Ngân hàng nhỏ chần chừ giảm lãi suất về 15%/năm
9:31', 17/7/ 2012 (GMT+7)

Sau hai ngày thực hiện chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), theo khảo sát của Tiền Phong, các ngân hàng lớn đã đồng loạt đưa lãi suất về 15%/năm, trong khi nhiều ngân hàng nhỏ chần chừ...

Ngân hàng lớn đồng loạt giảm

Chiều qua, trao đổi với phóng viên, ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch Eximbank, nói: Ngay sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của NHNN, Eximbank chỉ đạo toàn hệ thống tự động giảm lãi suất những khoản vay cũ về mức 15%/năm và thông báo cho từng khách hàng biết.

 

Hàng hóa tồn kho và nỗi lo nợ xấu. 

Việc áp dụng này được tiến hành đồng loạt đối với tất cả khách hàng, không phân biệt cá nhân hay tổ chức.

Ông Nguyễn Danh Vỹ, Phó phòng khách hàng doanh nghiệp 2, HDBank, cho biết: HDBank cũng chỉ đạo toàn hệ thống đưa lãi suất các khoản vay cũ xuống mức 15%/năm, không phân loại khách hàng vay.

Việc hạ lãi suất không gặp vướng mắc, chỉ mất một thời gian ra thông báo cho khách hàng biết. Do các điều khoản vay vốn trong hợp đồng không đổi, nên khách hàng cũng không phải tới ký lại hợp đồng.

Trước đó, 4 ngân hàng Vietinbank, BIDV, Vietcombank, Agribank chỉ đạo toàn hệ thống giảm lãi suất về 15%/năm, với tất cả khách hàng. BIDV sẽ rà soát lại toàn bộ dư nợ các khoản vay đang có mức lãi suất cao hơn 15%/năm và giảm về mức 15%/năm kể từ ngày 15.7. Với khoản vay mới, BIDV áp dụng lãi suất không quá 15%/năm.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Giám đốc Chi nhánh Agribank Cầu Giấy Nguyễn Văn Tuấn cho biết, đã giảm lãi suất về 15%/năm theo đúng chỉ đạo của hội sở.

 
Nhiều ngân hàng cổ phần nhỏ vẫn đang nghe ngóng nhìn nhau trước khi giảm lãi suất khoản vay cũ xuống 15%/năm.

Ngân hàng nhỏ chần chừ

Một số chi nhánh ngân hàng lấy lý do phải có thời gian rà soát, để tiếp tục câu giờ, chưa thực hiện ngay. Từ 12-7, hội sở Ngân hàng Kiên Long có Chỉ thị 626 gửi xuống các chi nhánh để triển khai việc hạ lãi suất các khoản vay cũ về dưới 15%/năm.

Nhưng điều kiện để thực hiện hỗ trợ lãi suất, trong đó có giảm lãi khoản vay cũ chỉ được thực hiện "trên cơ sở năng lực tài chính của các đơn vị, lập danh sách trình lên hội sở?".

Bà Võ Thị Phấn, Giám đốc chi nhánh Kiên Long Bank Hải Phòng, nói rằng chi nhánh này đã triển khai chỉ đạo trên từ ngày 13.7.

Tuy nhiên, chi nhánh mới chỉ đang rà soát các khoản vay cũ, nhưng do có hàng trăm khách hàng, chưa rà soát hết ngay được. Do vậy, cứ đến kỳ hạn nộp lãi suất, ngân hàng mới tự động điều chỉnh lãi suất trên hợp đồng.

Một cán bộ chi nhánh ngân hàng Sacombank Hải Phòng cho biết, chi nhánh này chưa triển khai ngay việc giảm lãi suất do "hội sở vẫn chưa thống nhất mức giảm lãi".

Chưa kể, muốn giảm thì phải rà soát, đánh giá lại các khoản vay cũ, tính toán mức giảm lãi suất…

Ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Cty TNHH TM&CB Thực phẩm Phú An Sinh, nói: “Sáng 16.7, tôi có hỏi về việc hạ lãi suất khoản vay cũ tại Ngân hàng Quốc tế (VIB), nhưng được trả lời chưa có gì mới, vẫn còn trình và đang chờ lãnh đạo ngân hàng duyệt nên chưa có gì chính thức”.

Ông Minh đang vay vốn của VIB với lãi suất 18,5%. Ông Minh cho biết, trước đây, để đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thức ăn, ông vay của Navibank 13 tỷ đồng với lãi suất 18%.

Theo giám đốc một chi nhánh ngân hàng nhóm 2, các ngân hàng, nhất là ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ chần chừ giảm lãi suất, vì họ vẫn đang nghe ngóng và nhìn nhau hạ lãi suất. Việc hạ lãi suất về mức dưới 15%/năm với các khoản vay cũ sẽ ảnh hưởng chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận năm nay. Và chắc lợi nhuận sẽ hụt đi nhiều.

Ngay khi nghe thông tin NHNN giảm lãi suất nợ cũ xuống 15%/năm, ông đã liên hệ nhưng ngân hàng này nói chưa triển khai cụ thể. Cho đến ngày 16.7 vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi từ phía ngân hàng.

Ông Minh cũng đến hỏi vay vốn tại ABBank để vay mới nhưng tại đây cho biết là lãi suất 17,5%, mặc dù doanh nghiệp (DN) của ông thuộc đối tượng được vay vốn ưu đãi.

Theo Giám đốc Chi nhánh Agribank Cầu Giấy Nguyễn Văn Tuấn, việc các ngân hàng phải giảm lãi suất là đương nhiên, vì nếu không, cả hai cùng chết.

Lãi suất cao, khách hàng không trả được lãi thì dù có treo lãi cao cũng chẳng tác dụng, chỉ đẩy nhanh tốc độ tăng nợ xấu. "Hiện lãi suất thấp nhất chúng tôi áp dụng là 13%/năm (dành cho các lĩnh vực ưu tiên), nhưng cũng rất ít khách hàng vay được. Vì điều kiện vay không hề thay đổi. Khách hàng triển khai dự án vẫn phải có vốn đối ứng, tài sản thế chấp...

Các khách hàng cũ hầu như không đáp ứng được điều kiện này. Với điều kiện vay vốn như hiện nay, chỉ những khách hàng mới ra làm ăn, chưa vay mượn gì mới có tài sản và vốn đối ứng, để có thể vay", ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, để DN có thể tiếp cận vốn, nên thay đổi điều kiện vay linh hoạt hơn. Còn nếu để như hiện nay vẫn sẽ tắc.

Vì không lãnh đạo ngân hàng nào dám cho DN không đủ điều kiện vay vốn, dù dự án của họ khả thi. Vì nếu gặp rủi ro, lãnh đạo ngân hàng có thể bị truy cứu hình sự.

. Theo TPO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Công bố 13 luật và 2 nghị quyết  (17/07/2012)
Tàu Trung Quốc ngang nhiên bắt cá tại Trường Sa   (17/07/2012)
Hàng Việt sẽ vào siêu thị Trung Quốc  (16/07/2012)
Tập đoàn nhà nước đồng loạt cắt giảm lương  (16/07/2012)
Kết thúc kỳ thi cao đẳng năm 2012: 91 thí sinh bị kỷ luật  (16/07/2012)
Văn phòng Chủ tịch nước công bố 6 Luật  (16/07/2012)
Xuất khẩu gỗ cần hóa giải những "rào cản" mới  (16/07/2012)
Ngày thi thứ nhất (đợt 3): 51 thí sinh bị xử lý kỷ luật  (16/07/2012)
Ủng hộ ngư dân 22 tỷ đồng  (16/07/2012)
30 tàu đánh cá Trung Quốc xâm phạm ngư trường Trường Sa  (16/07/2012)
Phát động chương trình “Tấm lưới nghĩa tình” - Cùng ngư dân vươn khơi, bám biển  (15/07/2012)
Để được công nhận nông thôn mới: Thu nhập bình quân 22 triệu đồng/người  (15/07/2012)
Thi Cao đẳng: 9 thí sinh bị xử lý kỷ luật trong môn thi đầu  (15/07/2012)
Đến năm 2013 giá bán điện bình quân theo giá thị trường  (14/07/2012)
Bệnh nhân nước ngoài “ngược dòng” đến VN chữa bệnh   (14/07/2012)