Để được công nhận nông thôn mới: Thu nhập bình quân 22 triệu đồng/người
14:48', 15/7/ 2012 (GMT+7)

Theo Bộ NN-PTNT, trong quá trình triển khai các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở 11 xã điểm cũng như nhân rộng ra cả nước đã bộc lộ một số tiêu chí “xã nông thôn mới” chưa phù hợp với tình hình thực tế ở nhiều địa phương trong cả nước hiện nay. Vì vậy để thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới Trung ương, Bộ NN-PTNT đang soạn thảo một số nội dung bổ sung, sửa đổi phù hợp cho Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới để trình Thủ tướng Chính phủ.

Tiêu chí còn bất cập

Theo ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, tháng 4-2009, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 491/QĐ-TTg về việc ban hành Bộ Tiêu chí quốc gia nông thôn mới. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai thí điểm tại 11 xã điểm trong cả nước và gần 2 năm triển khai ra diện rộng, nhiều địa phương cho rằng các tiêu chí nông thôn mới còn bất cập.

Chẳng hạn tiêu chí thu nhập, hiện nay chúng ta quy định xã nông thôn mới phải có thu nhập bình quân đầu người cao hơn mức trung bình của các xã lân cận là 1,3-1,5 lần. Nhưng khi triển khai nông thôn mới ra diện rộng, tất cả các xã lân cận cũng đều phấn đấu trở thành xã nông thôn mới và đều đạt thu nhập cao thì sẽ không thể đòi hỏi một xã phải có thu nhập cao vượt trội hơn các xã xung quanh. Tương tự, tiêu chí cơ cấu lao động, mỗi xã nông thôn mới chỉ còn 35% lao động làm nông nghiệp, còn lại phải chuyển sang lao động phi nông nghiệp cũng không phù hợp. Nhiều vùng như ở Đà Lạt - Lâm Đồng hoàn toàn làm nông nghiệp với trồng hoa công nghệ cao, tỷ lệ lao động nông nghiệp lên tới 70%-80% nhưng có thu nhập rất cao (29-30 triệu đồng/người). Vì thế, “bắt buộc” phải bỏ nông nghiệp là không phù hợp.

Mới đây, khi Bộ NN-PTNT triển khai hội thảo với các địa phương để bàn thảo những nội dung cần bổ sung, sửa đổi phần lớn các địa phương đều cho rằng, cần phải sửa đổi 10 trong tổng số 19 tiêu chí trong Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, gồm giao thông, thủy lợi, văn hóa, chợ nông thôn, thu nhập, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế và môi trường.

Quy định cụ thể mức thu nhập

Từ tinh thần trên, Bộ NN-PTNT đã tổng hợp và soạn tờ trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị điều chỉnh lại năm tiêu chí thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ gồm thu nhập, cơ cấu lao động, chợ nông thôn, giáo dục và y tế. Còn các tiêu chí còn lại sẽ thuộc thẩm quyền điều chỉnh của các bộ có liên quan.

Trong đó, theo ông Lộc thì nổi bật và cũng là tiêu chí mà nhiều địa phương đang “kêu” khó thực hiện nhất hiện nay là về thu nhập bình quân đầu người ở những nơi xây dựng xã nông thôn mới. Để cụ thể hơn, giúp các địa phương dễ dàng căn cứ triển khai, Bộ NN-PTNT đưa ra 2 hướng đề xuất: Một là giữ nguyên tên tiêu chí và chỉ bổ sung, sửa đổi nội dung tiêu chí theo hướng làm rõ quy định so với bình quân thu nhập khu vực nông thôn của tỉnh (chứ không phải là thu nhập bình quân chung của cả tỉnh, trong đó bao gồm cả khu vực nông thôn và thành thị) thì mức thu nhập bình quân đầu người ở các xã nông thôn mới phải đảm bảo cao hơn 1,2 lần so với mức bình quân chung khu vực nông thôn của tỉnh.

Tuy nhiên, nhược điểm khi quy định theo cách này là mỗi địa phương có mức thu nhập riêng, dẫn đến có nhiều mức thu nhập đạt chuẩn nông thôn mới trong cả nước. Như vậy, sẽ khó đánh giá, so sánh giữa các xã đạt chuẩn nông thôn mới về thu nhập trong một vùng và trên cả nước. Và có thể có những xã đạt chuẩn về thu nhập ở miền núi phía Bắc nhưng trên thực tế mức thu nhập cũng như điều kiện sống của người dân còn rất thấp so với bình quân chung của cả nước.

Do đó, các địa phương đều cho rằng nên chọn theo cách thứ hai là quy định cụ thể về mức thu nhập bình quân đầu người. Theo đó, để được công nhận là xã nông thôn mới thì phải đảm bảo có mức thu nhập bình quân đầu người là 22 triệu đồng/năm. Trong khi theo bộ tiêu chí cũ chỉ quy định thu nhập bình quân đầu người ở các xã nông thôn mới cao hơn 1,4 lần so với mức bình quân chung của tỉnh.

Ông Lộc lý giải, sở dĩ chọn mức tiêu chí cụ thể như trên vì theo Nghị quyết 26-NQ/TW về “tam nông” thì mục tiêu đến năm 2020 phải đảm bảo đạt “thu nhập của dân cư nông thôn gấp hơn 2,5 lần so với hiện nay”. Trong khi thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn của cả nước tại thời điểm ban hành nghị quyết “tam nông” năm 2008 là 9,1 triệu đồng.

Do đó, để đạt mục tiêu tăng gấp 2,5 lần thì thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn vào năm 2020 phải đạt khoảng 22 triệu đồng/người. Một xã đạt chuẩn về tiêu chí thu nhập thì nhất thiết phải có mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn so với mức bình quân chung trên địa bàn nông thôn của cả nước, tức là cao hơn mức 22 triệu đồng/người/năm. Song đây chỉ là mức quy định chung của cả nước, còn với từng vùng cụ thể lại có những mức cụ thể. Chẳng hạn như ở hai khu vực đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ thì mức thu nhập bình quân phải đạt trên 24 triệu đồng/người, còn ở khu vực miền núi thì chỉ 20 triệu đồng.

Để đảm bảo loại trừ ảnh hưởng của trượt giá thì sau 5 năm có thể xem xét để điều chỉnh cho phù hợp.

. Theo SGGP

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thi Cao đẳng: 9 thí sinh bị xử lý kỷ luật trong môn thi đầu  (15/07/2012)
Đến năm 2013 giá bán điện bình quân theo giá thị trường  (14/07/2012)
Bệnh nhân nước ngoài “ngược dòng” đến VN chữa bệnh   (14/07/2012)
Hoạt động của ngư dân TQ ở Trường Sa là phi pháp  (14/07/2012)
Việt Nam lấy làm tiếc việc AMM-45 không ra Thông cáo chung   (14/07/2012)
Rau quả Trung Quốc về VN bị đội giá 20 lần  (13/07/2012)
Thủy điện nhỏ kêu khổ vì EVN độc quyền  (13/07/2012)
Truyền tải 11% sản lượng điện từ Bắc vào Nam  (13/07/2012)
VinaPhone cung cấp dịch vụ điện thoại trên máy bay  (13/07/2012)
Tuyển sinh ĐH-CĐ 2012: Các cụm thi hoàn tất bàn giao bài thi  (13/07/2012)
Ngân hàng không phải là tác giả của nợ xấu  (13/07/2012)
Có cả yếu kém trong thanh tra và xử lý sau thanh tra  (13/07/2012)
Đâu phải thời Chiến quốc  (12/07/2012)
“Lạm phát” cán bộ  (12/07/2012)
Đà Nẵng mua căn hộ, bán trả góp cho công chức  (12/07/2012)