Các khu kinh tế được xem là đòn bẩy để phát triển kinh tế hướng biển của từng địa phương cũng như thực hiện Chiến lược Biển cả nước.
Thế nhưng, hiện chưa một khu kinh tế nào thực sự được xem là một khu kinh tế theo đúng nghĩa, được giới đầu tư quốc tế quan tâm, nhất là các công ty đa quốc gia.
Việc lựa chọn khu kinh tế, phân kỳ phát triển khu kinh tế sẽ có tác động quan trọng tới việc phát triển kinh tế-xã hội địa phương, vùng và cả nước gắn với thực hiện định hướng Chiến lược phát triển trong tái cơ cấu nền kinh tế đi liền với đổi mới mô hình tăng trưởng đang là nhiệm vụ cấp bách hiện nay.
|
Một góc Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy. |
Kết quả còn nhỏ so với tiềm năng
Trải qua hơn 10 năm phát triển, tính đến nay, cả nước có 15 khu kinh tế ven biển ở cả 3 miền Bắc-Trung-Nam, trên tổng diện tích 662.249 ha.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các khu kinh tế còn một số vấn đề bất cập như chất lượng quy hoạch chưa tốt, phát triển quá nhanh về số lượng, đầu tư phát triển còn dàn trải, cơ cấu đầu tư chưa hợp lý…
Trong đó, vấn đề bất cập chủ yếu là các khu kinh tế hiện nay vẫn dựa chủ yếu vào ngân sách Trung ương trong khi nguồn lực của Nhà nước có hạn, chưa huy động nhiều các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển khu kinh tế.
Theo các chuyên gia kinh tế, hiệu quả của các khu kinh tế hiện nay vẫn chưa cao. Các khu kinh tế mới thu hút được 31 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 564.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, tỷ lệ lấp đầy chưa đạt 40%.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là một con số còn nhỏ so với tiềm năng của các khu kinh tế ven biển Việt Nam. Hầu hết các khu kinh tế vẫn trong giai đoạn mới hình thành, khác với khu công nghiệp, khu kinh tế có diện tích lớn hơn rất nhiều lần, bao gồm cả núi, đồi, sông biển và các hoạt động xã hội, dân sinh.
Mặt khác các khu kinh tế được hình thành chủ yếu ở vùng duyên hải, khó khăn, xuất phát điểm thấp hơn so với nơi có các khu công nghiệp rất nhiều. Điều này gây khó khăn cho phát triển các khu kinh tế.
Tập trung nguồn lực cho nhóm khu kinh tế ưu tiên
Tại cuộc hội thảo lấy ý kiến về Đề án "Rà soát, xây dựng tiêu chí lựa chọn một số khu kinh tế ven biển để tập trung đầu tư phát triển trong giai đoạn từ năm 2013" của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho rằng nhiệm vụ cấp bách hiện nay là phải xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí cụ thể để rà soát, phân loại các khu kinh tế đã thành lập, xác định một số khu kinh tế trọng điểm tại 3 vùng Bắc, Trung, Nam để tập trung nguồn nhân lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Đóng góp ý kiến tại Hội thảo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Bộ cần nghiên cứu điều chỉnh hoạt động của các khu kinh tế gắn với chuyên môn hóa trong một số nghề, lĩnh vực là lợi thế so sánh của từng khu kinh tế để tạo bước đột phá, tránh gây cạnh tranh giữa các khu kinh tế.
Một giải pháp không kém phần quan trọng là cần tiếp tục huy động nguồn vốn để hoàn thiện các công trình hạ tầng trong khu kinh tế, từ đó thu hút thêm các dự án đầu tư vào khu kinh tế ven biển.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Đan Đức Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng, nhấn mạnh cần có sự ưu tiên, bố trí vốn đầu tư đối với một số khu kinh tế có hiệu quả và phát huy được lợi thế so sánh của vùng. Tuy nhiên cũng cần có sự sắp xếp, ưu tiên nào trước ưu tiên nào sau để có thể đạt hiệu quả cao nhất trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn hiện nay.
Vấn đề quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu về lao động ở các khu kinh tế ven biển và các dự án đầu tư trong khu kinh tế ven biển cũng được nhiều chuyên gia đề cập. Cùng với đó, cần xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia cho các khu kinh tế ven biển Việt Nam, song song với việc ban hành các tài liệu xúc tiến đầu tư, để nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư vào khu kinh tế ven biển.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần xây dựng cơ chế, chính sách riêng huy động các nguồn vốn đầu tư, sự tham gia của các thành phần kinh tế vào xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư sản xuất kinh doanh trong khu kinh tế dưới các hình thức đầu tư; trong đó, trọng điểm là các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư; đầu tư phát triển khu kinh tế cần tiến tới việc giảm dần trợ cấp tài chính của Nhà nước và tăng dần tỷ trọng vốn đầu tư khu vực tư nhân.
Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng và lấy ý kiến về Đề án "Rà soát, xây dựng tiêu chí lựa chọn một số khu kinh tế ven biển để tập trung đầu tư phát triển trong giai đoạn từ năm 2013."
Ông Vũ Đại Thắng, Vụ trưởng Vụ quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị soạn thảo Đề án, đưa ra một số tiêu chí để đánh giá, lựa chọn khu kinh tế. Đó là thuận lợi trong giao thông đi lại và vận chuyển hàng hóa; trong đó, yếu tố hàng đầu là cảng biển, sân bay và đường giao thông.
Vị trí các khu kinh tế ở gần trung tâm kinh tế của vùng, của địa phương sẽ là những điều kiện tốt cho giao lưu kinh tế, thương mại, dịch vụ, phát triển nguồn nhân lực. Ngoài ra, một yếu tố rất quan trọng là hệ thống kết cấu hạ tầng trong khu kinh tế và vai trò dẫn dắt, hoạt động của các dự án đầu tư trong khu kinh tế.
Trong đề án cũng đã xác định nhóm các khu kinh tế ven biển ưu tiên đầu tư tập trung trong giai đoạn 2012-2015 gồm: khu kinh tế Chu Lai - Dung Quất (Quảng Nam - Quảng Ngãi), khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng); khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa), khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) và khu kinh tế đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới (Kiên Giang).
Theo nhiều chuyên gia, trước mắt cần tập trung cơ chế, chính sách, nguồn lực để nâng cao hiệu quả của các khu kinh tế đã thành lập mà trước hết là 5 nhóm khu kinh tế đã được lựa chọn như đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ưu tiên các nguồn lực, trong đó có cả nguồn vốn ngân sách Nhà nước, cho nhóm các khu kinh tế ưu tiên.
. Theo TTXVN
|