Không khỏi kinh ngạc trước con số 205 cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương - Thanh Hóa mà UBND tỉnh này thống kê trong công văn khẩn báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Cho dù con số cán bộ xã Quảng Vinh do tỉnh Thanh Hóa báo cáo thấp hơn con số “xã có 500 cán bộ” mà báo chí đề cập trước đó song cũng đủ khiến dư luận giật mình về điều mà có người cho là “lạm phát cán bộ”.
Không gọi là lạm phát sao được khi chỉ tại một đơn vị hành chính cấp thấp nhất trong hệ thống chính trị đã có tới hơn 200 cán bộ. Đó là chưa kể tính xác thực trong con số mà UBND tỉnh Thanh Hóa đưa ra. Bởi trong báo cáo mà Đảng ủy xã Quảng Vinh gửi UBND huyện Quảng Xương và UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 5.7 có thống kê tổng số cán bộ được hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách Nhà nước và do địa phương chi trả từ xã đến thôn của xã này là 254 người.
Tất nhiên, địa phương có rất nhiều lý do để giải thích, thanh minh cho việc vì sao chỉ một xã mà có tới ngần ấy cán bộ. Thế nhưng, dù lý giải ra sao thì cũng không thể phủ nhận được thực tế là bộ máy ăn lương ngân sách nhà nước và địa phương quá cồng kềnh, nặng nề.
Thực tế cồng kềnh của bộ máy hành chính, đoàn thể ở xã Quảng Vinh có thể thấy ở không ít địa phương, ngành khác trên cả nước. Đó chẳng khác nào một thứ nghịch lý trớ trêu khi hằng năm người ta vẫn nghe rất nhiều tuyên bố to tát cũng như biện pháp nhằm cải cách bộ máy hành chính, tinh giản biên chế.
Một trong những hệ lụy đáng lo là bộ máy càng phình to, số lượng người ăn lương ngân sách càng nhiều thì lương cán bộ, công chức càng khó được cải thiện do không thể phá vỡ cơ cấu chi ngân sách. Lương cán bộ và công chức không đủ sống từ lâu đã là một bài toán nan giải, trong đó trả lương đủ sống đang được xem là một giải pháp để chống tiêu cực, tham nhũng.
Trường hợp hơn 200 cán bộ ở một xã như xã Quảng Vinh là cá biệt hay phổ biến? Hy vọng con số giật mình này sẽ giúp mở ra cuộc tổng rà soát trên cả nước về tình trạng “lạm phát” cán bộ.
. Theo NLĐ |