Người nuôi gia súc, gia cầm hụt hơi
14:12', 17/7/ 2012 (GMT+7)

Rủi ro trong sản xuất nông nghiệp là điều có thể xảy ra khi giá cả luôn bấp bênh. Người nuôi gà công nghiệp bị lỗ hơn 30% khi xuất bán. Người nuôi heo bị “tam tai” khi sự cố chất kích thích tạo nạc, dịch heo tai xanh và sức mua giảm cùng ập đến... khiến người chăn nuôi kiệt quệ.

 

Cần có nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa để người nuôi heo phát triển sản xuất.

 

Giá heo, gà lao dốc

Theo tờ trình của Bộ NN-PTNT gửi Thủ tướng Chính phủ, 6 tháng đầu năm ngành chăn nuôi đối mặt nhiều khó khăn, nhưng gay gắt nhất là từ cuối tháng 3 đến nay khi giá giảm thấp nhất từ 2 năm gần đây. Giá heo hơi xuất chuồng tại miền Nam từ 50.000 đồng/kg chỉ còn 38.000 đồng/kg, giảm 24% trong khi giá thành khoảng 40.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp từ 35.000 đồng/kg (tháng 1 và 2) hiện chỉ còn khoảng 19.000 đồng/kg (giảm hơn 30%). Có thể nói, đây là mức lỗ quá lớn của ngành chăn nuôi gà công nghiệp. Trong tình cảnh đó, nạn nhập lậu động vật và thịt động vật qua biên giới phía Bắc, nhất là gà đẻ bị loại thải có phần gia tăng mạnh, không được kiểm soát càng khiến giá lao dốc nhanh hơn.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) Nguyễn Văn Trực cho biết, lượng heo xuất chuồng hàng tuần trước đây của SAGRI từ 12.000 đến 15.000 con, nay chỉ còn 7.000 - 8.000 con. Theo TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, đó là tín hiệu của việc suy giảm chăn nuôi.

Ông Nguyễn Quốc Trung, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Japfa, bức xúc: “Giá gà công nghiệp xuất bán tại chuồng chỉ còn 19.000 đồng/kg, sau khi giết mổ và sơ chế giá bán khoảng 38.000 - 40.000 đồng/kg, nhưng giá bán tại các siêu thị hiện nay 50.000 - 54.000 đồng/kg, ở chợ bán lẻ 45.000 đồng/kg. Đây là điều bất hợp lý khi người chăn nuôi khốn khổ với nguy cơ phá sản hàng loạt do phải bán thấp hơn giá thành gần 10.000 đồng/kg và người tiêu dùng bị móc túi vì phải mua với giá cao hơn rất nhiều. Khoảng lời cao hơn bình thường này vào tay khâu trung gian, trong đó, nhiều nhất thuộc về thương lái.

Giải pháp nào?

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Quốc Trung cho rằng, cần hạn chế bớt khâu trung gian bằng việc hình thành chợ đầu mối gia súc, gia cầm. Người chăn nuôi mang đến bán trực tiếp tại chợ. Tại đây có điểm giết mổ để phân phối đến các điểm bán lẻ. Nhưng để giải quyết khó khăn trước mắt hiện nay, nhà nước nên tạo điều kiện về vốn vay, lãi suất cho những doanh nghiệp có khả năng thu mua, tổ chức giết mổ gia súc, gia cầm sau đó cấp đông tạm trữ khoảng 3 - 4 tháng. Thu mua giai đoạn giá thấp sẽ thuận lợi cho việc tạm trữ, cấp đông. Bởi hậu quả của việc thua lỗ kéo dài này sẽ làm cho một lượng lớn người chăn nuôi treo chuồng, chỉ một thời gian sau sẽ tạo ra tình huống ngược lại, thịt gia súc, gia cầm sẽ khan hiếm.

Dự báo của Hội Chăn nuôi Việt Nam vào dịp Tết 2013, sẽ có tình trạng cung không đáp ứng đủ cầu. Lúc đó, lượng thịt cấp đông sẽ được tung ra. Bài học việc mua, tạm trữ thời kỳ dịch cúm gia cầm của TPHCM giai đoạn 2004-2005 lúc đó với 2 công ty Huynh Gia Huynh Đệ và Phú An Sinh là những kinh nghiệm quý giá mà nhà quản lý có thể tìm hiểu khi triển khai.

Bên cạnh việc tạm trữ, cấp đông giúp tăng lượng tiêu thụ để giữ giá không giảm mạnh, nhà nước cần có thêm biện pháp miễn thuế giá trị gia tăng thức ăn chăn nuôi (TĂCN). Vì đây là khâu chiếm giá thành cao nhất trong nuôi heo, gà với 70%. Nếu miễn thuế GTGT, mỗi ký TĂCN có thể giảm vài ngàn đồng/kg, giúp giảm bớt áp lực cho người nuôi khi mà hiện nay giá TĂCN không thể giảm do hậu quả của việc vay vốn với lãi suất ngân hàng rất cao và việc mua tạm trữ nguyên liệu nên có một độ trễ nhất định và giá bán. Nhà nước thực hiện gói hỗ trợ tín dụng khoảng 6.000 tỷ đồng cho các trang trại, cho người nuôi đáo nợ, giãn nợ khoản vay cũ, tái cơ cấu nợ đối với doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến sản phẩm chăn nuôi cho vay mới để duy trì xuất…

Theo ông Chung Kim, chủ trại nuôi heo ở Bình Dương, so với Việt Nam giá thành nuôi heo ở Pháp chỉ có khoảng 50% nhờ có vùng nguyên liệu để điều phối, giúp giảm chi phí đầu vào. Ở Việt Nam mỗi năm nhập khẩu cả chục triệu tấn nguyên liệu TĂCN, nên đẩy giá thành chăn nuôi lên đến 70%. Vì vậy, về lâu dài nên xây dựng vùng nguyên liệu cho chăn nuôi để giúp giảm giá thành TĂCN xuống.

. Theo SGGP

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Liên tục xuất hiện thông tin lừa đảo xuất khẩu lao động  (17/07/2012)
Ngân hàng nhỏ chần chừ giảm lãi suất về 15%/năm  (17/07/2012)
Công bố 13 luật và 2 nghị quyết  (17/07/2012)
Tàu Trung Quốc ngang nhiên bắt cá tại Trường Sa   (17/07/2012)
Hàng Việt sẽ vào siêu thị Trung Quốc  (16/07/2012)
Tập đoàn nhà nước đồng loạt cắt giảm lương  (16/07/2012)
Kết thúc kỳ thi cao đẳng năm 2012: 91 thí sinh bị kỷ luật  (16/07/2012)
Văn phòng Chủ tịch nước công bố 6 Luật  (16/07/2012)
Xuất khẩu gỗ cần hóa giải những "rào cản" mới  (16/07/2012)
Ngày thi thứ nhất (đợt 3): 51 thí sinh bị xử lý kỷ luật  (16/07/2012)
Ủng hộ ngư dân 22 tỷ đồng  (16/07/2012)
30 tàu đánh cá Trung Quốc xâm phạm ngư trường Trường Sa  (16/07/2012)
Phát động chương trình “Tấm lưới nghĩa tình” - Cùng ngư dân vươn khơi, bám biển  (15/07/2012)
Để được công nhận nông thôn mới: Thu nhập bình quân 22 triệu đồng/người  (15/07/2012)
Thi Cao đẳng: 9 thí sinh bị xử lý kỷ luật trong môn thi đầu  (15/07/2012)