện thoại di động vào phòng thi. TS Hoàng Quang Đạt – Điểm trưởng điểm thi Học viện Hành chính cho biết, trường đã bố trí lực lượng sinh viên tình nguyện ngay bên ngoài điểm thi, nhắc nhở thí sinh từ vòng ngoài về các vật dụng được phép và không được phép mang vào phòng thi.

Trước khi thi, giám thị cũng nhắc nhở thêm nhiều lần để tránh tình trạng các em để quên điện thoại trong người. Tuy nhiên, vẫn có 1 thí sinh bị đình chỉ trong giờ thi môn Sử do mang điện thoại di động. Môn Văn có 3 thí sinh bị đình chỉ do sử dụng tài liệu. Do địa điểm rộng, trường đã bố trí chỗ ngồi cho thí sinh rất rộng, nhiều phòng thi các thí sinh ngồi cách nhau hơn 1,2m, đảm bảo trật tự, an toàn, tránh việc nhìn bài, đưa bài và giám thị kiểm soát cũng dễ dàng hơn. Tỷ lệ giám thị là sinh viên chỉ chiếm số lượng rất ít (mỗi điểm thi chỉ 5, 6 người).

Sau khi kiểm tra thực tế, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhận xét: Không khí trường thi tại các điểm thi đều nghiêm túc, các trường đều có ý thức trong việc nhắc nhở thí sinh cũng như tập huấn giám thị. Các thầy cô giáo đã nêu cao ý thức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đề thi các môn trong đợt 2 được các chuyên gia cũng như dư luận đánh giá khá tốt, có tính phân loại cao, đảm bảo yêu cầu chọn lọc ra thí sinh giỏi của Bộ.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho biết, thực tế hiện nay lịch thi còn chưa hợp lý, ngày thi đầu tiên thí sinh phải dự thi 2 môn tự luận liên tục nên thời gian thi kéo dài trong khi ngày thi cuối lại khá nhẹ nhàng với duy nhất một môn thi trắc nghiệm. Trong thời gian tới, Bộ sẽ nghiên cứu sắp xếp lại lịch thi để đảm bảo sức khỏe cho thí sinh.

Trong buổi thi đầu tiên, tại các thành phố lớn không xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông lớn làm ảnh hưởng tới thí sinh. Một số tuyến đường chính do giờ đi thi gần với giờ đi làm nên có ùn tắc nhẹ, lực lượng sinh viên, thanh niên tình nguyện đã cùng các lực lượng chức năng kịp thời can thiệp, giải tỏa tránh ùn tắc lớn. Việc phân luồng, hướng dẫn thí sinh tới điểm thi cũng được thực hiện tốt.

 

Buổi thi cuối: 52 thí sinh bị kỷ luật

Theo báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT, sáng nay, môn thi cuối cùng của ĐH đợt 2 có 598.658 dự thi. Như vậy, so với môn thi đầu tiên của đợt thi này, đã có 4.938 thí sinh bỏ thi. Ở đợt thi này, tỷ lệ thí sinh dự thi đạt  80,17%.

Trong buổi thi sáng 10.7, thí sinh khối B thi môn Hóa học, khối D thi môn Ngoại ngữ theo hình thức trắc nghiệm (90 phút), khối C thi môn Địa lí theo hình thức tự luận (180 phút), khối Năng khiếu thi các môn năng khiếu. 

Tình hình thời tiết và giao thông: thời tiết tại các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên khá dịu mát; ở Vinh, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh tuy nhiệt độ có cao hơn nhưng nhìn chung vẫn thuận lợi đối với việc dự thi của thí sinh. Ở các đô thị, không xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông; hầu hết thí sinh đến dự thi đúng giờ. Bộ GD-ĐT khẳng định, đề thi được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu; không có sai sót.

Nhìn chung, Quy chế được chấp hành nghiêm túc tại các Hội đồng thi; không khí trường thi trật tự, an toàn. Những vi phạm Quy chế và sai sót của thí sinh và cán bộ làm công tác thi đã được phát hiện và xử lý kịp thời. Trong buổi thi, có 52 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật (khiển trách 10, cảnh cáo 5, đình chỉ thi 37); không có cán bộ coi thi nào bị xử lý kỷ luật.

Như vậy, cả đợt thi ĐH thứ 2, cả nước có 192 thí sinh bị kỷ luật (ngày đầu có 140 thí sinh bị kỷ luật), trong đó 161 thí sinh bị đình chỉ thi.

Buổi thi cuối của đợt 2I, Kỳ thi tuyển sinh ĐH- CĐ năm 2012 diễn ra trật tự, an toàn, suôn  sẻ.

 

Đại học Huế: Tri ân lòng hảo tâm của bà con Phật tử

Trưa 10.7, TS. Hoàng Hữu Hòa, Trưởng ban Khảo thí và Đảm bảo chất lương giáo dục, Thường trực Hội đồng tuyển sinh ĐH Huế cho biết: Ở môn thi tuyển sinh cuối cùng tại ĐH Huế vào sáng 10.7, 100% thí sinh và giám thị không vi phạm quy chế thi. Rất nhiều phụ huynh và sĩ tử muốn qua Báo SGGPO cảm ơn và tri ân tấm lòng hảo tâm của bà con Phật tử Huế, các bác nông dân ở thị xã Hương Trà và Hương Thủy đã tạo điều kiện và giúp đỡ thí sinh về nơi ăn chốn ở trong những ngày thi tuyển sinh đại học. Ngoài 12.000 suất cơm chay miễn phí do Ban Trị sự Giáo hội Phật Giáo Thừa Thiên – Huế giúp phụ huynh và thí sinh nghèo ở xa, các bác nông dân vùng TP Huế cũng tham gia tiếp sức mùa thi bằng việc bố trí gần 2.000 chỗ ăn ở miễn phí và động viên thí sinh như người ruột thịt.

Trong khi đó, theo ghi nhận của Phóng viên SGGPO, vẫn còn nhiều người lợi dụng mùa thi để kiếm tiền bất chính. Đoạn đường từ trường ĐHKH Huế đến bến xe phía Nam ngày thường có giá từ 10.000-15.000đ/khách nhưng sau môn thi cuối cùng ở kỳ thi tuyển sinh ĐH Huế lần 2, nhiều tay xe thồ đã nâng giá từ 20.000đ-30.000đ/thí sinh. Nhiều người còn bất chấp luật lệ ATGT chở cả phụ huynh và thí sinh/xe máy với giá 50.000đ/chuyến từ địa điểm thi trường ĐH Sư phạm Huế đến bến xe phía Nam TP Huế. Cùng thời điểm, tại bến xe phía Nam TP Huế, lợi dụng sĩ tử và người thân có nhu cầu hồi hương sau khi dự thi tuyển sinh vào các khoa, trường thành viên ĐH Huế, các xe khách mang biển 43 và 75 sau khi xuất bến tiếp tục đậu đỗ, quần đảo đón khách khiến cho nhiều hành khách không vào bến mua vé, đứng lộn xộn dọc quốc lộ 1A đoạn phía trước bến chờ xe, gây mất trật tự ATGT… 

. Theo SGGP

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chưa giảm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp  (10/07/2012)
Tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông vào ngày 19.11.2012  (10/07/2012)
“PetroVietnam vẫn khai thác dầu khí bình thường trên Biển Đông”  (10/07/2012)
Thị trường phân đạm ure sẽ hạ nhiệt vào quý III   (10/07/2012)
Chủ tịch Quốc hội tiếp Chủ tịch Cuba Raul Castro   (10/07/2012)
Số thí sinh thi đại học vi phạm bị xử lý tăng đột biến  (10/07/2012)
Cấm nuôi trồng thủy sản vùng ảnh hưởng an ninh quốc phòng  (09/07/2012)
Giá đường trong nước cao hơn thế giới 30-40%  (09/07/2012)
Xây trạm cấp cứu tai nạn giao thông trên các tuyến đường cao tốc và quốc lộ  (09/07/2012)
Đề thi môn Văn và Sinh học vừa sức  (09/07/2012)
Sẽ chấm thanh tra lại kết quả thi tốt nghiệp của một số địa phương  (09/07/2012)
Chủ tịch Cuba thăm hữu nghị chính thức Việt Nam: Thắt chặt tình hữu nghị, đẩy mạnh hợp tác xây dựng hai nước phồn vinh  (09/07/2012)
Gần 600.000 thí sinh dự thi môn đầu tiên đợt 2   (09/07/2012)
Miền Bắc và miền Trung nắng nóng trong đợt 2 thi đại học  (08/07/2012)
Yêu cầu giảm lãi các khoản vay cũ xuống dưới 15%/năm  (08/07/2012)